Tín hiệu vui cho đồng bào dân tộc sống gần rừng

Hiện nay, ở Việt Nam, thị trường mua bán tín chỉ carbon ngày càng 'nóng' lên, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ đưa ra cam kết tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) rằng, Việt Nam sẽ tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã và đang tiến hành thí điểm mô hình trồng rừng, sản xuất lúa sạch, giảm phát thải nhằm bán tín chỉ carbon. Đây là lần đầu tiên, cùng với bán lúa gạo và sản xuất lâm sản chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, người nông dân còn có thể bán 'không khí' để thu về tiền thật.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Bạc Liêu tham gia Tết trồng cây bảo vệ rừng. Ảnh: Tân An

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Bạc Liêu tham gia Tết trồng cây bảo vệ rừng. Ảnh: Tân An

Tín chỉ carbon là gì?

Tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn CO2 (carbon dioxide) hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2. Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ. Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua năm 1997.

Theo nghị định này, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do CO2 là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon. Một tín chỉ được quy ước tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn khí nhà kính khác (CH4, NO2) quy đổi.

Tín chỉ carbon được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như: mô hình “Canh tác lúa sạch giảm khí phát thải”, “Giảm diện tích mất rừng và suy thoái rừng, “Tăng cường bề mặt hấp thụ từ hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng”... Người nông dân và các chủ rừng có thể quy đổi diện tích trồng lúa nước và diện tích cây rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, việc định giá tín chỉ carbon trên khắp thế giới chưa nhất quán, giá thị trường liên tục thay đổi ở các quốc gia. Theo Tổ chức chứng nhận quốc tế Gold Standard, thị trường tín chỉ carbon tự nguyện ngày nay chủ yếu giá được quyết định bởi quy luật cung cầu. Theo các nhà chuyên môn, giá tín chỉ carbon ở các quốc gia dao động rất lớn, có quốc gia chỉ 1 USD cho 1 tấn carbon, tuy nhiên cũng có quốc gia bán giá 100-140 USD cho 1 tấn carbon.

Có thể nói, giá của mỗi tín chỉ carbon được quyết định tùy theo thị trường và tùy theo hình thức hình thành tín chỉ carbon. Hiện, thị trường carbon có hai loại là tự nguyện và bắt buộc. Ở thị trường tự nguyện, các doanh nghiệp, các chủ thể tự nguyện thực hiện giảm phát thải khí nhà kính và mua tín chỉ carbon để đạt được mục tiêu này. Còn thị trường carbon bắt buộc, các cơ sở phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, thể hiện ở lượng hạn ngạch phát thải mà cơ quan quản lý phân bổ cho mỗi cơ sở; các cơ sở được phép mua bán trao đổi lượng hạn ngạch này trên thị trường.

Riêng tại thị trường các nước Đông Nam Á thì Việt Nam vừa chuyển nhượng thành công giá 5 USD/tấn carbon rừng. Mới đây nhất, nhằm hỗ trợ nông dân cải thiện đời sống và thông qua các cơ chế để Việt Nam tham gia thị trường carbon tự nguyện, Ngân hàng Thế giới (WB) cam kết mua tín chỉ carbon mức 10 USD/tấn CO2; trung bình 1ha lúa có thể thu về 100 USD từ việc bán tín chỉ carbon.

Triển vọng tại Việt Nam

Hiện, Việt Nam có diện tích trồng lúa là 3.940.619ha và hơn 14,7 triệu ha rừng, được đánh giá là nơi hấp thụ và lưu giữ lượng lớn carbon có tiềm năng với các dự án về tín chỉ carbon có nhiều triển vọng nhất trong các nước trên thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng.

Cán bộ BĐBP Cà Mau phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tham gia bảo vệ rừng ngập mặn. Ảnh: Tân An

Cán bộ BĐBP Cà Mau phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tham gia bảo vệ rừng ngập mặn. Ảnh: Tân An

Theo các chuyên gia, rừng Việt Nam có thể tạo ra khoảng 50-70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, tạo nguồn thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nếu xuất khẩu thành công. Ngoài lâm nghiệp, nông nghiệp cũng là một trong những lĩnh vực được quan tâm khi có thể tạo ra tín chỉ carbon. Chỉ riêng ngành nông nghiệp có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, tương đương 57 triệu tấn CO2 được hấp thụ, có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế đem về gần 300 triệu USD/năm. Sản xuất sạch giảm phát thải, nông dân kỳ vọng "hốt bạc" từ bán tín chỉ carbon.

Chỉ tính riêng năm 2023, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã nhận được 41,2 triệu USD (tương đương 997 tỷ đồng) từ quỹ carbon rừng thế giới. Những khoản tiền đầu tiên từ bán tín chỉ carbon rừng có ý nghĩa to lớn, không chỉ về kinh tế mà còn môi trường, xã hội. Bởi bên cạnh nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng thì đây là khoản thu nhập cao, bền vững đối với nhiều hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc sống gần rừng.

Theo dự thảo đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, đến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon. Đặc biệt, sau cam kết mạnh mẽ tại COP26, để tạo lập khung khổ pháp lý cho sự vận hành thị trường này, gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; tiếp tục quy định chi tiết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn, cũng như cụ thể hóa thị trường tín chỉ carbon.

Đây là bước đi đáng ghi nhận của Việt Nam, tuy nhiên, để vận hành được thị trường này, trong bối cảnh quỹ thời gian thực thi không còn nhiều, các thách thức về mặt kỹ thuật vẫn là rất đáng kể. Từ những công việc ban đầu nhắm vào tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp Việt Nam hiểu thị trường mua bán tín chỉ carbon là gì, rồi đến việc lựa chọn những ngành nào, doanh nghiệp theo tiêu chí nào bắt buộc tham gia thị trường. Các công đoạn mang tính kỹ thuật phức tạp hơn có thể kể đến như kiểm đếm phát thải; theo dõi, giám sát, báo cáo tiến trình mua bán...

Tất cả những vấn đề này đều còn rất mới mẻ với Việt Nam. Quyết tâm chính trị từ các lãnh đạo cao nhất là rất lớn, do đó, cần song hành với một kế hoạch hành động chi tiết ở các cấp bộ, ngành. Và đương nhiên, đây không phải là việc riêng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mà cần có sự chung tay của rất nhiều ngành khác.

Trước nhu cầu và tiềm năng xuất khẩu tín chỉ carbon từ nông nghệp ngày càng tăng, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cam kết mua 10 USD/tín chỉ carbon (1 tấn carbon bằng 1 tín chỉ carbon). Theo đó, trồng 1 triệu ha lúa, người nông dân sẽ thu về khoảng 100 triệu USD mỗi năm từ bán tín chỉ carbon.

Tân An

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tin-hieu-vui-cho-dong-bao-dan-toc-song-gan-rung-post482419.html