'Tỉnh lấy xã, huyện lấy thôn và xã lấy từng hộ gia đình làm cơ sở'
BHG - Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2025), tỉnh ta đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 73/73 ngôi nhà cho người có công. Đây không chỉ là hành động thiết thực hưởng ứng phong trào “450 ngày hành động” do Thủ tướng Chính phủ phát động, mà còn là món quà đầy ý nghĩa dâng lên Bác Hồ kính yêu. Trong cuộc trao đổi với phóng viên của Báo Hà Giang, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hầu A Lềnh đã chia sẻ những cách làm sáng tạo, sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, thể hiện rõ quyết tâm của tỉnh trong việc chăm lo đời sống cho người dân.
Phóng viên: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, hỗ trợ xây nhà ở cho người có công trên địa bàn tỉnh là chương trình có ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát động trong toàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, Hà Giang đã hoàn thành vượt tiến độ hơn 100 ngày so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đề ra. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy có thể chia sẻ những kinh nghiệm cũng như cách làm hay, sáng tạo của tỉnh Hà Giang trong quá trình triển khai thực hiện?

Bí thư Tỉnh ủy Hầu A Lềnh trả lời phỏng vấn của Báo Hà Giang
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy: Trước hết, tỉnh Hà Giang xác định thực hiện phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng người có công, gia đình chính sách và người nghèo trên địa bàn tỉnh là một nhiệm vụ chính trị rất quan trọng. Ngay từ khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thì tỉnh Hà Giang đã tiến hành rà soát toàn bộ các đối tượng trên địa bàn, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm trưởng ban, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến tận cấp xã, thôn. Sau khi thành lập Ban Chỉ đạo, đã phân công nhiệm vụ cụ thể theo tinh thần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả. Ngoài cán bộ, công chức, viên chức, còn huy động cả cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các lực lượng công an, quân đội để cùng tham gia hỗ trợ bà con làm nhà. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã hoàn thành việc xây dựng nhà ở cho đối tượng người có công trước ngày 19.5, đúng dịp kỷ niệm 135 Ngày sinh Bác Hồ.
Các đối tượng thuộc phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động đã được bố trí đầy đủ kinh phí và tiến hành khởi công tại tất cả các huyện, thành phố. Ngay sau khi Chính phủ phân bổ kinh phí, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh để phân bổ bổ sung và các huyện, thành phố đã tiến hành phân bổ bổ sung xuống các địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Hầu A Lềnh chia sẻ với lãnh đạo, phóng viên Báo Hà Giang
Thứ hai, về mặt số liệu, UBND tỉnh đã tiến hành rà soát theo hướng dẫn của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, các bộ, ngành Trung ương và đã chốt được số liệu trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang. Hiện nay, toàn tỉnh còn gần 5.000 ngôi nhà thuộc đối tượng của các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đang tập trung giải quyết trước ngày 30.5, một số hộ trước ngày 30.6 sẽ khởi công toàn bộ. Như vậy đáp ứng với tiến độ của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu là cơ bản hoàn thành làm nhà cho người nghèo trên địa bàn tỉnh xong trước ngày 2.9, còn một số hộ rất khó khăn do thiếu người, khoảng cách di chuyển xa xôi, khan hiếm về nước hoặc do phong tục tập quán phải chọn ngày, chọn giờ khởi công… cũng quyết tâm để hoàn thành trước 31.10.
Qua kết quả thực hiện, đối với đặc thù Hà Giang là một tỉnh rộng, đồng bào sống ở những địa bàn hết sức xa xôi, hẻo lánh, địa hình đi lại khó khăn; đồng thời cũng khó khăn cả về con người do phải đi làm ăn xa. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao, tinh thần của tỉnh chỉ đạo là “Tỉnh lấy xã, huyện lấy thôn và xã lấy từng hộ gia đình làm cơ sở”. Như vậy, cán bộ tỉnh, cán bộ huyện, cán bộ xã thường xuyên phải tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và nắm chắc tình hình, cũng như phân loại các nhóm đối tượng để hỗ trợ.

Bí thư Tỉnh ủy Hầu A Lềnh dự khánh thành nhà mới của gia đình thương binh Mai Trung Liên
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã huy động gần 101.000 ngày công, trong đó có lực lượng công an, quân đội, đoàn viên thanh niên, dân quân ở các địa phương và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để chung tay cùng xây dựng nhà cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, đối với những hộ khó khăn, bị ảnh hưởng bởi phong tục, tập quán như chọn ngày, chọn giờ thì phải tăng cường công tác tuyên truyền để người dân đồng ý, đồng thuận tham gia xây dựng và sửa chữa nhà; đồng thời, các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường thông tin về kết quả, tiến độ thực hiện chương trình; phổ biến những nơi làm tốt, cách làm hay để cho những nơi khác học tập.
Thứ tư, Ban Chỉ đạo phân công nhiệm vụ rõ ràng và thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra gắn với việc kiểm tra nhiệm vụ chính trị trên địa bàn. Trong quý I/2025, Tỉnh ủy đã tổ chức 11 đoàn kiểm tra do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ làm trưởng đoàn để kiểm tra tại các địa phương, trong đó có nhiệm vụ này. Thông qua kiểm tra để rút kinh nghiệm và đôn đốc đối với các địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Hầu A Lềnh tặng quà cho gia đình thương binh Mai Trung Liên (thôn Nà Han, xã Yên Định, huyện Bắc Mê) trước khi vào nhà mới
Thứ năm, bám sát chủ trương, tinh thần chỉ đạo, đặc biệt là các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về các giải pháp để tổ chức thực hiện. Đi liền với đó là đảm bảo kịp thời nguồn vốn để hỗ trợ các địa phương trong bối cảnh tỉnh Hà Giang là tỉnh còn rất khó khăn. Tỉnh đã tranh thủ tất cả các nguồn vốn, từ ngân sách Trung ương, của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp để chung tay làm nhà cho người nghèo.
Với quyết tâm như vậy, tỉnh cũng đặt ra một kỳ vọng rất lớn và lộ trình rất rõ ràng là trước ngày 30.6 sẽ hoàn thành làm nhà cho các đối tượng theo phát động của Thủ tướng Chính phủ; trước ngày 30.9 sẽ hoàn thành toàn bộ nhà cho các đối tượng thụ hưởng từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Như vậy, đến 30.10, trên địa bàn tỉnh Hà Giang sẽ không còn nhà ở nào của đối tượng phải triển khai. Đây là một nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị tỉnh Hà Giang.
Phóng viên: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, kết quả này không chỉ là những con số mà còn là niềm tin, hy vọng gửi vào những ngôi nhà, vậy trong thời gian tới để đồng hành với người có công, nâng cao chất lượng cuộc sống, tỉnh Hà Giang tiếp tục triển khai giải pháp như thế nào?
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy: Ban Chỉ đạo tỉnh đã xác định, việc thực hiện phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tình đồng chí – nghĩa đồng bào cao cả và sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với Nhân dân, đặc biệt là Nhân dân vùng sâu, vùng xa, đối tượng hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số còn đang rất khó khăn về nhà ở trên tinh thần “Lá lành đùm lá rách" và "Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Chính vì như thế, việc triển khai hết sức quyết liệt, đồng bộ, không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ hành chính, mà còn thể hiện tình cảm và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với người dân. Từ đó, tỉnh cũng đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới: Bên cạnh việc hoàn thiện ngôi nhà cho bà con theo định mức hỗ trợ do Chính phủ quy định, huy động thêm nguồn lực để hỗ trợ bà con hoàn thiện các hạng mục liên quan khác, như trồng rau, trồng hoa trang trí xung quanh, gắn với đưa chuồng trại ra xa nhà… Ngay sau khi có ngôi nhà ổn định thì phải có các trang thiết bị bên trong đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Tỉnh thống nhất mỗi một ngôi nhà của bà con được hoàn thiện, khi bàn giao thì trao luôn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với những nhà chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), các địa phương còn hỗ trợ một lá cờ Tổ quốc, một ảnh chân dung Bác Hồ, để khi khánh thành vào nhà mới là có cờ Tổ quốc, có hình ảnh của Bác Hồ treo trong ngôi nhà của mình.
Bên cạnh đó, hỗ trợ các trang thiết bị khác, gồm bể nước, điện, giường, tủ, bàn ghế, ấm chén, tùy theo khả năng của từng địa phương và của từng hộ gia đình, để làm sao nhanh chóng ổn định cuộc sống ngay, như vậy mới đúng ý nghĩa một ngôi nhà dành cho bà con. Lâu dài hơn, những ngôi nhà này phải gắn với việc xây dựng bản làng mới, theo tinh thần xây dựng Nông thôn mới. Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư về hạ tầng, gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp để tạo nên những hình ảnh bản làng mới, cuộc sống mới đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Hà Giang, có như vậy mới đạt mục tiêu đặt ra là cuộc sống của người dân ngày một tốt đẹp hơn.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!