Trăn trở của ngành du lịch sau sáp nhập tỉnh thành

Khi địa giới hành chính thay đổi, ngành du lịch cũng cần vẽ lại bản đồ thị trường và thương hiệu phù hợp.

6 tháng đầu năm nay, ngành du lịch Việt Nam tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực, được khẳng định là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế trong báo cáo của Chính phủ cũng như trên diễn đàn của Quốc hội.

Tuy nhiên, trong bối cảnh vận hành chính quyền hai cấp, đặc biệt khi không còn các sở du lịch chuyên nghiệp, nhiều nhân sự mới được điều động và bổ nhiệm từ nhiệm vụ khác sang, bài toán đặt ra là làm sao không đứt gãy hoạt động chỉ đạo.

Đây là “điều mà Thủ tướng cũng như những người đang lãnh đạo về du lịch trăn trở”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng tâm sự tại hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch 6 tháng cuối năm được tổ chức mới đây.

“Phải làm sao để hoàn thành bằng được chỉ tiêu là phấn đấu đón 23 triệu lượt khách quốc tế và trên 100 triệu lượt khách nội địa, doanh thu du lịch phải đóng góp tích cực vào bức tranh tăng trưởng, khi mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ đặt ra là phải đạt 8% trong năm nay và hai con số trong những năm tới”, ông Hùng nói thêm.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng tại hội nghị ngành du lịch ngày 9/7. Ảnh: Bộ VHTTDL

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng tại hội nghị ngành du lịch ngày 9/7. Ảnh: Bộ VHTTDL

Mục tiêu này càng khó khăn hơn trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường; việc đứt gãy chuỗi cung ứng là điều hiển nhiên.

Tình hình ấy đặt ra câu hỏi trước hết là cần phát triển như thế nào để du lịch Việt Nam có sức chống chịu tốt, góp phần bù đắp những hạn chế khách quan, đâu là thị trường cần phát huy và cách tiếp cận ra sao.

“Chúng ta phải làm gì để vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam. Vẽ lại không có nghĩa là phủ nhận cái đã có, mà phải tiếp cận nó với tư cách là ngành du lịch dựa trên bản sắc văn hóa, sản phẩm du lịch Việt Nam phải mang đậm bản sắc này. Vẽ lại du lịch là phải tạo ra được sự liên kết, thay vì trước đây trong một không gian hẹp, nay lại có không gian mới, sản phẩm phải đặc sắc”, bộ trưởng nhấn mạnh.

Đơn cử, khi Gia Lai về với Bình Định, địa danh này không còn chỉ là rừng núi của Tây Nguyên đại ngàn, không chỉ là hồ Hồ T'Nưng, mà cần phải nghĩ cả tới vị mặn của Ghềnh Ráng.

“Làm gì để vị mặn của gió biển Ghềnh Ráng cùng với gió của hồ T'Nưng liên kết ngay trong nội tỉnh. Sản phẩm đó phải bắt đầu như vậy hay chăng”, ông Hùng đặt câu hỏi. “Hay là một Ninh Bình, chúng ta kết nối từ một Phủ Dầy của Nam Định (cũ) đến Bái Đính của Ninh Bình trong thời điểm hiện nay, phải làm gì để nơi đây trở thành trung tâm vùng của du lịch tâm linh. Sản phẩm này phải được thể hiện nó ở đâu?”.

Bộ trưởng yêu cầu, cần có các sáng kiến địa phương về việc đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, hình thành được các sản phẩm mới mang tính đặc trưng và tính liên kết của vùng, thống nhất. Điều này sẽ giúp điểm đến tưởng chừng như riêng lẻ trở thành một mạch dẫn, mạch ngầm trong liên kết và phát triển của du lịch.

Người đứng đầu ngành du lịch cũng gợi ý, du lịch không chỉ dừng lại là ngành kinh tế mũi nhọn, mà còn là ngành kinh tế truyền cảm hứng. Điều đó chỉ có khi làm du lịch bằng cả nhiệt huyết, bằng yếu tố văn hóa bền vững, truyền được cảm hứng, chạm đến được trái tim và cảm xúc của du khách. Du khách giờ đây không chỉ đến để ngắm nhìn mà còn cần có cảm xúc, từ đó mới có thể hy vọng khách quay trở lại.

Không chỉ vậy, bốn nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị cũng đặt ra bài toán đổi mới sáng tạo cho ngành du lịch. “Liệu ngành du lịch có dám nghĩ, dám mơ và dám làm những sản phẩm tạm gọi là “du lịch không có dấu chân”, tức là ứng dụng công nghệ số, 3D, thành tựu của khoa học để du khách có thể ở nhà mà vẫn biết được cả thế giới, cả Việt Nam”, ông Hùng trăn trở.

Để giải được những bài toán mới của ngành du lịch, theo bộ trưởng, “chúng ta cần phải có những góc nhìn rất mới và sự trăn trở của những người làm du lịch, để rồi từ mỗi một làng quê, làng nghề cũng có thể nhìn thấy tiềm năng du lịch, từ một con đường chúng ta đang đi, từ mỗi lễ hội mà chúng ta đang có, từ một câu chuyện dân gian của người Việt cũng phải biến thành được sản phẩm du lịch”.

Thị trường là trung tâm, thương hiệu là nền tảng

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch nhấn mạnh, cẩm nang hoạt động những tháng còn lại trong năm nay cũng như trong giai đoạn tiếp theo là: "Hợp lực, chọn điểm, bứt tốc để du lịch Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu châu Á".

Trong đó, phải định vị lại tài nguyên du lịch của từng địa phương và của quốc gia; hoàn thiện thế chế, rà soát lại cơ chế chính sách, các chiến lược, từ đó tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới.

10 thị trường được xác định là trọng điểm, chiến lược của du lịch Việt Nam bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, châu Âu, Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Đông và Nga.

Bộ trường nhấn mạnh, cần xác định “Thị trường là trung tâm, thương hiệu là nền tảng”, từ đó đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá hiệu quả.

Ngoài ra, sau khi các địa phương sáp nhập, cần phải tái xác lập lại các sản phẩm du lịch, trong đó, các sản phẩm phải có độ lớn, có chiều sâu và đặc trưng, phù hợp với từng địa phương. Để làm được điều này, các địa phương cần ngồi lại với nhau để đẩy mạnh liên kết, xây dựng các sản phẩm, kênh phân phối, vận hành; đẩy mạnh liên kết nội ngành đồng thời phải tăng cường liên kết trong các lĩnh vực khác.

Đồng thời, ngành du lịch cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý điểm đến, chất lượng dịch vụ, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, văn minh, hiện đại, đẩy mạnh lan tỏa những tấm gương người tốt việc tốt trong bảo vệ môi trường du lịch.

Phương Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/tran-tro-cua-nganh-du-lich-sau-sap-nhap-tinh-thanh-d41123.html