Tổng giám đốc NextPay: Chọn hạ tầng hay con người?

Kinh tế số vốn ưu tiên yếu tố hạ tầng công nghệ, tự động hóa. Vậy vai trò của con người sẽ ở đâu trong nền kinh tế mới này?

Gặp ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng giám đốc NextPay, tại một quán ăn sáng nổi tiếng ở phố cổ Hà Nội, điều thu hút sự chú ý của ông không phải là món ăn, mà là chiếc loa nhỏ đặt cạnh quầy tính tiền.

Mỗi khi có người thanh toán qua chuyển khoản hoặc quét mã QR, chiếc loa lại vang lên: “Ting, ting. Đã nhận một trăm nghìn”. Chỉ vào chiếc loa, ông Tuất chia sẻ đây là sản phẩm tâm đắc của NextPay, thể hiện rõ nét sự phát triển của nền kinh tế số.

Từ truyền thống bước lên kinh tế số

Hiện nay, có nhiều cách hiểu về kinh tế số. Vậy với ông, kinh tế số tại Việt Nam sẽ như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Tuất: Theo tôi, kinh tế số chính là cách chúng ta ứng dụng công nghệ, hay số hóa nền kinh tế nói chung. Kinh tế số là kết quả của quá trình chuyển đổi quy trình, phương thức kinh doanh truyền thống sang môi trường trên internet.

Nhắc tới kinh tế số, nhiều người nghĩ đây là một nền kinh tế mới, nhưng mọi thứ thực tế vẫn xoay quanh nền kinh tế cơ bản. Thay đổi duy nhất là môi trường kinh doanh mới sẽ sản sinh ra những cách thức kinh doanh mới, các loại hình doanh nghiệp mới.

Một cách hiểu khác, kinh tế số có thể coi là nền kinh tế “không biên giới”. Vì tính chất này, nên kinh tế số tăng trưởng nhanh hơn nền kinh tế truyền thống dựa trên yếu tố công nghệ.

Ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng giám đốc NextPay. Ảnh: VH

Ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng giám đốc NextPay. Ảnh: VH

Với một hình dung như vậy, đâu là sẽ những yếu tố cần quan tâm trong nền kinh tế số, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Tuất: Tôi cho rằng có ít nhất ba yếu tố tác động có thể nhìn thấy rõ, gồm chính sách, hạ tầng và ứng dụng. Trong đó, chính sách hay chiến lược kinh tế số đã được nhà nước ban hành gần đây.

Phần hạ tầng bao gồm hệ thống internet, trung tâm dữ liệu, công nghệ bảo mật là nền tảng. Hạ tầng cũng bao gồm cả thanh toán số và được xem là huyết mạch của nền kinh tế số. Còn lại, ứng dụng trong nền kinh tế số là các dịch vụ trên internet, các nền tảng số để doanh nghiệp vận hành, các siêu ứng dụng phục vụ người dùng cuối.

Nhìn vào nền kinh tế số này, NextPay sẽ đóng vai trò gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Tuất: Chúng tôi đã có hai mươi năm tham gia vào lĩnh vực kinh tế số từ những ngày đầu tiên. Đến nay, NextPay tập trung vào ba chiến lược gồm: chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp nền tảng thanh toán số toàn diện và kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến các ngân hàng, cũng như tổ chức tài chính.

Thanh toán số có thể coi là một cuộc cách mạng ở Việt Nam khi chúng ta đã nhanh chóng chuyển đổi phương thức thanh toán từ tiền mặt sang thẻ, ví điện tử, QR code…

Trong lĩnh vực thanh toán số, NextPay đã luôn kiên định từ đầu và chọn cho mình định vị là cánh tay nối dài của các ngân hàng, phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chân dung các doanh nghiệp mà NextPay đang phục vụ ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Tuất: Các doanh nghiệp mà NextPay phục vụ thường không nằm trong nhóm mà các ngân hàng trực tiếp phục vụ. Ở Việt Nam, chúng ta có khoảng 5 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ như vậy. Họ có thể là anh bán cà phê, bà bán bún hay cô bán tạp hóa đầu ngõ. Con số này thực sự rất lớn, nên NextPay cần tới rất đông nhân sự để phục vụ và triển khai.

Điểm chung của họ là cần được hỗ trợ tận nơi, thậm chí là hỗ trợ các hoạt động ngoài giờ hành chính. Mà ngân hàng thì lại không làm được điều này. Chưa kể đây là các đối tượng thường xuyên thay đổi, có khi cứ ba đến năm tháng là đã thay đổi. Vậy để phục vụ được các doanh nghiệp nhỏ và vừa này chỉ có fintech, vừa sáng tạo, vừa linh hoạt như NextPay.

Vậy NextPay sẽ phục vụ anh bán cà phê, bà bán bún như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Tuất: NextPay là công ty về dịch vụ và giải pháp thanh toán, nên lúc nào cũng đi tiên phong trong các công nghệ thanh toán mới nhất.

Tháng 8 năm ngoái, chúng tôi giới thiệu với mọi người loa Tingbox, một chiếc loa thông minh có thể tự động báo số tiền nhận được từ hình thức chuyển khoản, quét QR code thông qua giọng nói. Thời điểm đó, không nhiều người nghĩ, đây sẽ là một sản phẩm được phổ cập rộng rãi và nhanh chóng đến vậy.

Nhưng đến nay, loa Tingbox đã được rất nhiều nhà bán hàng tin dùng. Nhờ có sản phẩm này, người bán có thể tập trung vào phục vụ, mỗi khi có ai đó thanh toán sẽ biết được khoản tiền đến. Loa phát ra âm thanh văn minh, lịch sự.

Nhiều người nghĩ rằng sản phẩm công nghệ phải cao siêu, trong khi bản chất của công nghệ là đem lại giá trị thiết thực, giải quyết được “nỗi đau” của người bán hàng. Loa Tingbox giúp rút ngắn thời gian kiểm tra giao dịch, đem lại trải nghiệm tốt hơn cho cả người mua người bán.

Thanh toán chỉ là bước đầu, NextPay còn giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng một cách an toàn và nhanh chóng, thông qua các hoạt động kinh doanh hàng ngày.

Loa Tingbox của NextPay được nhiều nhà bán hàng tin dùng. Ảnh: VH

Loa Tingbox của NextPay được nhiều nhà bán hàng tin dùng. Ảnh: VH

Nghề chuyển đổi số

Ông nói cần tới rất nhiều nhân sự để phục vụ khách hàng, trong khi NextPay là một công ty thanh toán số. Điều này có gì mâu thuẫn với triết lý số hóa là để nâng cao năng suất và giảm nhân công?

Ông Nguyễn Hữu Tuất: Cần đính chính là NextPay phục vụ từ các bà bán bún, bán tạp hóa, cho tới những doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Samsung. Nhưng trọng tâm vẫn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ.

Với các doanh nghiệp nhỏ, bản thân họ chưa được tiếp cận đầy đủ với các công nghệ tài chính. Thậm chí, nhiều hộ kinh doanh mới chỉ bước vào thanh toán số trong thời gian gần đây.

Ở góc độ là đơn vị cung cấp các dịch vụ thanh toán số, chúng tôi chia việc phục vụ khách hàng thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là phát triển thị trường, giai đoạn thứ hai là duy trì và cung cấp dịch vụ.

Tại NextPay, giai đoạn đầu cần nhiều nhân sự để gặp gỡ, tư vấn khách hàng tham gia thanh toán số. Chưa kể, văn hóa Việt Nam thích tận nơi, cầm tay, thay vì cung cấp dịch vụ từ xa.

Giai đoạn hai là vận hành, NextPay hoàn toàn dùng công nghệ. Khâu này, NextPay đang phục vụ hơn 200.000 doanh nghiệp chỉ bằng mười người, thay vì cần cả nghìn người như mô hình truyền thống. Và cho dù có 500.000 doanh nghiệp, chúng tôi cũng chỉ cần mười người này.

Cần nhiều nhân sự như vậy cho công việc thanh toán số, ông có coi đây là một nghề?

Ông Nguyễn Hữu Tuất: Tất nhiên rồi, chúng tôi gọi chung đây là nghề chuyển đổi số. Vì nghề này đòi hỏi kỹ năng và có con đường thăng tiến rõ ràng, theo cùng với sự đi lên của kinh tế số.

Nghề này chia thành nhiều cấp độ. Ban đầu là tư vấn các giải pháp chuyển đổi số, cao hơn là tư vấn cho khách hàng ứng dụng giải pháp một cách hiệu quả, và cao hơn nữa là tư vấn giúp khách hàng kinh doanh sáng tạo hơn, cải tiến quy trình, thay đổi mô hình vận hành.

NextPay phục vụ từ các bà bán bún, bán tạp hóa, cho tới những doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Ảnh: VH

NextPay phục vụ từ các bà bán bún, bán tạp hóa, cho tới những doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Ảnh: VH

Nghe rất hấp dẫn, nhưng có vẻ như ngoài thực tế lại chưa có trường lớp nào đào tạo nghề chuyển đổi số, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Tuất: Như tôi chia sẻ, nghề này đòi hỏi có kỹ năng. Thực tế, mỗi người Việt Nam hiện nay ít nhiều đã có những kỹ năng số nhất định. Cơ bản là với mạng xã hội, mua hàng thương mại điện tử, phần mềm văn phòng… hay nâng cao hơn là tự học và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công việc, giải trí.

Có thể nói, các kỹ năng số ngày nay có được là do chúng ta tự học, nhiều hơn là được đào tạo. Việc tự học mở ra một cơ hội, đó là ứng viên có thể nhanh chóng nắm bắt thông tin, kiến thức chuyển đổi số, mà không cần chờ doanh nghiệp đào tạo.

Ở NextPay, chúng tôi hầu như chỉ cần đặt ra bài toán với ứng viên và xem cách họ giải quyết vấn đề, thay vì mất thời gian dạy nghề. Kết hợp với các tài liệu chúng tôi cung cấp, ứng viên chỉ cần hai ngày để học việc, thay vì cần tới một tháng theo phương thức truyền thống. Với trí tuệ nhân tạo, tôi tin rằng ai cũng có thể tự học để tham gia, đóng góp vào nền kinh tế số.

Nếu không có trường lớp thì đồng nghĩa không có bằng cấp. Vậy ông sẽ tuyển họ vì điều gì khi hành nghề chuyển đổi số?

Ông Nguyễn Hữu Tuất: Theo tôi, tất cả vẫn quay lại với những yếu tố rất “người” như tư cách, đạo đức, ứng xử và kỹ năng mềm. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là khả năng tự học.

Nếu chủ yếu là tự học thì thu nhập của nghề này có đảm bảo không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Tuất: NextPay có rất nhiều nhân viên trẻ và mới, nhưng kết quả rất xuất sắc, thậm chí vượt gấp ba, gấp năm lần chỉ tiêu yêu cầu. Cá biệt, có những bạn trẻ thu nhập còn cao hơn cả vị trí quản lý.

Đây quả là điều bất ngờ. Vừa rồi, ông đã chia sẻ hai thành tố là hạ tầng và con người trong nền kinh tế số. Vậy nếu đặt lên bàn cân hai thành tố này, thì theo ông thành tố nào quan trọng hơn?

Ông Nguyễn Hữu Tuất: Tôi nghĩ rằng, tầm quan trọng của hai yếu tố này là như nhau. Hạ tầng, hay cụ thể hạ tầng thanh toán số chính là lĩnh vực cốt lõi của NextPay, còn con người sẽ là đối tượng vận hành và làm chủ hạ tầng này.

Ở đây tôi nhấn mạnh, hạ tầng và con người buộc phải đồng bộ, để đạt được hiệu quả cao nhất. Trước đó, tôi đã đề cập tới ba yếu tố trong nền kinh tế số là chính sách, hạ tầng và ứng dụng. Con người chính là yếu tố thứ tư và không thể tách rời.

Xin cảm ơn ông!

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/tong-giam-doc-nextpay-chon-ha-tang-hay-con-nguoi-d38928.html