TP HCM: Phổ biến Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

Hơn 23.000 đại biểu đã được tuyên truyền, phổ biến về Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

Sáng 8-8, Thành ủy TP HCM tổ chức hội nghị tuyên truyền Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở.

Dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê. Hội nghị còn có sự tham dự của hơn 23.000 đại biểu tại 391 điểm cầu thuộc Thành ủy TP Thủ Đức và các quận ủy, huyện ủy; các đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy; các sở, ban, ngành TP HCM.

Cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch

Tại hội nghị, thông tin về Luật Căn cước, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP HCM, cho biết điểm mới của luật quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch.

"Việc này nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của người gốc Việt chưa xác định quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam, đồng thời phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về dân cư" - Thiếu tướng Trần Đức Tài nhấn mạnh.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê dự hội nghị

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê dự hội nghị

Theo Thiếu tướng Trần Đức Tài, Luật Căn cước còn quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin về căn cước vào thẻ.

Việc sử dụng các thông tin tích hợp từ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác. Qua đó, giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.

Thiếu tướng Trần Đức Tài phổ biến Luật Căn cước

Thiếu tướng Trần Đức Tài phổ biến Luật Căn cước

Về quy định tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, Thiếu tướng Trần Đức Tài cho biết khoản 1, điều 22 Luật Căn cước quy định việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước là việc bổ sung vào bộ phận lưu trữ của thẻ căn cước những thông tin ngoài thông tin về căn cước và được mã hóa. Thông tin được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Phương Thảo dự hội nghị

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Phương Thảo dự hội nghị

Theo Thiếu tướng Trần Đức Tài, hiện nay, công dân có nhiều loại giấy tờ khác nhau do cơ quan nhà nước cấp. Điều này gây ra khó khăn nhất định cho công dân trong bảo quản, sử dụng, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính, sử dụng các tiện ích, dịch vụ công; không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở Việt Nam.

Đại biểu tìm hiểu về Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

Đại biểu tìm hiểu về Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

Do vậy, Luật Căn cước quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ căn cước; thẻ căn cước có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về người dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước là rất cần thiết.

Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở làm việc 24/24

Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TP HCM, cho biết Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có hiệu lực từ ngày 1-7-2024, gồm 5 chương 33 điều, quy định chung về từ ngữ, vai trò, chức năng, nguyên tắc hoạt động, quan hệ công tác, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; xây dựng lực lượng, đảm bảo điều kiện hoạt động cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong thi hành lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Đại tá Nguyễn Đình Dương phổ biến Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

Đại tá Nguyễn Đình Dương phổ biến Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

Đại tá Nguyễn Đình Dương cho biết luật đã quy định 6 nhóm nhiệm vụ cơ bản của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở từ điều 7 đến điều 12. Cụ thể, hỗ trợ nắm tình hình về ANTT; hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; hỗ trợ tuần tra bảo đảm ANTT, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT khi được điều động.

Theo Đại tá Nguyễn Đình Dương, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở làm việc theo chế độ thường trực bảo đảm 24/24 giờ. Ban ngày tại điểm làm việc của tổ bảo vệ ANTT để xử lý công việc; ban đêm ứng trực, tổ chức tuần tra canh gác. Công an cấp xã có trách nhiệm phân công ca làm việc của tổ bảo vệ ANTT hợp lý, đảm bảo ANTT và sức khỏe của thành viên tổ bảo vệ ANTT.

Đại tá Nguyễn Đình Dương đề nghị lãnh đạo các cấp tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tuyển chọn, xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; đảm bảo về số lượng và chất lượng. Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành đề án của HĐND TP, bố trí đủ 4.861 tổ bảo vệ ANTT với 15.031 thành viên; đảm bảo kinh phí hoạt động, nơi làm việc, trang thiết bị, phương tiện đáp ứng yêu cầu công tác.

Bên cạnh đó, chỉ đạo tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tư ở cơ sở; đảm bảo trong năm 2024 hoàn thành 100% thành viên lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được tập huấn.

LÊ VĨNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tp-hcm-pho-bien-luat-can-cuoc-va-luat-luc-luong-tham-gia-bao-ve-antt-o-co-so-196240808111830074.htm