Trăn trở của người giữ 'hồn' hát Xoan cổ
Giữa vùng đất Tổ linh thiêng – nơi cội nguồn dân tộc Việt, có một người phụ nữ đã dành trọn hơn nửa thế kỷ để giữ gìn, một loại hình nghệ thuật từng có thời gian đứng trước nguy cơ mai một. Đó là Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch – 'trùm phường' Xoan An Thái, cũng là nữ trùm Xoan duy nhất của tỉnh Phú Thọ.

Với hơn 50 năm gắn bó cùng hát Xoan, bà không chỉ là người lưu giữ tinh hoa văn hóa cổ truyền, mà còn là người truyền lửa hát Xoan tới đời sống cộng đồng một cách sống động và bền vững.
Từ cô bé 6 tuổi đến người trùm hát Xoan
Sinh ra và lớn lên giữa cái nôi của nghệ thuật Xoan cổ, bà Nguyễn Thị Lịch dường như được định mệnh lựa chọn để gắn bó cả đời với những làn điệu mộc mạc mà thấm đẫm hồn quê. Xuất thân trong gia đình có năm đời theo Xoan, ba đời làm trùm phường, ngọn lửa đam mê ấy đã được truyền từ ông nội – cụ Nguyễn Văn Chìu, một trùm phường nổi tiếng từng vừa dạy hát, vừa dẫn phường đi trình diễn khắp các đình làng, đến người cha – ông Nguyễn Tất Thắng. Và giờ đây, đến lượt mình, bà Lịch không chỉ kế thừa mà còn thổi bùng sức sống mới cho nghệ thuật Xoan truyền thống.
Từ khi mới 6 tuổi, bà đã được ông nội và cha truyền dạy làn điệu hát Xoan, và đưa đến các cuộc trình diễn hát Xoan trong các lễ hội ở đình làng. Năm 13 tuổi, bà trở thành đào nương trẻ tuổi của làng, thuộc hết 24 làn điệu. Không chỉ là đào Xoan, bà Lịch còn đảm nhiệm cả kép trống và dẫn cách khi trình diễn tại lễ hội đình của các địa phương.
Điều đặc biệt là, dù gia đình có ba người con trai, cha bà vẫn đặt trọn niềm tin vào cô con gái út. Ông hiểu rõ, không ai trong nhà yêu và tận tụy với Xoan như bà Lịch. Cũng từ đó, bà trở thành người phụ nữ duy nhất nắm giữ vai trò trùm phường hát, một vị trí vốn xưa nay hiếm tại vùng đất Tổ.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch - “bà trùm” hát Xoan tại đất Tổ.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch chia sẻ trong niềm xúc động: “Ngày xưa, ở An Thái từng có ba phường Xoan do các ông Nguyễn Văn Luận và Nguyễn Văn Ngữ trông nom. Nhưng theo thời gian, hai phường không còn người nối dõi. Một mình tôi đứng ra gánh vác, tập hợp, truyền dạy, gây dựng lại phong trào hát Xoan”.
Đến nay, phường Xoan An Thái do bà dẫn dắt đã có tới 110 thành viên, nhỏ nhất mới 6 tuổi, lớn nhất hơn 90 tuổi. Một cộng đồng đa thế hệ cùng hát, cùng sống với Xoan – điều hiếm có trong bất kỳ loại hình nghệ thuật truyền thống nào.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch dạy hát xoan cho các bạn nhỏ.
Không chỉ là người âm thầm gìn giữ ngọn lửa nghệ thuật truyền thống của phường mình, bà Lịch còn là ngọn đuốc lan tỏa tình yêu hát Xoan đến với biết bao thế hệ trẻ. Suốt nhiều năm qua, bà đã miệt mài đứng lớp, đào tạo hơn 140 lớp học với mỗi lớp từ 70 đến 80 học viên, một con số đủ để thấy tình yêu và tâm huyết của người nghệ nhân dành cho di sản quý báu của cha ông.
Hành trình gieo mầm ấy không gói gọn trong không gian làng xã. Bà mang Xoan đi khắp nơi, từ sân trường mầm non, tiểu học cho đến các giảng đường đại học. Ở đâu có người cần học, bà lại lên đường, cần mẫn truyền dạy từng câu hát, từng nhịp trống. Thậm chí, trong mỗi chuyến đi biểu diễn, bà cũng không quên nhiệm vụ lan tỏa, mang Xoan đến gần hơn với cộng đồng. Với bà, hát Xoan không chỉ là nghệ thuật, mà là sứ mệnh, là máu thịt và là trách nhiệm không thể ngơi nghỉ.

Bà được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân" vì có nhiều đóng góp trong bảo tồn văn hóa phi vật thể.
"Chừng nào còn sức, tôi còn hát"
Dù giữ hồn truyền thống, bà Lịch cũng không ngừng đổi mới. Bà cho phép đưa lời mới, nội dung hiện đại vào giai điệu Xoan để phù hợp với thế hệ trẻ. Trên sân khấu, bà chọn trang phục truyền thống cho từng vai: trùm phường mặc áo đỏ, đào hát khăn mỏ quạ, áo nâu, váy đụp… Tất cả góp phần làm nên một không gian hát Xoan vừa cổ kính, vừa gần gũi.

Dù đã ở tuổi ngoài 70, bà vẫn say mê đứng trên sân khấu, truyền dạy, biểu diễn và chia sẻ niềm đam mê của mình với lớp trẻ.
Ở cái tuổi ngoài 70, dáng người đã nhỏ gầy theo năm tháng, nhưng ngọn lửa đam mê trong bà Nguyễn Thị Lịch chưa bao giờ nguội tắt. Mỗi dịp hè về, khi sân đình An Thái rộn vang tiếng trống, tiếng phách, người ta lại thấy bà say sưa truyền dạy từng làn điệu Xoan cho lũ trẻ trong làng. “Chừng nào còn sức, tôi còn hát. Chừng nào còn người muốn học, tôi còn dạy,” bà nói, ánh mắt lấp lánh niềm tin như một lời hứa với tổ tiên, với quê hương.

Các nghệ sĩ hát Xoan đang biểu diễn phục vụ khách du lịch.
Hơn nửa thế kỷ gắn bó với hát Xoan, Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch không chỉ là người giữ gìn một di sản văn hóa quý báu mà còn là người truyền lửa, đưa hồn Xoan đi muôn nơi. Với bà, hát Xoan không chỉ là âm nhạc, mà là tình yêu, là niềm tự hào, và là trách nhiệm của mỗi người con đất Tổ. Dù thời gian có thay đổi, dù cuộc sống có đầy biến động, ngọn lửa hát Xoan trong bà vẫn mãi rực sáng.
Dù đã ở tuổi ngoài 70, bà vẫn say mê đứng trên sân khấu, truyền dạy, biểu diễn và chia sẻ niềm đam mê của mình với lớp trẻ. Những điệu hát, nhịp trống, tiếng phách vẫn đều đặn vang lên dưới đôi tay bà, nhắc nhở tất cả chúng ta về một di sản văn hóa vô giá.
Ra đời từ thuở các vua Hùng dựng nước, hát Xoan là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, gắn liền với nghi lễ mùa xuân nơi sân đình làng cổ. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Xoan vẫn giữ được hồn cốt riêng – là những làn điệu mượt mà, sâu lắng vang lên trong những ngày đầu năm, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng ấm no, hạnh phúc.
Theo truyền thuyết dân gian, hát Xoan bắt nguồn từ một câu chuyện đậm màu huyền thoại. Trong một chuyến du xuân, hoàng hậu của vua Hùng bất ngờ trở dạ nhưng không thể sinh nở. Một thị nữ nhanh trí tâu rằng trong làng có cô gái tên Quế Hoa, nổi tiếng với giọng hát ru ngọt ngào và điệu múa uyển chuyển. Khi Quế Hoa hát cho hoàng hậu nghe, điều kỳ diệu đã xảy ra: cơn đau biến mất, bà hạ sinh ba hoàng tử khôi ngô.
Cảm kích trước giọng hát như có phép nhiệm màu, vua Hùng lập làng, ban thưởng và truyền tục hát mỗi độ xuân về để tưởng nhớ công lao cô gái hát ru năm ấy.
Hát Xoan gồm ba chặng: hát nghi lễ (5 bài), hát quả cách (14 bài), và hát hội – hát trao duyên (12 bài). Khi trình diễn, chỉ dùng trống và phách được làm từ hai thanh tre mộc mạc. Vũ đạo trong hát Xoan không cầu kỳ như chèo mà mềm mại, gắn với nghi lễ cung đình: tay uốn, chân nhón, mắt nhìn thượng cung.