Tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên ở miền Trung

Câu chuyện trầm luân của Báo Tiếng Dân và người chủ bút quê xứ Quảng được người dân xứ Huế kể lại như truyền kỳ về nghề báo.

Nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Trần Đình Hằng – Phân viện trưởng, Phân viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch miền Trung (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) chia sẻ nhiều câu chuyện về chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, cũng như về Báo Tiếng Dân cụ sáng lập năm 1927 và làm chủ bút.

Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng và tờ báo Tiếng Dân cụ sáng lập và làm chủ bút cho đến ngày bị chính quyền bảo hộ đình bản. (Ảnh tư liệu).

Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng và tờ báo Tiếng Dân cụ sáng lập và làm chủ bút cho đến ngày bị chính quyền bảo hộ đình bản. (Ảnh tư liệu).

Tố chất làm báo trong con người xứ Quảng

Báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng thể hiện rõ tố chất và tinh thần, sở trường làm báo trong con người xứ Quảng. Ngoài nội dung phong phú, Báo Tiếng Dân còn chứa đựng nhiều vấn đề văn hóa xã hội, cả độc đáo, cả nổi cộm trong bối cảnh Đông – Tây hội ngộ, giao thời giữa cựu học và tân học...

Cụ Huỳnh Thúc Kháng từng bị kết án tử do tham gia phong trào Duy Tân, nhưng được giảm án, đày ra Côn Đảo và được trả tự do năm 1921. Năm 1926, cụ được bầu làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ. Sau Cách mạng Tháng Tám, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, cụ đảm trách Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nhờ vai trò nghị viện dân biểu, con đường đấu tranh cách mạng vì nước vì dân của cụ góp phần quan trọng hình thành Báo Tiếng Dân với nhiều giá trị lịch sử văn hóa đặc biệt ở Huế - miền Trung đầu thế kỷ XX…”, TS Trần Đình Hằng nhận định.

Những thành viên chủ chốt của tờ báo Tiếng Dân chụp ảnh trước trụ sở tòa soạn ở số 123 đường Đông Ba (nay là số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng, TP Huế). (Ảnh tư liệu)

Những thành viên chủ chốt của tờ báo Tiếng Dân chụp ảnh trước trụ sở tòa soạn ở số 123 đường Đông Ba (nay là số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng, TP Huế). (Ảnh tư liệu)

Ngày 8/10/1926, cụ Huỳnh Thúc Kháng có đơn gửi Toàn quyền P. Pasquier xin phép xuất bản tờ báo Tiếng Dân bằng chữ Quốc ngữ, đặt tại Đà Nẵng để phổ biến tư tưởng yêu nước, canh tân theo lối ôn hòa. Dù đồng ý nhưng người Pháp buộc tòa soạn phải đặt tại Huế.

Ngày 12/02/1927, Toàn quyền Đông Dương Pasquier cho phép thành lập Báo Tiếng Dân, trụ sở đặt tại Huế. Cụ Huỳnh Thúc Kháng giao nhiệm vụ cho ông Trần Đình Phiên ra Huế tìm nhà, vừa làm trụ sở, vừa làm nơi in báo. Ông Trần Đình Phiên thuê được ngôi nhà 123 Đông Ba. Sau khi mua thiết bị, dụng cụ, nhà in và tòa soạn Báo Tiếng Dân nhanh chóng được hình thành. Ngày 10/8/1927, Báo Tiếng Dân ra số đầu tiên....”, ông Nguyễn Đức Lộc - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP Huế thông tin thêm.

Hoạt động từ năm 1927 tới 1943, báo Tiếng Dân có vai trò chính trị quan trọng, ảnh hưởng lớn trong giới trí thức miền Trung. Tiếng Dân trở thành tờ báo lâu năm nhất (17 năm), ra được 1.766 số, phản ánh những sự kiện lịch sử diễn ra ở Trung Kỳ.

Báo Tiếng Dân là tờ báo vì dân, hướng theo chấn hưng đất nước nên bị người Pháp kiểm soát gắt gao. Tòa soạn Báo Tiếng Dân còn chịu sự quản lý trực tiếp, lưu trữ và theo dõi sát sao của Sở Liêm phóng (phụ trách thông tin báo chí).

Mặc dù bị kiểm soát rất chặt chẽ nhưng qua Báo Tiếng Dân, cụ Huỳnh Thúc Kháng công bố nhiều nguồn tư liệu quý về lịch sử nước nhà, trong đó có những chứng cứ về chủ quyền lãnh thổ đối với các Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đặc biệt, trụ sở Báo còn là nơi được cụ Huỳnh Thúc Kháng mở thành ký túc xá để sinh viên Quảng Nam ra Huế trọ học…

Tiếng Dân cũng có nhiều đóng góp cho lịch sử văn hóa Huế - miền Trung và Báo chí Việt Nam. Khéo léo ca ngợi chủ quyền lãnh thổ, tự tôn dân tộc nên Báo bị chính quyền bảo hộ ra lệnh đình bản vào ngày 29/4/1943…”, TS Trần Đình Hằng chia sẻ.

‘Hồi sinh’ trụ sở Báo Tiếng Dân

Sau năm 1975, trụ sở Báo Tiếng Dân trở thành khu chung cư của cán bộ nhân viên Đại học Y. Cuối năm 2018, trụ sở Báo Tiếng Dân được công nhận là Di tích Lịch sử cấp tỉnh. Theo phương án, chính quyền muốn tu bổ, sửa chữa để khai thác theo hướng bảo tàng báo chí thu nhỏ. Thế nhưng, thực tế trụ sở này bị bỏ hoang, cửa đóng then cài từ đó đến nay.

Sau khi được công nhận là di tích cấp tỉnh, trụ sở báo Tiếng Dân hiện cửa đóng then cài. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Sau khi được công nhận là di tích cấp tỉnh, trụ sở báo Tiếng Dân hiện cửa đóng then cài. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP Huế thừa nhận việc phải đóng cửa di tích trụ sở Báo Tiếng Dân. Lý do là để đảm bảo an toàn cho người dân, du khách do ngôi nhà hiện xuống cấp nghiêm trọng.

TS. Trần Đình Hằng cho rằng, thông tin, tư liệu trong Báo Tiếng Dân là một kho tàng khổng lồ và liên quan đến nhiều nhân vật lịch sử có đóng góp lớn cho đất nước. Việc trụ sở Báo Tiếng Dân được công nhận di tích rồi cửa đóng then cài rất đáng tiếc. Do đó, cơ quan quản lý cần nghiên cứu hành lang pháp lý, “hồi sinh”, khai thác di tích này theo hướng xã hội hóa, phát huy giá trị của di tích.

Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu – Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên - Huế (nay là TP Huế) cho biết, trụ sở Báo Tiếng Dân dù được công nhận di tích nhưng không có hiện vật gì trong đó.

Ngoài việc in báo, nhà in Tiếng Dân khi xưa còn in rất nhiều sách. Tôi từng đề xuất, nếu không đủ điều kiện mua những quyển sách thời đó thì nên làm cái bìa để trưng bày cũng được. Chứ vào một ngôi nhà không có gì, hương tàn đèn lạnh thì vô cảm lắm…”, ông góp ý.

Dãy nhà 2 tầng trong trụ sở báo Tiếng Dân hiện xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh: Nhật Linh)

Dãy nhà 2 tầng trong trụ sở báo Tiếng Dân hiện xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh: Nhật Linh)

Theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, việc xã hội hóa để bảo tồn, phát huy giá trị trụ sở Báo Tiếng Dân rất khó, vì di tích do Nhà nước quản lý.

Để di tích sống được cần phải có người tham quan. Có kinh phí rồi nhưng phải có hiện vật trưng bày. Hiện vật là phương tiện để thu hút khách, thu hút các nhà nghiên cứu, để di tích sống lại. Từ năm 2004, tôi từng suy nghĩ vấn đề này, nhưng có cái khó là vị trí trụ sở Báo Tiếng Dân vào mùa mưa lụt ghê lắm, nên quản lý hiện vật không khéo rất dễ hư hỏng.

Vài tỷ để hồi sinh di tích không khó với Huế, nhưng làm sao để duy trì, mở cửa cho khách là vấn đề người làm di tích cần quan tâm. Chúng ta cần mạnh dạn đầu tư, mua hiện vật để thu hút khách. Sau này, khi di tích phát triển rồi, các sự kiện, tọa đàm về báo chí có thể đưa về đó. Sinh viên cũng có thể đến nghiên cứu học tập…”, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu phân tích.

NGUYỄN VƯƠNG

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/to-bao-chu-quoc-ngu-dau-tien-o-mien-trung-ar953380.html