TP.HCM khởi động thị trường tín chỉ carbon gần 800 triệu USD

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), quy mô thị trường tín chỉ carbon TP.HCM lên đến 790 triệu USD. Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM tạo cơ hội cho TP trở thành địa phương đầu tiên hình thành, phát triển thị trường tín chỉ carbon.

Tiềm năng lớn

Tại TP.HCM, tín chỉ carbon được hình thành từ các chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố, được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế. Nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon là nguồn thu ngân sách TP.HCM được hưởng 100%. Và nguồn thu này sẽ được dùng cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố.

World Bank nhận định, TP.HCM là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển thị trường tín chỉ carbon còn do có nhiều doanh nghiệp phát thải khí nhà kính và có nhu cầu giảm phát thải.

Theo phòng khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM), dự kiến số lượng các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là 157 cơ sở. Những doanh nghiệp này chủ yếu thuộc các lĩnh vực thép, may mặc, phân bón và đều là những doanh nghiệp phải chịu tác động của cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) khi xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu. Các doanh nghiệp đều mong muốn có giải pháp để giảm phát thải, từng bước phát triển các dự án carbon.

Bên cạnh các doanh nghiệp trong nước, hàng loạt công ty FDI cũng đang phát triển các dự án tạo tín chỉ carbon tại Việt Nam.

Theo ThS Trương Quang Vũ, chuyên gia mô hình hóa phát thải khí nhà kính, qua nghiên cứu có thể thấy tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính của lĩnh vực công nghiệp, giao thông, thương mại của TP. HCM rất lớn. Thị trường carbon sẽ góp phần thúc đẩy lộ trình giảm phát thải khí nhà kính của TP. HCM. TP.HCM có gần 9 triệu xe máy sử dụng xăng, nếu chuyển đổi toàn bộ sang xe điện sẽ thu được một lượng tín chỉ carbon đáng kể.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài Nguyên- Môi Trường TP. HCM, hiện TP. HCM lựa chọn 2 dự án để thực hiện là thay thế đèn đường thành đèn LED và lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà tại các công sở để thực hiện giao dịch tín chỉ carbon. Bên cạnh đó TP.HCM cũng đang thúc đẩy tăng trưởng xanh, xây dựng khung chính sách và kế hoạch hành động về thị trường tín chỉ carbon.

TP. HCM cũng xác định xây dựng Cần Giờ xanh, trồng rừng, cải thiện môi trường đô thị, năng lượng tái tạo, mô hình làng xanh, kinh tế biển xanh.

Theo vị Giám đốc Sở này, TP. HCM có tiềm năng lớn để phát triển thị trường tín chỉ carbon, khi thực hiện giao dịch mua bán tín chỉ carbon sẽ tạo ra cơ hội thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào các dự án xanh tại TP.HCM. Bên cạnh đó, tạo ra việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế. Mặt khác khi giao dịch tín chỉ carbon sẽ giúp các cơ quan của chính quyền thành phố, doanh nghiệp và nguời dân tiết kiệm năng lượng, mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo và có thể giúp TP. HCM trở thành trung tâm giao dịch tín chỉ carbon của khu vực và quốc tế.

Khai thác thương mại không dễ làm ngay

Về giá cả, giá tín chỉ carbon ở các quốc gia dao động rất lớn, có quốc gia chỉ bán được 1 USD cho 1 tấn carbon, song cũng có quốc gia bán được 140 USD cho 1 tấn.

Theo TS. Phạm Văn Đại, Giảng viên trường Fulbright, rất khó để xác định giá bán chỉ carbon là cao hay thấp vì đây là giá thị trường. Giá bán tín chỉ carbon còn liên quan đến chất lượng, có những tín chỉ carbon có thể bán được 200-300 USD/tín chỉ, khi xác thực được các chi phí bỏ ra để thực hiện dự án. Do vậy Việt Nam cần quy hoạch tín chỉ carbon như dạng tài nguyên cần bảo vệ.

Và cần xem xét hình thành quỹ dự trữ tín chỉ carbon cho doanh nghiệp Việt Nam để sau này, khi tham gia chứng chỉ toàn cầu, các doanh nghiệp không phải mua với giá quá cao.

Theo TS Nguyễn Phương Nam, chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên Hiệp Quốc, -thị trường tín chỉ carbon tự nguyện quy mô nhỏ, chỉ khoảng 2 tỷ USD nhưng thời gian qua phát triển nhanh. Hiện Việt Nam đã có mua bán tín chỉ carbon qua thị trường tự nguyện. Với thị trường này, tín chỉ carbon có thời hạn, không thể đợi đến 100 USD mới bán, mà khi sắp hết thời hạn, giá chỉ 3 USD cũng phải bán.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, hiện nay hành lang pháp lý để việc tính toán, đánh giá, thẩm định tín chỉ carbon chưa đầy đủ dẫn đến khó khăn trong việc mua bán. Hầu hết các nội dung trong quá trình tạo lập, tính toán giá và bán tín chỉ carbon, đều phụ thuộc vào các tổ chức nước ngoài. Để triển khai hiệu quả chương trình thí điểm xây dựng cơ chế tài chính thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, rất cần sự hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính... để xử lý các vướng mắc và thách thức nêu trên.

Hiện nay, khung pháp lý vẫn chưa hoàn thiện, Nghị định 06 vẫn đang tiếp tục chỉnh sửa. Nguồn vốn đầu tư để tạo tín chỉ carbon bền vững, chất lượng cao cũng đang là vấn đề. Hầu hết các nội dung trong tạo lập, tính toán giá bán tín chỉ carbon hiện nay đa số phụ thuộc các tổ chức nước ngoài. Nhận thức về thị trường carbon cũng chưa đồng bộ, có nhiều nội dung chưa được hiểu biết tường tận.

Đối với kế hoạch năm 2024, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, Sở Tài nguyên- Môi trường sẽ phối hợp cùng Sở Tài chính hoàn thiện đề án thí điểm Cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ cacbon, trình UBND thành phố phê duyệt.

Việt Nam hiện có khoảng 1.912 cơ sở đang thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính theo quy định. Đây chính là các khách hàng sẽ tham gia thị trường carbon trong thời gian tới.

Trần Lê

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/tphcm-khoi-dong-thi-truong-tin-chi-carbon-gan-800-trieu-usd-d112063.html