Trái ngọt trên đất phù sa

Những ngày đầu tháng Tám, khi cái nắng hanh hao bắt đầu nhạt dần cũng là thời điểm trái ngọt của mùa thu bắt đầu chín cây. Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Tân Long (Yên Sơn) mảnh đất phù sa màu mỡ. Vốn nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm, giờ đây, những đôi quang gánh trĩu nặng chất đầy những trái na mắt căng tròn đi trên bãi bồi Soi Đồng, Soi Sính đã mang đến niềm vui mới cho bà con nông dân nơi đây.

Sản vật từ bãi bồi

Khoảng 5 năm trở lại đây, bà con thôn 9, 10, 11 ở xã Tân Long (Yên Sơn) bắt đầu đưa cây na về trồng trên bãi bồi thay cho những cây rau màu năng suất kém. Cây na hợp đất, bén rễ phát triển xanh tươi.

Chúng tôi theo chân ông Nguyễn Văn Chiến, thôn 10 đi trong những vườn na xanh mướt còn đọng đầy nước mưa. Ông bảo, những vườn ở đây cứ gối nhau liền nhau như thế, không có đường đi riêng. Người ta cũng chẳng phàn nàn mấy khi bởi được canh tác trên mảnh đất “cứ trồng cây gì là cây đó sống” vốn đã là một niềm hạnh phúc. Vừa chọn cắt những trái na đã mở mắt căng tròn xếp vào thúng, ông vừa kể câu chuyện của mình… Dải đất màu mỡ ven sông này xưa vốn trồng ngô, trồng dâu. Nghề tằm được, nhưng vất vả. Dần dà, con cái lớn lên, lấy vợ gả chồng, nhà neo người, hai ông bà không kham nổi cái bận rộn của nghề tằm nữa nên mới quyết định chuyển đổi cây trồng.

Người dân thu hoạch na.

Người dân thu hoạch na.

“Khi quyết định đưa cây na về đây, chúng tôi đã trồng thử nghiệm và tìm hiểu cả rồi” - ông Chiến quả quyết nói vậy. Cây na hợp đất phù sa, sinh trưởng và phát triển tốt. Khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6 là thời điểm bà con bắt đầu thụ phấn cho na. Các công đoạn được làm thủ công hoàn toàn để cho ra trái na to, tròn đều, vỏ mỏng, ít hạt. Bà con trong thôn cùng nhau trồng, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để cây phát triển tốt, cho sai quả, năng suất cao. Gần đây, một số hộ gia đình còn bắt đầu trồng thử nghiệm giống cây na tím xen lẫn cây na truyền thống. Bà Hoàng Thị Thu, vợ ông Chiến đưa chúng tôi một quả đã chín mềm tay rồi nhẹ nhàng bảo, na tím mang mùi thơm ngọt đặc trưng của thức quả mùa thu, hương vị đậm đà lan tỏa mà người thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi…

Ngọt ngào mùa quả chín

Thời điểm này đang là lúc na chín rộ. Ngày nào bà con trồng na bên soi cũng ghé vườn để thu hoạch quả ngọt. Ông Lê Ngọc Hạnh, thôn 10 bảo rằng, na chín theo mùa và theo giờ. Sáng thấy quả còn xanh đó nhưng chiều đã “mở mắt”, quả chiều còn cứng đó nhưng tối đã chín mềm, thơm lừng. Những ngày vừa rồi mưa lớn, nước sông dâng cao, bà con vất vả hơn bởi phải chèo thuyền qua sông chở từng gánh na về. Gánh trên vai đôi quang gánh nặng trĩu đi trên bãi bồi, bà con ai nấy tóc tai ướt nhèm, mồ hôi lẫn nước mưa ướt áo. Thế nhưng quả thu đến đâu bán hết đến đó nên bao vất vả, nhọc nhằn cũng vơi đi.

Na trồng trên bãi bồi Soi Sính, Soi Đồng xã Tân Long (Yên Sơn) đang vào vụ thu hoạch.

Na trồng trên bãi bồi Soi Sính, Soi Đồng xã Tân Long (Yên Sơn) đang vào vụ thu hoạch.

Chúng tôi khom người cúi đầu bước đi trong những vườn na, dưới là thảm cỏ xanh rờn. Thời tiết mấy hôm nay đỏng đảnh, trong từng tầng lá vẫn còn dấu vết của trận mưa đêm qua. Bà Hoàng Thị Thu, thôn 10 cẩn thận chọn lựa từng quả đã mở mắt, dùng kéo cắt sát cành rồi nhẹ nhàng đặt vào trong sọt đã lót một lớp lá mềm. Gia đình bà có 7 sào na, có năm được mùa, chín rộ, mỗi ngày bà thu hoạch 2 tạ. Bà bảo, thời điểm đầu mùa giá cao, na bán được 65 nghìn đồng/kg. Vào chính vụ như bây giờ thì khoảng 40 - 45 nghìn đồng/kg. Năm ngoái bà thu lãi trên 30 triệu đồng. Quả na trồng trên đất phù sa ngọt mềm, thơm lừng, lại sạch hoàn toàn nên được người mua ưa chuộng. Có những ngày bà đi cắt na từ sớm, đóng thùng gửi đi cho khách tỉnh khác làm quà.

Trên soi, vườn na, vườn ngô, dâu tằm, cỏ voi tốt tươi nối nhau bất tận. Đồng chí Hoàng Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết, với vị trí địa lý thuận lợi, đất đai màu mỡ, khu vực bãi soi thích hợp để bà con thôn 9, 10, 11 phát triển kinh tế nông nghiệp. Những năm gần đây, bà con một số thôn, đặc biệt là thôn 10 đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những cây năng suất chất lượng kém sang trồng na.

Những gánh na sau khi thu hoạch sẽ được chở qua sông.

Những gánh na sau khi thu hoạch sẽ được chở qua sông.

Tổng diện tích hiện tại trên 20 ha. Từ trồng và phát triển cây na, thu nhập của bà con nông dân được cải thiện, đời sống được nâng cao. Thời gian tới, UBND xã Tân Long sẽ phối hợp với các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để liên kết bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, tiếp tục khuyến khích bà con mở rộng, phát triển diện tích trồng cây ăn quả cho thu nhập cao từ đó góp phần cải thiện đời sống.

Đi trên bãi bồi rộng lớn phủ một màu xanh thắm của cây, người ta mới hiểu rằng bà con nơi đây trân quý từng tấc đất phù sa như thế nào. Trái na ngọt lành hôm nay như một món quà mùa thu không cầu kỳ hình thức, đền đáp những nhọc nhằn vất vả của bà con nông dân. Tất cả đều mộc mạc và bình dị như con sông ôm lấy bãi bồi suốt bao năm qua…

Thùy Lê

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/phong-su/trai-ngot-tren-dat-phu-sa-178718.html