'Trái ngọt' từ hạ tầng đồng bộ, phát triển
Trong quá trình xây dựng, phát triển, nhất là trong khoảng 10 năm trở lại đây, Quảng Ninh luôn được Trung ương xác định là tỉnh có vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Xác định được điều này, tỉnh chưa khi nào sớm hài lòng với những kết quả đạt được mà không ngừng nhận diện những hạn chế, thách thức để có kế hoạch, mục tiêu phát triển mới. Trong đó, có phát triển đột phá, đồng bộ hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược.
Mở ra không gian, nguồn lực phát triển mới
Trên cơ sở nhận diện các dự án hạ tầng trước đây của tỉnh chủ yếu là những dự án giao thông tại các trung tâm kinh tế phát triển trên địa bàn. Trong khi tỉnh có diện tích lớn, nhiều khu vực còn xa trung tâm, kết cấu hạ tầng vẫn còn những bất cập, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông mang tính chiến lược. Vì vậy, nhiệm vụ phát triển đột phá, đồng bộ hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược trên toàn tỉnh vẫn là mục tiêu được Quảng Ninh đặc biêt ưu tiên thực hiện.
Đầu tư hoàn thiện hạ tầng được Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh tiếp tục xác định là một trong 3 đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, đến nay, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện, đột phá chiến lược về hạ tầng của tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật, góp phần quan trọng đưa Quảng Ninh phát triển toàn diện, bền vững.
Với hàng loạt công trình giao thông trọng điểm hoàn thành, đi vào sử dụng, như: Đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái, cầu Tình Yêu, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, Cảng cao cấp Ao Tiên… cùng các dự án, công trình đã khởi công và hoàn thành trong giai đoạn trước đã giúp Quảng Ninh trở thành địa phương có cơ sở hạ tầng vượt trội trong cả nước. Tỉnh đang có số km cao tốc lớn nhất cả nước và hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại ở tất cả các loại hình đường bộ, đường thủy, đường hàng không... Qua đó, tạo ra những đột phá trong thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế; mở ra không gian phát triển và nguồn lực phát triển dồi dào.
Đa dạng nguồn lực, hình thức đầu tư
Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều công trình, dự án hạ tầng trọng điểm. Nhiều công trình cũng đang được địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Trong đó, phải kể đến các dự án: Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 thuộc địa phận huyện Ba Chẽ; đầu tư nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh; đường nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến Cảng Vạn Ninh; đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều (đường ven sông); cầu Cửa Lục 3…
Bên cạnh huy động nguồn lực đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, các hệ thống hạ tầng khác của tỉnh cũng đã và đang được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu giai đoạn phát triển mới. Hạ tầng các KCN, KKT tiếp tục được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện để triển khai các kế hoạch thu hút đầu tư, hình thành các trung tâm kinh tế trọng điểm, động lực. Hạ tầng đô thị được chỉnh trang văn minh, hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, hướng tới mô hình đô thị thông minh. Các hạ tầng xã hội thiết yếu, như y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa, thể thao... được quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng. Hạ tầng viễn thông và CNTT cơ bản bảo đảm phục vụ tốt việc vận hành, sử dụng các ứng dụng phục vụ tiến trình chuyển đổi số toàn diện và nhu cầu tiếp cận thông tin của Nhân dân…
Bằng việc huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đến nay, Quảng Ninh là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước (đạt 65,5%); sở hữu hạ tầng giao thông tốt nhất miền Bắc với đa loại hình (đường bộ, đường biển, đường hàng không) với gần 200km đường cao tốc (chiếm 10% số km cao tốc toàn quốc); cảng hàng không quốc tế, cảng tàu chuyên biệt đầu tiên trong nước được đầu tư từ nguồn xã hội hóa…