TP.HCM: Không gián đoạn đầu tư công vì lý do 'chờ sáp nhập'

UBND TP.HCM yêu cầu tất cả thủ tục liên quan đến đầu tư công không được gián đoạn với lý do chờ sáp nhập hay bỏ cấp hành chính, mọi trường hợp trì hoãn thủ tục đầu tư công, gây ảnh hưởng tiến độ đều phải xử lý nghiêm.

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch chuyển tiếp quản lý các chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch đầu tư công (gọi chung là chương trình, dự án) trong quá trình sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp của TP.HCM.

Việc này nhằm bảo đảm tính liên tục, nhất quán trong trong thực hiện các chương trình, dự án, không để đình trệ, gián đoạn vì sắp xếp đơn vị hành chính; đảm bảo mục tiêu giải ngân cũng như quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ.

 TP.HCM yêu cầu tuyệt đối không làm gián đoạn đầu tư công vì lý do 'chờ sáp nhập'. Trong ảnh: Dự án Vành đai 3. Ảnh: HOÀNG GIANG

TP.HCM yêu cầu tuyệt đối không làm gián đoạn đầu tư công vì lý do 'chờ sáp nhập'. Trong ảnh: Dự án Vành đai 3. Ảnh: HOÀNG GIANG

UBND TP.HCM yêu cầu tất cả thủ tục liên quan tới thẩm định, phê duyệt, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, nghiệm thu, thanh toán... phải được thực hiện liên tục, không đình trệ. “Tuyệt đối không gián đoạn với lý do chờ sáp nhập hay bỏ cấp hành chính. Mọi trường hợp cán bộ, đơn vị trì hoãn thủ tục đầu tư công, gây ảnh hưởng tiến độ đều phải xử lý nghiêm”- UBND TP.HCM nêu rõ.

Theo UBND TP.HCM, việc bàn giao, tiếp nhận các chương trình, dự án đầu tư công phải được thực hiện đầy đủ, đúng phạm vi quản lý, có đầy đủ hồ sơ tài liệu kèm theo. Hạn chế tối đa các thủ tục phát sinh không cần thiết; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí. Đồng thời, không làm ảnh hưởng, gián đoạn việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Đối với các dự án đang đầu tư dở dang nhưng cần thay đổi, điều chỉnh mục tiêu, công năng sử dụng, các cơ quan, đơn vị báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh ngay theo quy định. Cấp quyết định đầu tư chịu trách nhiệm hoàn thành dự án, không để dự án dở dang, gây lãng phí, trường hợp cần điều chỉnh mục tiêu, công năng sử dụng để phù hợp với tổ chức bộ máy mới, thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư theo quy định…

Theo kế hoạch, việc chuyển tiếp quản lý các chương trình, dự án đầu tư công được thực hiện theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 là trước khi sáp nhập, chia tách, cần rà soát, tổng hợp, lập danh mục tất cả các chương trình, nhiệm vụ, dự án đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025, 2026 – 2030. Việc này hoàn thành trước ngày 15-6.

Giai đoạn này, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu thành lập tổ công tác hoặc ban chỉ đạo liên ngành để chỉ đạo, theo dõi, điều phối chung việc chuyển tiếp các chương trình, dự án. Phân công một đầu mối chịu trách nhiệm tiếp nhận quản lý.

Các sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức, các chủ đầu tư rà soát, tổng hợp các chương trình, dự án do mình quản lý để báo cáo. Chịu trách nhiệm nếu để xảy ra gián đoạn với lý do chờ sáp nhập hay bỏ cấp hành chính và xử lý nghiêm mọi cán bộ, đơn vị trì hoãn, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Giai đoạn 2 là trong khi sáp nhập, chia tách, cần bàn giao, tiếp nhận các chương trình, dự án đầu tư công. Việc này thực hiện trong một tháng, dự kiến từ 30-6 đến 30-7.

Giai đoạn 3 là sau khi hoàn tất sắp xếp, cần điều chỉnh các thủ tục đầu tư nhằm tiếp tục triển khai, bảo đảm tiến độ dự án, kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm báo cáo kết quả thực hiện. Việc này thực hiện trong 15 ngày, dự kiến từ 30-7 đến 15-8.

Trong giai đoạn 2 và 3, việc bàn giao, tiếp nhận phải đảm bảo nguyên tắc “tiếp nhận nguyên trạng”; lập thành biên bản kèm theo đầy đủ danh mục, xác định rõ tình hình, tổng mức đầu tư, kế hoạch vốn, số vốn giải ngân, số vốn còn lại, khối lượng công việc dở dang…

Đối với các nhiệm vụ, dự án dở dang khi thực hiện bàn giao phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ có liên quan để đơn vị tiếp nhận có thể theo dõi, thực hiện quyết toán khi công trình, dự án hoàn thành.

Công tác bàn giao và tiếp nhận không được làm ảnh hưởng đến công việc chuyên môn của các đơn vị bàn giao, tiếp nhận. Hạn chế tối đa sự biến động trong công tác quản lý dự án, cần phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng bên…

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/tphcm-khong-gian-doan-dau-tu-cong-vi-ly-do-cho-sap-nhap-post848923.html