Top 5 thị phần phi nhân thọ tiếp tục xáo trộn
Kết quả kinh doanh quý I/2024 được công bố cũng là lúc thị phần doanh thu phí của 5 công ty bảo hiểm dẫn đầu có sự thay đổi lớn.
Bảo hiểm PVI vững ngôi đầu, BIC bứt phá
Theo số liệu ước tính của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, kết thúc quý I/2024, doanh thu phí bảo hiểm gốc ước đạt hơn 20.002 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước.
Trong nhóm 5 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất, ngoài việc Bảo hiểm PVI vững ngôi đầu với thị phần bỏ xa phần còn lại, hay sự ổn định của Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo hiểm Quân đội (MIC, mã MIG) lần lượt ở vị trí thứ 2 (ước đạt hơn 13%) và thứ 4 (ước đạt hơn 6%), thị trường còn chứng kiến sự bứt phá của Bảo hiểm BIDV (BIC, mã BIC) khi vượt qua cả Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, mã PGI) và Bảo hiểm Bưu điện (PTI, mã PTI) để vươn lên vị trí thứ 5.
Theo báo cáo tài chính quý I/2024 của Bảo hiểm PVI, tổng doanh thu trong kỳ đạt 6.113 tỷ đồng, tăng 54,2% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 303 tỷ đồng, tăng 69,8% và hoàn thành 40,4% kế hoạch cả năm. Với kết quả này, Bảo hiểm PVI tiếp tục dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam với thị phần tính đến hết quý I/2024 (ước đạt khoảng 20%).
Bên cạnh kết quả kinh doanh ấn tượng, việc Bảo hiểm PVI được tái Xếp hạng Năng lực tài chính ở mức “A-” (xuất sắc) và Xếp hạng Tín dụng nhà phát hành ở mức “a-” (xuất sắc) bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín AM Best cũng là điểm nhấn. Được biết, tại thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, Bảo hiểm PVI là công ty duy nhất được xếp hạng tín nhiệm tài chính ở mức xuất sắc.
Ngoài ra, với việc tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 3.300 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng vào ngày 29/3/2024, Bảo hiểm PVI cũng là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có vốn điều lệ lớn nhất thị trường hiện nay. Với quy mô vốn lớn, doanh nghiệp bảo hiểm vừa có nhiều cơ hội tham gia các hợp đồng bảo hiểm lớn, đặc biệt là trong đấu thầu bảo hiểm, vừa tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường.
Trong khi đó, BIC gây chú ý bằng việc “về đích” kế hoạch thị phần trước hạn. Trong kế hoạch năm 2024, BIC đặt mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng quy mô doanh thu phí bảo hiểm, phấn đấu lọt vào Top 5 nhà bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn nhất vào năm 2025, nhưng đến cuối quý I/2024 đã đạt được mục tiêu này với thị phần trên 5,7%.
Điều đó dường như tiếp thêm động lực để BIC hoàn thành kế hoạch kinh doanh được cho là khá tham vọng trong năm nay. Cụ thể, năm 2024, BIC dự kiến đạt tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng Công ty mẹ gần 5.600 tỷ đồng, tăng 16,7% so với năm 2023 và lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 600 tỷ đồng, tăng 4,5%. Đây là mức lợi nhuận cao so với các công ty trong Top 10.
Dù Bảo hiểm Bảo Việt giữ vị trí thứ 2 về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc với khoảng cách khá xa so với Bảo hiểm PVI, nhưng khoảng cách này cũng không dễ để Bảo hiểm Bảo Minh (BMI, mã BMI) đang giữ thị phần thứ 3 với tỷ lệ hơn 9% có thể san lấp.
Tại đại hội cổ đông tổ chức mới đây, một cổ đông của Bảo Minh thắc mắc rằng, Bảo Minh đang giữ vị trí thứ 3 thị phần doanh thu phí bảo hiểm lớn nhất thị trường, liệu Ban lãnh đạo Công ty có đặt mục tiêu vươn lên vị trí dẫn đầu?
Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo Minh - ông Đinh Việt Tùng cho biết, theo kế hoạch, đến hết năm 2025 mới trở lại vị trí thứ 3 về thị phần doanh thu bảo hiểm, nhưng Bảo Minh đã hoàn thành trước 2 năm. Với mục tiêu thị phần cao hơn nữa thì phải nhìn vào thực tế là xếp trên Bảo Minh là 2 hai doanh nghiệp bảo hiểm lớn và mục tiêu đạt vị trí thị phần thứ 2 cũng đã là một thách thức lớn. Do đó, Bảo Minh sẽ tiếp tục duy trì thị phần hiện tại đến năm 2029.
“Mục tiêu là vậy, nhưng nếu có cơ hội thì Bảo Minh sẽ nỗ lực để vươn lên vị trí cao hơn”, ông Tùng nói, đồng thời cho hay, năm 2024, khi cơ chế quản lý siết chặt hơn, đặc biệt đối với công tác khai thác bảo hiểm qua môi trường mạng, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý nói chung, kênh tổ chức tín dụng nói riêng sẽ chịu ảnh hưởng và tác động không nhỏ tới triển vọng tăng trưởng chung của thị trường cũng như doanh nghiệp.
Bên cạnh những khó khăn chung của thị trường, trong năm nay, Bảo Minh còn đối mặt với một số thách thức riêng, đặc biệt là việc cơ cấu lại nhóm nghiệp vụ bảo hiểm con người, trong đó bảo hiểm chăm sóc sức khỏe là nghiệp vụ kinh doanh không có hiệu quả trong năm 2023. Vì vậy, Ban lãnh đạo Bảo Minh cho rằng, kế hoạch kinh doanh 2024 cần thiết phải được xây dựng một cách thận trọng, tập trung vào gia tăng chất lượng dịch vụ, giảm thiểu các rủi ro, kiểm soát công nợ và chi phí, đảm bảo đạt hiệu quả, không chạy theo doanh thu bằng mọi giá.
Theo đó, Ban lãnh đạo Bảo Minh đưa ra các tiêu chí chính như đẩy mạnh khai thác các nghiệp vụ truyền thống tại các đơn vị thành viên và giảm thiểu sự phụ thuộc vào các khách hàng lớn; cơ cấu lại nghiệp vụ bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, giảm tỷ trọng của nghiệp vụ này trong nhóm nghiệp vụ bảo hiểm con người và tăng tỷ trọng các nghiệp vụ bảo hiểm con người truyền thống…
Thế khó của PTI
Trong nhóm 5 công ty có thị phần lớn nhất, trong khi Bảo hiểm PVI vững ngôi đầu, Bảo hiểm Bảo Việt và MIC ổn định ở vị trí thứ 2 và thứ 4, BIC đã bứt phá vượt qua PJICO và PTI để vươn lên vị trí thứ 5.
Sau khi tuột mất vị trí thứ 3 vào tay Bảo Minh trong năm 2023, PTI tiếp tục “rơi tự do” và rời khỏi vị trí thứ 5 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất (tính đến cuối quý I/2024, thị phần của PTI ước đạt 5,6%).
Kết thúc năm 2023, PTI còn đứng thứ 4 về thị phần. Hãng bảo hiểm từng nhiều năm nằm trong Top 3 thị phần cho biết, mục tiêu chiến lược trong giai đoạn này là kiện toàn về quản trị, về con người, không đặt nặng tăng trưởng về doanh số.
Năm 2024, PTI đặt mục tiêu đạt 5.353 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm; 279,2 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính và 220 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. So với kết quả đạt được năm 2023, doanh thu mục tiêu của PTI tuy tăng nhưng mức lợi nhuận đặt ra lại giảm khoảng 30%.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2024 vừa tổ chức, dù bỏ phiếu phủ quyết 2 phương án tăng vốn là chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu cùng với tỷ lệ 1:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới), nhưng DB Insurance - cổ đông lớn Hàn Quốc nắm giữ 37,3% vốn điều lệ của PTI đã chấp thuận thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ phát hành 2:1 (cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới). Nếu thực hiện thành công, vốn điều lệ của PTI sẽ tăng từ 804 tỷ đồng lên 1.206 tỷ đồng.
Được biết, ngoài PTI, DB Insurance hiện còn nắm giữ cổ phần chi phối tại 2 công ty bảo hiểm khác ở Việt Nam là Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH, mã BHI) và Bảo hiểm Hàng không (VNI, mã AIC) với tỷ lệ sở hữu 75% vốn điều lệ.
Hiện tại, việc DB Insurance thoái vốn khỏi PTI vẫn là câu hỏi ngỏ, nên quyền phủ quyết của cổ đông này sẽ còn tác động lớn tới chiến lược kinh doanh của PTI trong thời gian tới.
Ngoài ra, một số nhân sự cấp cao của PTI trước đây, nay đã đầu quân cho VNI cũng như BSH và đang nắm giữ các chức vụ quan trọng của 2 công ty này, chưa kể sự dịch chuyển của lực lượng nhân sự kinh doanh tại các địa phương cũng khiến cho thế trận cạnh tranh của PTI trở nên khó khăn hơn.