Tinh gọn để mạnh hơn: Cải cách bộ máy là xu hướng tiến bộ

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, yêu cầu đặt ra đối với nền hành chính nước ta là phải tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả. Chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế không chỉ là chiến lược cải cách lâu dài mà còn là bước đi cấp thiết, mang tầm nhìn xa trong bối cảnh hiện đại hóa bộ máy quản lý công. Việc tinh gọn không có nghĩa là cắt giảm đơn thuần về số lượng, mà là để củng cố chất lượng, cải thiện hiệu suất và đưa đội ngũ cán bộ, công chức vào vị trí phù hợp với năng lực, trách nhiệm.

Theo Bộ Nội vụ, tính đến ngày 30/6/2025, đã có 57.158 người thực hiện việc nghỉ việc trong khuôn khổ sắp xếp tổ chức bộ máy chính trị, trong đó 43.207 người nghỉ hưu hoặc nghỉ thôi việc. Những con số này không chỉ thể hiện kết quả cụ thể của quá trình triển khai tinh giản, mà còn phản ánh sự đồng thuận, hợp tác và nhận thức rõ ràng về vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân trong hệ thống.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để triển khai hiệu quả quá trình này, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách đồng bộ và có trọng tâm, tiêu biểu là Nghị định 178/2024/NĐ-CP và Nghị định 67/2025/NĐ-CP, giúp tạo khung pháp lý rõ ràng, nhất quán cho các bộ ngành, địa phương thực hiện. Đồng thời, các thông tư hướng dẫn thực hiện, cùng các văn bản chỉ đạo cụ thể từ Bộ Nội vụ như Thông tư số 01/2025/TT-BNV hay Thông tư số 002/2025/TT-BNV... đã giúp quá trình triển khai diễn ra đồng đều, đảm bảo đúng quy định và linh hoạt trong áp dụng thực tiễn.

Đặc biệt, Nhà nước cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ trong đảm bảo quyền lợi cho người lao động thuộc diện tinh giản. Theo thống kê, đã có 25.611 người nhận được chế độ hỗ trợ, tương đương tỷ lệ 62,39% (không bao gồm lực lượng Công an và Quân đội), với tổng kinh phí chi trả là 26.947 tỷ đồng. Điều này không chỉ khẳng định quyết tâm chính trị trong thực hiện cải cách mà còn thể hiện tinh thần nhân văn, trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Hướng tới hành chính hiện đại, linh hoạt

Tinh giản biên chế là cơ hội để các cấp chính quyền, các cơ quan hành chính đánh giá lại toàn diện hiệu quả hoạt động, xác định lại những vị trí công việc cần thiết và thiết kế lại quy trình làm việc theo hướng khoa học, hiện đại và phù hợp hơn với yêu cầu của xã hội hiện đại. Tái cấu trúc không chỉ giúp tiết kiệm nguồn lực mà còn nâng cao hiệu quả quản trị công, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính.

Đã có nhiều địa phương, bộ, ngành xem việc tinh giản biên chế là động lực để đổi mới cách thức tổ chức vận hành bộ máy. Thay vì duy trì cơ cấu cồng kềnh, nhiều nơi đã chủ động sáp nhập, hợp nhất những đơn vị có chức năng tương đồng, đồng thời khai thác hiệu quả công nghệ số để tối ưu hóa vận hành.

Điều này giúp chuyển hóa mô hình bộ máy hành chính từ nặng về quản lý sang phục vụ người dân, doanh nghiệp, đồng thời phát huy hiệu quả của đội ngũ công chức hiện có. Những cá nhân còn lại sau tinh giản sẽ có nhiều cơ hội để thể hiện năng lực, được tạo điều kiện để phát triển và được ghi nhận xứng đáng với đóng góp của mình.

Song song đó, quá trình tinh giản cũng mở ra không gian để thu hút nhân tài, tái cơ cấu đội ngũ cán bộ theo hướng chuyên nghiệp, trách nhiệm cao và thích ứng tốt với sự biến đổi không ngừng của xã hội. Các chính sách hỗ trợ tái đào tạo, chuyển đổi vị trí làm việc, nâng cao kỹ năng số, kỹ năng quản lý... đang được các địa phương triển khai ngày càng sâu rộng, góp phần tăng tính bền vững cho quá trình cải cách.

Tinh thần cải cách vì người dân, vì tương lai

Tinh giản biên chế, xét đến cùng, không chỉ là việc “giảm số người” mà là một phần không thể tách rời trong tiến trình cải cách hành chính toàn diện. Mục tiêu cuối cùng vẫn là xây dựng một nền hành chính phục vụ, nơi mỗi cán bộ, công chức đều thấy rõ vai trò của mình trong việc đem lại sự hài lòng cho người dân, nâng cao hiệu quả của nền quản lý nhà nước và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Tinh thần đổi mới trong giai đoạn này cũng chính là cơ hội để định hình lại tư duy công vụ, chuyển từ “làm đủ việc” sang “làm đúng việc”, từ “quản lý hành chính” sang “quản trị công hiện đại”. Một bộ máy tinh gọn là bộ máy không dư người nhưng cũng không thiếu người giỏi, nơi mà từng vị trí được đo bằng hiệu quả, bằng đóng góp thực tế cho xã hội và đất nước.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bước sang giai đoạn phát triển mới, với nền tảng là một bộ máy hành chính hiệu quả, minh bạch, phục vụ tốt hơn cho công dân và doanh nghiệp. Và việc hơn 43.000 người rời hệ thống chính trị theo đúng lộ trình và chính sách đã được ban hành không phải là sự mất mát, mà là dấu hiệu của một cuộc chuyển mình đầy quyết tâm, dũng cảm và tích cực.

Đức Thuận

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tinh-gon-de-manh-hon-cai-cach-bo-may-la-xu-huong-tien-bo-167237.html