TP HCM quyết giữ mục tiêu tăng trưởng cao

Việt Nam đang chủ động đàm phán để đạt mức thuế phù hợp với Mỹ là rất cần thiết, đi cùng với đó là sự thay đổi cách tiếp cận trong tăng trưởng của TP HCM

Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó TP HCM giữ vai trò đầu tàu với thặng dư thương mại lớn. Việc Việt Nam chủ động đàm phán để giảm mức thuế đối ứng 46% sẽ quyết định khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 của cả nước cũng như TP HCM.

Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS), xung quanh những giải pháp ứng phó trước chính sách thuế quan của Mỹ, để kinh tế TP HCM giữ vững mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay.

* Phóng viên: Thông tin Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng với các nước, trong đó có Việt Nam, trong 90 ngày tới, có ý nghĩa thế nào đối với kinh tế TP HCM?

- Ông PHẠM BÌNH AN: Việt Nam đang tích cực chủ động chuẩn bị đàm phán nhằm giảm thuế đối ứng đến mức phù hợp với cả hai bên, đồng thời doanh nghiệp (DN) cần tận dụng tốt thời gian này. Dù vậy, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn với thuế đối ứng liên tục leo thang. Đây là 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là 2 quốc gia có giao dịch thương mại với Việt Nam lớn nhất. Đồng thời, mới đây Trung Quốc đang liên tục hạ giá đồng nhân dân tệ sẽ là một thách thức lớn nữa tại thị trường hàng hóa tại Việt Nam, trong đó có TP HCM.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS)

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS)

Viện đề xuất tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình sát sao về diễn biến, động thái phía Mỹ thông qua nhiều kênh để có giải pháp ứng phó phù hợp. Đặc biệt, cần có kênh trao đổi và cập nhật tình hình từ phía đoàn đàm phán của Việt Nam để có thông tin và kết quả kịp thời.

TP HCM cần tích cực nắm bắt thông tin từ phía các hiệp hội, ngành hàng và DN trên địa bàn; cập nhật thông tin, số liệu xuất nhập khẩu của các ngành hàng thành phố với thị trường Mỹ và các đối tác khác để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Với tinh thần chủ động và tích cực, đến thời điểm hiện tại, TP HCM vẫn giữ nguyên kịch bản tăng trưởng năm 2025, là kịch bản tốt nhất mà viện đề xuất.

* Vậy theo ông, những thách thức cần giải quyết để kinh tế TP HCM duy trì đà tăng trưởng cao là gì?

- Sự thay đổi chính sách rất chóng vánh của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy sự bất định trong thương mại toàn cầu và Việt Nam, trong đó có TP HCM, phải sẵn sàng ứng phó với những biến động này.

Với bối cảnh hiện tại, không nên chỉ quan tâm đến thị trường Mỹ mà cần xem xét rộng hơn các yếu tố tác động khác đến kinh tế, thậm chí tính ngay đến khả năng hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam khi thương chiến Mỹ - Trung leo thang.

TP HCM đang thực hiện nhiều giải pháp để giữ được mục tiêu tăng trưởng cao 8%-8,5% trong năm 2025. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

TP HCM đang thực hiện nhiều giải pháp để giữ được mục tiêu tăng trưởng cao 8%-8,5% trong năm 2025. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Chúng ta có thời gian khá ngắn để hành động, trước mắt cần tận dụng ngay các cơ hội trong 3 tháng tới, bên cạnh việc đàm phán hiệu quả và thông tin ngay kết quả đàm phán để DN chuẩn bị. TP HCM cũng vậy, bên cạnh thúc đẩy các giải pháp nhằm đạt mức tăng trưởng cao như đã đề ra từ 8%-8,5% trong năm nay, cần tính đến các giải pháp cho sự phát triển bền vững trong trung - dài hạn, như đẩy mạnh các dự án công nghệ cao, bán dẫn, tạo điều kiện cho DN Mỹ đầu tư. Qua đó, giúp tăng lượng hàng nhập khẩu công nghệ cao từ Mỹ một cách gián tiếp, đóng góp chung vào giảm thâm hụt thương mại giữa hai quốc gia. Cần tăng cường kiểm soát "gian lận xuất xứ" mà trọng tâm là siết chặt hàng chuyển tải từ nước thứ ba qua Việt Nam để minh bạch chuỗi giá trị, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ. Xây dựng bộ dữ liệu về các DN nước ngoài (FDI) mượn danh Việt Nam xuất khẩu, phục vụ quản lý minh bạch, chống gian lận.

Đa dạng hóa thị trường và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đang thực thi; tăng xuất khẩu sang EU (đặc biệt là các quốc gia có mức trao đổi thương mại tăng trưởng ổn định liên tục hằng năm như Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan); phát triển chuỗi cung ứng nội khối ASEAN - RCEP - CPTPP. Mở rộng hợp tác với Mexico, Canada để tận dụng Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada; tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam có với các quốc gia Trung Đông (CEPA, VIFTA) để mở rộng giao thương. Bên cạnh đó coi trọng thị trường nội địa, gồm thúc đẩy và tích cực tham gia đầu tư công, chi tiêu công, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, thu hút và khai thác du lịch.

* Các DN TP HCM cần làm gì trong 90 ngày tới và xa hơn, để tiếp tục phát triển nhanh, bền vững?

- Các DN cũng cần tận dụng ngay hoặc duy trì các cơ hội giao thương (hợp đồng với các đối tác) trong 90 ngày tới, không để đứt gãy dòng chảy thương mại, nhất là các mặt hàng dệt may, nông sản, rau quả (có tính thời vụ cao), điện - điện tử… Riêng thủy hải sản là trong những mặt hàng dễ bị tổn thương do phụ thuộc khá lớn vào thị trường Mỹ nên cần được ưu tiên cao trong đàm phán giảm thuế.

DN cần xem bối cảnh hiện tại là cơ hội để tái cơ cấu thị trường, ngành hàng; phải nâng cao hiệu quả nghiên cứu thị trường. Đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ, minh bạch rõ nguồn gốc xuất xứ qua blockchain, như Hội Công nghệ cao TP HCM đang triển khai…, để đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế và chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Ưu tiên sử dụng, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Mỹ so với từ những thị trường khác.

Thu hút FDI chiến lược vào ngành dệt - nhuộm - hoàn tất sạch, đạt chuẩn ESG; phát triển vùng nguyên liệu bông, xơ, sợi tại các tỉnh Nam Trung Bộ, ĐBSCL hoặc liên kết chuỗi trong ASEAN (Lào, Campuchia, Indonesia). Tăng cường đầu tư ra nước ngoài, tập trung vào khu vực Nam Mỹ. Chuyển hướng phát triển sản phẩm có nguồn gốc nội địa rõ ràng, gắn với đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu…

* Cách nào để TP HCM có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong bối cảnh hiện tại?

- HIDS đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng GRDP cho TP HCM, từ kịch bản xấu nhất (áp dụng ngay thuế đối ứng 46%), cho đến kịch bản tốt nhất (đàm phán thành công với mức thuế bình quân từ 5%-15%). Với kịch bản tốt nhất này, dự báo tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2025 của TP HCM sẽ từ 7,37%-8,49%; tức là mức tối đa 8,49% vẫn giữ được mức tăng trưởng mục tiêu 8,5%, với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt.

Hiện nay, viện đang tiếp tục xây dựng phương án tăng trưởng mới, với bối cảnh mới về thuế đối ứng (lùi 90 ngày) và một số điều kiện khác.

Riêng chủ trương tăng trưởng 2 con số (tức trên 10%) cần tìm kiếm các cơ hội tốt nhất để thúc đẩy tăng trưởng cao, tạo đà phát triển tốt cho TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung trong kỷ nguyên mới. Dù vậy, có lẽ cần tập trung hơn vào các giải pháp triển bền vững trong trung và dài hạn, mà thuế đối ứng lần này đã làm bộc lộ rõ sự bất cập của mô hình tăng trưởng dựa trên gia công xuất khẩu với hàm lượng giá trị gia tăng và nội địa hóa rất thấp.

Bên cạnh các giải pháp căn cơ như đẩy mạnh xúc tiến hiệu quả vào các thị trường mới, thị trường có FTA; chúng ta cần thúc đẩy thị trường nội địa; đầu tư hạ tầng; cải cách hành chính nhằm giảm chi phí cho DN; triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ DN… Đặc biệt, TP HCM cần quyết liệt thực thi quy tắc xuất xứ, xử lý nghiêm tình trạng "mượn đường xuất khẩu" của DN một số quốc gia lân cận, tăng tỉ trọng hàm lượng nội địa hóa… Muốn vậy, cần đẩy mạnh thành một chương trình mới của Việt Nam, đó là "Chương trình Made in Vietnam" hay mạnh mẽ hơn là "Chương trình Made by Vietnam" với TP HCM đi đầu.

Trong đó, sẽ lựa chọn ngành hàng/sản phẩm để phát triển mạng lưới cung ứng nội địa, sản phẩm được sản xuất chế tạo toàn bộ tại Việt Nam, tức phát triển ngành công nghiệp chế tạo thực sự tự chủ, không phụ thuộc vào công nghệ hay nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Muốn vậy, phải xây dựng chính sách đồng bộ và hiệu quả, với sự chủ động của chính quyền và các hội ngành hàng có điều kiện tham gia (hợp tác công tư trong lĩnh vực công nghiệp). Các đơn vị tham mưu cần sớm đề xuất chương trình này.

Cắt bỏ tận gốc thủ tục phiền hà

Cải cách hành chính và giảm chi phí hoạt động của DN phải được thực hiện quyết liệt, không phải từng bước mà giải quyết từ gốc; rà soát cắt bỏ tận gốc những thủ tục phiền hà mà trước đây được coi là hiển nhiên.

Các chương trình hỗ trợ DN với cách triển khai hiện nay vẫn còn rất rườm rà về thủ tục và chi phí để DN được hưởng còn cao, đặc biệt về chi phí thời gian. Do đó, cần thay đổi cơ bản theo hướng: DN ưu tiên đầu tư theo định hướng từ các chương trình phát triển của thành phố. Sau khi dự án triển khai hoạt động sẽ hoàn tất các thủ tục và hồ sơ để được nhận ưu đãi, nếu đủ điều kiện.

Với cách triển khai mới này, DN chủ động đầu tư đáp ứng yêu cầu thay đổi rất nhanh của thị trường, đồng thời nhà nước vẫn bảo đảm hỗ trợ đúng hướng, đúng điều kiện, tăng hiệu quả, hạn chế tiêu cực.

THÁI PHƯƠNG thực hiện

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tp-hcm-quyet-giu-muc-tieu-tang-truong-cao-196250415204311176.htm