Tôn tạo đình cổ Cầu Đơ: Điều chỉnh thủy đình phù hợp kiến trúc truyền thống

Ngôi đình cổ nổi tiếng vùng Hà Đông xưa sắp được tôn tạo với các hạng mục quan trọng, nhằm bảo đảm tính bền vững và nguyên trạng của di tích.

Đình Cầu Đơ thờ danh tướng Đỗ Bí.

Đình Cầu Đơ thờ danh tướng Đỗ Bí.

Bộ VH,TT&DL vừa có Văn bản số 3993 gửi UBND thành phố Hà Nội về việc thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích đình Cầu Đơ, phường Hà Cầu (Hà Đông - Hà Nội).

Tái sử dụng ngói cũ

Theo đó, Bộ VH,TT&DL thỏa thuận Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích đình Cầu Đơ, với nội dung: Tu bổ, tôn tạo Tả mạc, Hữu mạc, nhà thủy đình, ao đình; đảo ngói phương đình, đại bái, hậu cung; cải tạo, xây dựng tường rào, nhà vệ sinh và sân vườn, hạ tầng kỹ thuật.

Bộ VH,TT&DL lưu ý: Tu bổ, tôn tạo nguyên trạng Tả mạc, Hữu mạc trên cơ sở giữ nguyên mặt bằng công trình; tu bổ, bảo tồn hệ thống cột và tường bao xây gạch; tái sử dụng tối đa ngói lợp còn khả năng sử dụng.

Đối với phương án tôn tạo thủy đình: Hệ thống cột và lan can xây gạch hoặc làm bằng vật liệu gỗ. Đồng thời nghiên cứu hình thức kiến trúc tòa phương đình hiện có để điều chỉnh thiết kế tôn tạo thủy đình cho phù hợp với kiến trúc truyền thống. Bên cạnh đó không xây dựng bình phong (lan can 1) trên tường rào ao.

Bộ VH,TT&DL đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung, hoàn thiện Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, công bố công khai nội dung tu bổ, tôn tạo di tích trước khi triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.

Theo ông Dương Thế Vinh, Chủ tịch UBND phường Hà Cầu, đình Cầu Đơ trước kia thuộc xã Hà Cầu, thị xã Hà Đông (tỉnh Hà Tây cũ), nay là phường Hà Cầu - TP Hà Nội. Sử sách ghi lại, đình Cầu Đơ có từ thế kỷ XV, được dựng ven sông Nhuệ.

Đình thờ tướng quan Đỗ Bí, người có công giúp vua Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh lập ra triều Hậu Lê. Vào đời vua Lê Hy Tông (1676) Đỗ Bí được sắc phong làm Thành Hoàng làng Cầu Đơ. Hàng năm cứ đến ngày 14 - 15 tháng Giêng, nhân dân ở làng Cầu Đơ lại tổ chức lễ cúng Thành Hoàng.

Đến cuối thế kỷ XIX thực dân Pháp mở rộng TP Hà Nội vào Hà Đông. Họ thành lập một đô thị hiện đại trên phần đất của tỉnh Hà Nội do nhà Nguyễn nhượng lại. Từ đó, trụ sở quan lại cũ của Nam triều ở khu vực Phủ Doãn - Ngõ Huyện phải chuyển về làng Cầu Đơ. Tên Cầu Đơ cũng được đặt làm tên tỉnh mới trong thời gian gần 3 năm từ tháng 5/1902 - 12/1904.

Đình cổ chứa đựng tư tưởng

Theo các cao niên địa phương, địa danh Cầu Đơ thực ra là tên của một cây cầu bắc qua sông Nhuệ nối thông con đường từ Hà Nội đi Hòa Bình. Cây cầu cũ được che bằng mái ngói theo kiểu “thượng gia hạ kiều” giống như cầu Hội An. Về sau con đường mở rộng và cầu được xây lại bằng bê tông, tức cầu Hà Đông bây giờ.

Thị xã Cầu Đơ nằm hai bên đường quốc lộ số 6 nên thời đó có nhiều hàng quán phục vụ người Pháp và quân đội Pháp. Những nhà hát cô đầu đều treo đèn lồng đỏ nên phố ấy gọi là phố Bông Đỏ. Về sau người ta ghép tên phố với tên đoạn đường gần ngã ba đi Chùa Hương vào mà thành ra tên Ba La - Bông Đỏ.

Do đình được trùng tu nhiều lần, nên trong một kiến trúc tổng thể hiện nay có các phần thuộc các thời gian xây dựng khác nhau và chức năng sử dụng cũng khác nhau. Hệ thống nghi môn, sân đình, tòa phương đình, hai bên là nhà tảo mạc đối diện nhau qua tòa phương đình. Sau tòa phương đình là nhà tiền tế rồi đến tòa hậu cung có kết cấu chữ Đinh.

Theo các nhà nghiên cứu, đình Cầu Đơ xét về kiến trúc thì không có nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc so với các ngôi đình khác. Tuy nhiên, đình lại có giá trị cao trong các phần trang trí và các di vật được gìn giữ.

Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Điểm làm lên giá trị của các ngôi đình nói chung và đình Cầu Đơ nói riêng, không chỉ ở giá trị lịch sử tồn tại lâu đời và mang phong cách của một thời kỳ nào đó. Giá trị ngôi đình còn biểu hiện tư tưởng của người dân, tính nghệ thuật cao của các mảng chạm khắc, các mảng trang trí trong đình.

Đình Cầu Đơ có nhiều mảng chạm khắc với giá trị nghệ thuật độc đáo với nội dung đề tài phong phú: Tứ linh, tứ quý; đề tài thực vật… Qua những mảng trang trí còn lại ở đình Cầu Đơ đã cho thấy được ý nghĩa, quan niệm của người dân về thế giới xung quanh, nói lên những ước vọng, những ý muốn ẩn sâu sau nội dung của các mảng trang trí tinh tế.

Theo Ban Quản lý di tích đình Cầu Đơ, hiện nay những di vật thuộc hệ thống với chất liệu gỗ gồm: Kiệu long đình, kiệu bát cống, khám thờ, ngai thờ của các vị thần, một chiếc sàng thờ, hai chiếc nhang án, ngựa gỗ, đồ bát bửu, lỗ bộ, nhiều câu đối, hoành phi.

Những giá trị của đình Cầu Đơ đã khẳng định vai trò của ngôi đình này trong đời sống cộng đồng người dân làng Đơ. Đình Cầu Đơ trở thành tâm điểm trong hoạt động tín ngưỡng của làng với lễ hội truyền thống là giá trị văn hóa phi vật thể quý báu mà ngôi đình cũng như người dân làng còn gìn giữ được.

Đình làng Cầu Đơ được xếp Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia từ năm 1985. Đình mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn đã giản lược những chi tiết đặc biệt cầu kỳ. Tuy ngôi đình bị lấn chiếm và xây bưng bít xung quanh, nhưng vẫn khá thông thoáng nhờ có nghi môn với thủy đình. Đình Cầu Đơ là địa chỉ thu hút đông đảo nghệ sĩ nghiên cứu về nghệ thuật truyền thống.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/ton-tao-dinh-co-cau-do-dieu-chinh-thuy-dinh-phu-hop-kien-truc-truyen-thong-c4nbGgoGg.html