Tổng thống Pháp lên tiếng về quyết định bầu cử sớm

Phát biểu trong chuyến thăm vùng Tây Brittany hôm 18/6 (giờ địa phương), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bảo vệ quyết định tổ chức bầu cử sớm, nhấn mạnh nếu không giải tán quốc hội, mọi chuyện sẽ trở nên hỗn loạn.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bảo vệ quyết định bầu cử sớm bất chấp chỉ trích. Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bảo vệ quyết định bầu cử sớm bất chấp chỉ trích. Ảnh: Reuters

France 24 ngày 19/6 dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm vào cuối tháng 6 là giải pháp "nặng nề nhất, nghiêm trọng nhất nhưng có trách nhiệm nhất" sau thất bại trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).

Trước đó, kết quả bầu cử EP tổ chức hôm 9/6 cho thấy, đảng Mặt trận Quốc gia (RN) nhận được 31,3% phiếu bầu, gấp đôi mức mà đảng Phục hưng theo đường lối trung dung của Tổng thống Macron giành được.

Theo giới quan sát, nhằm nỗ lực chặn đà tiến của RN và các đảng cực hữu, Tổng thống Macron buộc phải đưa ra quyết định giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử quốc hội sớm, với hai vòng dự kiến diễn ra vào ngày 30/6 và 7/7.

Dù chưa công bố cam kết cụ thể, nhưng RN tuyên bố sẽ giảm thuế với nhiên liệu và năng lượng, lấy lại quyền kiểm soát chính sách năng lượng từ Liên minh châu Âu (EU), hạ tuổi nghỉ hưu và tăng lương công chức. Chủ tịch đảng cực hữu RN Jordan Bardella đã kêu gọi cử tri trao cho liên minh của ông thế đa số tại quốc hội và khẳng định ông sẽ từ chối trở thành người đứng đầu chính phủ nếu không đạt được điều này.

Trong khi đó, Tổng thống Macron mất thế đa số tuyệt đối tại quốc hội vào năm 2022 và kết quả của các cuộc thăm dò dư luận tại Pháp ở thời điểm hiện tại chỉ ra rằng, phe của Tổng thống Macron đang bám sát sau phe cực hữu và liên minh cánh tả mới.

Giới học giả đánh giá, việc RN thắng cử sẽ trở thành kịch bản gây chấn động lịch sử Pháp hiện đại. Phe cực hữu chưa từng lên nắm quyền từ sau thời kỳ Vichy, giai đoạn phát xít Đức chiếm đóng Pháp những năm 1940. Ngoài ra, do bà Le Pen - ứng viên của RN có quan điểm hoài nghi châu Âu và mong muốn lấy lại quyền lực của Pháp từ EU, quan hệ giữa nước này với đối tác thân thiết nhất là Đức sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Kim Khánh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/tong-thong-phap-len-tieng-ve-quyet-dinh-bau-cu-som-i734801/