Tổng Bí thư: Lắng nghe ý kiến cử tri khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp

Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cần đảm bảo đúng quy trình, quy định, tiến hành lấy ý kiến nhân dân.

Sáng 5/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Phát biểu tại Tổ 1 (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV là kỳ họp quan trọng, vì vậy khai mạc sớm 2 tuần so với thường lệ để có đủ thời gian xem xét các nội dung, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Tổng Bí thư lưu ý, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp cần đảm bảo đúng quy trình, quy định, tiến hành lấy ý kiến nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại cuộc họp tổ 1. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại cuộc họp tổ 1. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN

“Nếu có thể, chúng ta sẽ sửa đổi Hiến pháp một cách căn bản, dự kiến kỳ Đại hội sau. Có thể tính toán bổ sung Cương lĩnh phát triển đất nước để có tầm nhìn dài hơn, định hình sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới như thế nào, khi đó mới xem xét sửa đổi Hiến pháp,” Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, chúng ta cùng lúc phải làm rất nhiều việc, phải tập trung chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, muốn tổ chức đại hội Đảng thì phải có bộ máy, kể cả bộ máy hành chính và bộ máy tổ chức của Đảng; đồng thời vẫn phải đảm bảo các công việc thường xuyên và đảm bảo yêu cầu tăng trưởng.

Tổng Bí thư cho biết, qua đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng của năm 2025 cho thấy, có một số chỉ tiêu đạt kết quả đáng mừng như: tổng thu ngân sách Nhà nước 4 tháng ước đạt 48% kế hoạch cả năm, tăng 26,3% so cùng kỳ năm 2024, trong đó TP Hà Nội tăng cao và đạt hơn 50% kế hoạch cả năm.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, chúng ta cần tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế; tiếp tục cải thiện đời sống của nhân dân; đất nước phát triển thì người dân phải được thụ hưởng thành quả đó và tạo tiền đề rất quan trọng cho sự phát triển của giai đoạn sau.

Quang cảnh cuộc họp tổ. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN

Quang cảnh cuộc họp tổ. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN

“Hoàn thành các chỉ tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là tiền đề rất tốt để chúng ta đặt ra kế hoạch cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để hoàn thành các chỉ tiêu của Đại hội XIV,” Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định.

Tổng Bí thư Tô Lâm mong muốn các đại biểu Quốc hội tiếp tục lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, cũng như công tác xây dựng pháp luật. Trong tháng 5/2025 sẽ triển khai hai Nghị quyết của Bộ Chính trị: Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

“Những vấn đề được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật của Quốc hội cũng sẽ được xem xét để xử lý ngay,” Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết.

Sáng 5/5, tại tờ trình việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (Ủy ban), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thành lập Ủy ban gồm 15 thành viên do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch. Các Phó Chủ tịch Ủy ban gồm Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Phó Thủ tướng Lê Thành Long.

Ủy ban này có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến; xác định nội dung và ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo nghị quyết.

Cùng với đó, tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của nhân dân, các ngành, các cấp, ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo nghị và trình Quốc hội xem xét, thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9 này.

Theo chương trình kỳ họp, nội dung này được các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ trong sáng nay và thảo luận trên hội trường trong phiên làm việc buổi chiều trước khi ấn nút biểu quyết vào cuối ngày làm việc hôm nay, ngày 5/5.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tong-bi-thu-lang-nghe-y-kien-cu-tri-khi-sua-doi-bo-sung-hien-phap-41135.html