Tinh túy rượu Vân Giang

Thôn Vân Giang, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường không chỉ nổi tiếng với nghề làm mộc truyền thống mà nơi đây còn nức tiếng với nghề nấu rượu bao đời nay. Cái tên "rượu Vân Giang" đã trở thành thức uống có tiếng trong vùng và là niềm tự hào của bao thế hệ người dân sống trên mảnh đất này. Trải qua nhiều thăng trầm cùng với sự phát triển của xã hội, nghề nấu rượu ở Vân Giang vẫn được duy trì và là sinh kế cho nhiều gia đình.

Gia đình bà Phạm Thị Liên, thôn Vân Giang đã duy trì nghề nấu rượu gạo truyền thống hơn 30 năm

Gia đình bà Phạm Thị Liên, thôn Vân Giang đã duy trì nghề nấu rượu gạo truyền thống hơn 30 năm

Có dịp về thôn Vân Giang, vừa tới đầu thôn, chúng tôi có thể nghe thấy những âm thanh lách cách, tiếng đục đẽo của những nghệ nhân làm mộc cùng mùi rượu nếp thơm nồng phảng phất trong gió.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng thôn Vân Giang chia sẻ: “Nghề nấu rượu ở thôn Vân Giang có nguồn gốc từ làng Vạn Vân, Hà Bắc (cũ), nay là tỉnh Bắc Giang. Không biết chính xác nghề này có từ khi nào, người dân chỉ biết từ thời cha ông xa xưa, song song với nghề làm mộc truyền thống, nghề nấu rượu đã tồn tại hàng trăm năm và phát triển cho đến ngày nay.

Thôn Vân Giang có gần 70 hộ làm nghề nấu rượu, chiếm khoảng 17% tổng số hộ dân trong thôn. Cùng sự đổi thay của cuộc sống, số gia đình gìn giữ và duy trì nghề nấu rượu truyền thống không còn nhiều như trước, tuy nhiên, chất lượng rượu không vì thế mà mai một. Mỗi năm, doanh thu trung bình từ nghề nấu rượu của các hộ dân đạt hàng trăm triệu đồng”.

Rượu Vân Giang nức tiếng gần xa về chất lượng phương pháp nấu tỉ mỉ, cầu kỳ. Có thâm niên gần 30 năm làm nghề nấu rượu gạo ở thôn Vân Giang, bà Phạm Thị Liên cho biết: "Để có được mẻ rượu ngon, trước hết phải chọn nguyên liệu tốt. Gạo được chọn để nấu là loại gạo nếp ngon. Sau khi nấu chín, cơm được đổ ra chờ cho nguội rồi trộn với men thuốc Bắc.

Với 36 vị thuốc Bắc của men hòa quyện đều với cơm rượu rồi ủ chứa trong thùng. Thời gian ủ tùy theo từng mùa, 10 ngày (mùa đông) và 7 ngày (mùa hè) để bảo đảm thời gian lên men, tạo mùi thơm cho rượu. Sau cùng mới là công đoạn đưa lên bếp chưng cất thành rượu. Nhờ gạo nếp, men thuốc Bắc và phương pháp nấu rượu hoàn toàn thủ công đã chưng cất được thứ rượu trong vắt, hương vị đậm đà.

Nét đặc trưng của rượu Vân Giang là nồng độ tương đối nặng, khoảng từ 40 đến 45 độ. Tuy nhiên, rượu khi uống vào sẽ không khiến người ta cảm thấy đau đầu mà êm ru, sau khi ngủ xong một giấc là thấy tinh thần trở nên sảng khoái, thanh thoát”.

Theo bà Liên chia sẻ, vào ngày thường, cứ cách một ngày, bà nấu một mẻ rượu khoảng 80kg gạo cho ra thành phẩm khoảng 40 lít rượu. Tuy nhiên, những ngày giáp Tết, bếp nhà bà ngày nào cũng đỏ lửa để kịp đáp ứng nhu cầu đặt mua của khách hàng.

Rượu thành phẩm sẽ được bán theo nồng độ, nồng độ rượu càng cao, rượu càng ngon. Theo đó, giá rượu dao động trong khoảng từ 25 40 nghìn đồng/lít (từ 30 đến 50 độ).

Ngoài ra, rượu sau khi được chưng cất xong sẽ tạo ra hèm rượu (bã rượu) - nguồn phụ phẩm khá tốt được dùng làm thức ăn chăn nuôi lợn, gà. Do đó, mặc dù nguồn thu nhập từ việc nấu rượu tuy không quá cao nhưng nghề nấu rượu vẫn được gia đình bà Liên cũng như nhiều gia đình khác gắn bó để phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hữu cơ, an toàn.

Hiện nay, rượu Vân Giang không chỉ được tiêu thụ ở các địa phương trên địa bàn huyện Vĩnh Tường mà còn được khách hàng ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Việt Trì, Vĩnh Yên… thường xuyên tìm mua, tin dùng.

Rượu Vân Giang nổi tiếng là thế nên trong nhiều năm qua, chính quyền xã đã quan tâm, mong muốn xây dựng thương hiệu cho rượu Vân Giang. Tuy nhiên, do người dân sản xuất nhỏ lẻ, chỉ phát triển ở quy mô hộ gia đình, thiếu sự liên kết nên nghề nấu rượu chưa phát huy được thế mạnh, sản phẩm chưa có nhãn hiệu.

Trưởng thôn Vân Giang Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: "Chúng tôi đang loay hoay với việc quảng bá sản phẩm làng nghề thế nào cho tương xứng với truyền thống và giá trị của sản phẩm. Hiệp hội làng nghề chưa thành lập được do chưa tìm được cá nhân nào đủ uy tín, bản lĩnh và kiến thức kinh doanh để giúp bà con làng nghề chung lòng, chung sức xây dựng và phát triển thương hiệu.

Những người nấu rượu trong làng chủ yếu ở độ tuổi trung niên, cao tuổi nên việc tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế. Ở thời buổi này, không sử dụng được công nghệ sẽ hạn chế quảng bá giá trị sản phẩm ra thị trường lớn.

Ngược lại, thế hệ trẻ giỏi công nghệ, nhanh nhẹn, hoạt bát nhưng lại không thích làm nghề bởi nấu rượu vất vả, thu nhập không cao lại đòi hỏi phải có lòng kiên nhẫn, dồn hết tâm sức thì mới có sản phẩm ngon, chiều lòng thực khách được.

Bởi vậy, người làm nghề nấu rượu như chúng tôi rất lo lắng nếu sản phẩm không được phổ biến, tuyên truyền rộng rãi, người dân sẽ dần bỏ nghề nấu rượu, truyền thống của cha ông từ đó sẽ bị mai một, thất truyền".

Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nhân Nguyễn Minh Nghĩa cho biết: "Nghề nấu rượu ở Vân Giang là nghề truyền thống được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác. Rượu Vân Giang được kết tinh từ hồn quê mộc mạc, gần gũi khiến chưa uống đã say, say cái tình cái nghĩa, say hương vị quê hương thấm đượm trong đó.

Để duy trì và phát triển nghề, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, động viên một số cơ sở sản xuất rượu lâu năm đại diện cho làng nghề liên kết, xây dựng thương hiệu riêng cho rượu Vân Giang, để từ đó đưa sản phẩm rượu được phổ biến rộng rãi, vươn cao và vươn xa hơn nữa".

Bài, ảnh: Thảo My

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/73100/tinh-tuy-ruou-van-giang.html