TP. Hải Phòng sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp, logistics liên hoàn

TP. Hải Phòng sau sáp nhập sẽ mở ra kỳ vọng về một không gian phát triển công nghiệp, logistics liên hoàn, trở thành hình mẫu đi đầu trong liên kết vùng, phát triển công nghiệp bền vững và thu hút đầu tư chất lượng cao.

Mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1497/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 9, số 10, số 11 và số 12 - Khu bến Lạch Huyện, TP. Hải Phòng.

Theo Quyết định, mục tiêu đầu tư dự án là xây dựng 4 bến cảng container số 9, số 10, số 11 và số 12 khu bến Lạch Huyện, TP. Hải Phòng, góp phần hình thành hệ thống cảng biển hiện đại, với khả năng tiếp nhận tàu lớn sức chở 12.000 - 18.000 TEUs, gắn kết cảng biển lớn với khu phi thuế quan, logistics phía sau cảng, đẩy nhanh quá trình lưu thông hàng hóa.

Cảng cửa ngõ quóc tế Lạch Huyện.

Cảng cửa ngõ quóc tế Lạch Huyện.

Dự án vừa được chấp thuận sẽ giúp nâng cao lợi thế, tạo động lực cho sự phát triển, thu hút đầu tư; khai thác tối đa lợi thế điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý để phát triển Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (hệ thống cảng biển, logistics và khu công nghiệp liền kề sau cảng).

Đồng thời, Dự án cũng giúp cụ thể hóa và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung.

TP. Hải Phòng vốn là một trong những trung tâm công nghiệp - cảng biển lớn của miền Bắc, nay lại tăng thêm diện tích quỹ đất cùng nguồn nhân lực lớn đến từ Hải Dương (cũ). Từ đó tạo thành một “mắt xích” hoàn chỉnh: Hải Phòng (cũ) tập trung vào công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cảng và logistics, còn Hải Dương (cũ) đóng vai trò vệ tinh sản xuất, cung cấp lao động và mở rộng quỹ đất công nghiệp. Sự gắn kết này tạo thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, giảm chi phí logistics, tăng hiệu quả vận hành và nâng cao năng lực cạnh tranh vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Khu vực phía tây TP. Hải Phòng mới (tỉnh Hải Dương cũ) với các khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng, Tân Trường, Đại An... đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh. Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 5 và tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua khu vực này tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết chuỗi sản xuất, hậu cần. Việc hợp nhất 2 địa phương sẽ tạo ra động lực rất mạnh để hoạch định một chiến lược không gian chung và rất cần một cơ chế liên kết vùng đặc thù, cho phép địa phương phối hợp đầu tư hạ tầng, khai thác quỹ đất và chia sẻ lợi ích thu hút đầu tư.

Để phát huy tối đa lợi thế về cảng biển, TP. Hải Phòng đã và đang tập trung đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, phát huy vai trò động lực của các khu kinh tế ven biển gắn với các khu đô thị ven biển. Đặc biệt, với khu kinh tế ven biển phía Nam có diện tích khoảng 20.000 ha được định hướng đến năm 2030 sẽ trở thành động lực chủ đạo của nền kinh tế Hải Phòng, đạt 80% năng lực của khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải năm 2023, Hải Phòng sẽ có lợi thế vượt trội trong thu hút dòng vốn đầu tư FDI chất lượng cao.

Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, TP. Hải Phòng. Ảnh: Huy Dung

Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, TP. Hải Phòng. Ảnh: Huy Dung

Đây sẽ là “tổ đại bàng” mới để đón làn sóng đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đang hướng về Hải Phòng, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chip, bán dẫn, điện tử.

Bên cạnh đó, sau hợp nhất, TP. Hải Phòng hiện có 26 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 1.600 dự án đầu tư nước ngoài. Theo quy hoạch khu công nghiệp đến năm 2030, TP. Hải Phòng sẽ có 46 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 12.000 ha. Trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng sẽ tập trung phát triển thêm 10 - 20 khu công nghiệp mới và quyết liệt chuyển dịch các khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, xây dựng ít nhất 5 khu công nghiệp thông minh, quản lý bằng khoa học công nghệ, đi đầu trong chuyển đổi số.

Khu kinh tế ven biển phía Nam có diện tích khoảng 20.000 ha được định hướng đến năm 2030 sẽ trở thành động lực chủ đạo của nền kinh tế Hải Phòng.

Khu kinh tế ven biển phía Nam có diện tích khoảng 20.000 ha được định hướng đến năm 2030 sẽ trở thành động lực chủ đạo của nền kinh tế Hải Phòng.

TP. Hải Phòng hứa hẹn sẽ tạo nên cực tăng trưởng công nghiệp - dịch vụ mới có sức cạnh tranh hàng đầu khu vực phía Bắc, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp và thu hút đầu tư. Trong tương lai, Hải Phòng sẽ trở thành siêu đô thị công nghiệp, cảng biển sở hữu đầy đủ các yếu tố để trở thành cực tăng trưởng mới của vùng Bắc Bộ: cảng biển quốc tế, sân bay, mạng lưới khu công nghiệp đa dạng, lực lượng lao động dồi dào, hạ tầng kết nối liên vùng hiện đại.

Với doanh nghiệp đầu tư, doanh nghiệp thứ cấp, điều họ mong muốn không chỉ là việc ai quản lý hành chính mà là tính kết nối, linh hoạt và chi phí hợp lý khi đầu tư. Nhiều nhà đầu tư mong muốn TP. Hải Phòng sẽ lập một hành lang công nghiệp liên hoàn chia sẻ hạ tầng và dịch vụ.

Các doanh nghiệp có cơ hội kết nối, mở rộng đầu tư với không gian công nghiệp rộng lớn. Ảnh: Thành Chung

Các doanh nghiệp có cơ hội kết nối, mở rộng đầu tư với không gian công nghiệp rộng lớn. Ảnh: Thành Chung

Đại diện một doanh nghiệp nước ngoài ở TP. Hải Phòng đang chuẩn bị đầu tư vào Khu công nghiệp Kim Thành cho biết họ sẵn sàng mở rộng nhà máy tại địa bàn tỉnh Hải Dương (cũ) sau hợp nhất vì thủ tục sẽ liên thông, quy trình xin đầu tư sẽ đơn giản hơn và không còn ngần ngại như trước.

Không chỉ doanh nghiệp nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước cũng đánh giá cao tiềm năng mở rộng không gian phát triển. Với khoảng cách địa lý gần, tương đồng về điều kiện tự nhiên, xã hội, cùng chia sẻ tuyến giao thông chiến lược thì việc hợp nhất Hải Dương - Hải Phòng được xem như một “chìa khóa vàng” để mở cánh cửa hợp tác và phát triển đồng bộ trong thu hút đầu tư, sản xuất và thương mại.

Theo Quy hoạch vùng duyên hải Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, TP. Hải Phòng (cũ), tỉnh Hải Dương (cũ), Quảng Ninh sẽ là trung tâm kinh tế biển, công nghiệp và logistics chiến lược. Trong đó, Hải Dương đóng vai trò là vành đai sản xuất và hỗ trợ nhân lực cho Hải Phòng và Quảng Ninh.

Nếu được hoạch định và tổ chức bài bản, TP. Hải Phòng sẽ là khu vực đầu tiên của miền Bắc có thể tích hợp đầy đủ chuỗi sản xuất - hậu cần - xuất khẩu từ nội địa ra quốc tế trong một không gian kinh tế liên hoàn. Từ đó, không chỉ tạo đà bứt phá cho Thành phố mà còn góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh quốc gia trong mạng lưới sản xuất toàn cầu, khẳng định niềm tin là địa chỉ đáng tin cậy trong mắt các nhà đầu tư hàng đầu trong và ngoài nước.

Thanh Sơn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tp-hai-phong-se-thuc-day-phat-trien-cong-nghiep-logistics-lien-hoan-d327761.html