TP Hồ Chí Minh: Đề thi Ngữ văn có hình thức mới lạ, học sinh thỏa sức sáng tạo

Theo nhận định của các giáo viên, đề thi tuyển sinh môn Văn vào lớp 10 năm nay tại TP Hồ Chí Minh rất hay, có hình thức mới lạ, vừa sức với học sinh. Đặc biệt là ở câu nghị luận xã hội là một đề rất mở, học sinh có thể thỏa sức sáng tạo theo quan điểm bản thân.

Nhận định về đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn của TP Hồ Chí Minh, thầy Phan Thế Hoài, giáo viên môn Ngữ văn trường THPT Bình Hưng Hòa cho rằng, cấu trúc đề thi quen thuộc với các phần đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Thí sinh hoàn tất môn thi Ngữ văn tại điểm thi trường THPT Nguyễn Hữu Huân.

Thí sinh hoàn tất môn thi Ngữ văn tại điểm thi trường THPT Nguyễn Hữu Huân.

Đáng chú ý ở câu đọc hiểu cho ngữ liệu là một bức thư, người gửi là cô giáo em và yêu cầu thí sinh trả lời 4 câu hỏi được thiết lập theo ma trận: Nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Ngữ liệu rất phù hợp với tâm lý lứa tuổi 15, giúp học sinh có hứng thú khi làm bài. Học sinh dễ dàng đạt từ 2,5 điểm đến 3 điểm của phần đọc hiểu.

“Tôi rất tâm đắc ngữ liệu phần đọc hiểu vì lá thư được viết từ “cô giáo của em” với nội dung đong đầy yêu thương khi bàn về tuổi trẻ giàu suy nghĩ, về cuộc sống xung quanh và những người thân yêu. Tuy vậy, các em thường giấu kín tâm tư của mình mà không thổ lộ với ai. Vậy nên, tuổi trẻ cần chia sẻ bằng cách nói ra để bày tỏ cảm xúc, tâm trạng, để bộc lộ cái tôi…”, thầy Phan Thế Hoài chia sẻ.

Còn câu nghị luận xã hội là một đề rất mở được tích hợp từ ngữ liệu phần đọc hiểu và ý thơ của Lê Minh Quốc. Từ đó, học sinh bàn về nhan đề: “Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời”. Theo đó, ở phần nghị luận xã hội này học sinh khá giỏi có thể thỏa sức sáng tạo theo quan điểm bản thân. Còn học sinh trung bình cũng làm được những yêu cầu cơ bản của đề.

Còn câu nghị luận văn học, học sinh có hai lựa chọn. Cụ thể, đề 1 bàn về tình yêu nước của con người Việt nam qua một khổ thơ, đoạn thơ. Học sinh có thể lựa chọn tác phẩm trong hoặc ngoài chương trình sách giáo khoa Ngữ văn 9. Đây là yêu cầu nghị luận quen thuộc, học sinh đã được làm quen nhiều qua 4 năm bậc trung học cơ sở nên các em không hề gặp khó khăn khi làm bài.

“Nhìn chung, câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học vừa phù hợp với Chương trình 2006, vừa phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Học sinh không thể học tủ, học vẹt, học theo văn mẫu mà phải hiểu đề để làm bài thi từ trải nghiệm và tri thức vốn có của bản thân”, thầy Phan Thế Hoài đánh giá.

Còn thầy Võ Kim Bảo, giáo viên môn Ngữ văn, trường THCS Nguyễn Du (Quận 1) cho biết, đề thi văn năm nay có hình thức mới lạ, dù đề dài nhưng nội dung không đánh đố thí sinh. Từng câu từng chữ trong bài được chắt lọc nên học sinh đọc vào có thể làm được đúng đề, không có tình trạng thí sinh lạc đề, không hiểu đề trong khi làm bài.

Tương tự, thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Ngữ văn trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh nhận định, phần nghị luận xã hội đưa ra vấn đề khá hay, có ý nghĩa giáo dục cao, phù hợp với lứa tuổi của học sinh. Cách đặt vấn đề nêu ra một giả thuyết để yêu cầu học sinh làm rõ những hệ quả là khá sáng tạo.

Theo thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, đây là một hướng đi mới phù hợp với việc dạy học Ngữ văn trong thời gian gần đây. Sự phân hóa được đảm bảo để phù hợp với thực tế tuyển sinh vào lớp 10 công lập của TP Hồ Chí Minh.

Các giáo viên Ngữ văn đánh giá, nhìn chung đề vừa sức, mốc điểm trung bình thí sinh có thể đạt từ 6,5 điểm trở lên. Với thí sinh học ở mức độ học tốt sẽ có thể trên 7 điểm, còn học sinh trung bình có thể làm được hết các yêu cầu của đề.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/tp-ho-chi-minh-de-thi-ngu-van-co-hinh-thuc-moi-la-hoc-sinh-thoa-suc-sang-tao-20230606131352569.htm