TP HCM dành 40.000 tỷ đầu tư cho ngành giao thông

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc GTVT TP HCM, nhiệm vụ năm 2024 của Sở là vô cùng nặng nề khi thành phố cần giải ngân 78.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, ngành giao thông chiếm 50%.

Năm 2024, ngành giao thông TP.HCM dự kiến giải ngân 39.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Ảnh: Vũ Phạm.

Năm 2024, ngành giao thông TP.HCM dự kiến giải ngân 39.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Ảnh: Vũ Phạm.

Chiều 19/1, Sở GTVT TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, năm 2023, ngành giao thông thành phố đạt được rất nhiều kết quả tích cực, nhiều điểm sáng như giảm tỉ lệ tai nạn giao thông, phát triển hạ tầng...

Đơn cử như khởi công dự án Vành đai 3 TP.HCM và ưu tiên hơn 15.000 tỷ đồng vốn thông qua chủ trương đầu tư dự án Vành đai 2 TP.HCM lỗi hẹn nhiều năm. Khi hoàn thiện, các dự án đường vành đai được kỳ vọng mở ra không gian kết nối vùng, giảm thiểu tắc nghẽn, thúc đẩy, khơi thông di chuyển, giao thương, kết nối với các tuyến quốc lộ 13, 22, 50... Bên cạnh đó, còn có 5 dự án BOT lớn kết nối cửa ngõ vào TP.HCM sắp được triển khai.

Những kết quả tốt đẹp mở ra tín hiệu tích cực cho năm 2024, tuy nhiên, ngành giao thông xác định nhiệm vụ năm 2024 nặng nề hơn năm 2023.

"Năm qua, thành phố chăm chút nhiều cho hạ tầng hơn, điều này cũng góp phần giảm sâu tai nạn giao thông, mang đến nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, nhiệm vụ của ngành giao thông trong năm 2024 nặng nề hơn khi số vốn đầu tư công thành phố cần giải ngân hơn 78.000 tỉ đồng nhưng riêng ngành giao thông đã chiếm 50%", người đứng đầu Sở GTVT TP.HCM nhận định.

Trong khi đó, ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, với vai trò là chủ đầu tư hàng loạt dự án giao thông trên địa bàn thành phố, đơn vị này xác ịnh 2024 sẽ là năm cần tập trung cho những dự án trọng điểm, giải phóng mặt bằng, cơ chế, đột phá liên kết vùng.

"Năm 2024, Ban được giao 27.500 tỉ đồng vốn đầu tư công. Chúng tôi đặt mục tiêu giải ngân trên 95% số vốn này, phấn đầu hoàn thành nhiều dự án kéo dài", ông Phúc cho biết.

Bên cạnh đó, Ban cũng đặt các mục tiêu trọng tâm như phối hợp cùng Sở GTVT trình chủ trương đầu tư các dự án BOT; Phấn đấu khởi công các dự án trọng điểm; Trình Sở GTVT, Sở Xây dựng TP.HCM điều chỉnh 30 dự án; Làm việc với các địa phương giải phóng mặt bằng 30 dự án; Phấn đấu quyết toán gần 30 dự án; Cùng Sở GTVT tham mưu UBND TP.HCM các chính sách đặc biệt liên quan các dự án TOD, các dự án áp dụng hợp đồng BOT theo Nghị quyết 98.

Đại diện lãnh đạo TP.HCM kết luận hội nghị, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM ghi nhận những kết quả tích cực của ngành giao thông thành phố năm 2023, nhất là giải phóng mặt bằng.

"Năm 2023 công tác khó nhất là giải phóng mặt bằng đã được làm khá hiệu quả. Nhờ đó, các công trình tắc nghẽn nhiều năm đã được tháo gỡ", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định và cho rằng, hướng đi năm 2024 của ngành giao thông cũng rõ ràng.

"Năm 2024, Sở cần tập trung chuyển đổi số cũng như triển khai các dự án áp dụng cơ chế từ nghị quyết 98. Ngành giao thông bắt đầu tạo ra được nguồn thu ngân sách, như thu phí cảng biển, sắp tới là thu phí lòng đường, vỉa hè tạm thời... Mặt khác, chính quyền thành phố sắp ứng dụng công nghệ vào ngành, đưa cạnh tranh vào quản lý, cung ứng dịch vụ, đấu thầu...", ông Bùi Xuân Cường cho biết.

Theo Liên Thượng/Nhà đầu tư

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tin-247/tp-hcm-danh-40000-ty-dau-tu-cho-nganh-giao-thong-199883.html