Trấn Yên thu 'lợi ích kép' từ trồng sen

Chuyển đổi từ diện tích ruộng kém hiệu quả sang trồng sen, kết hợp phát triển du lịch là một hướng đi mang lại nhiều lợi ích cho nông dân huyện Trấn Yên. Không chỉ mang đến nét đẹp cho vùng quê, cây sen đã mang lại nguồn thu nhập tốt cho nông dân .

Mỗi ngày chị Phạm Anh Tươi, thôn Bản Vần, xã Việt Hồng thu hái trên 200 bông sen Quan âm giao cho khách.

Mỗi ngày chị Phạm Anh Tươi, thôn Bản Vần, xã Việt Hồng thu hái trên 200 bông sen Quan âm giao cho khách.

Những ngày trung tuần tháng 8, tôi về xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên mà mùa này từ xa đã ngào ngạt hương thơm của những cánh đồng sen. Chị Phạm Anh Tươi, thôn Bản Vần đang nhanh tay hái những bông sen Quan âm trắng muốt giao cho khách đặt. Chị Tươi vui vẻ: "Gia đình tôi trồng sen Quan âm từ tháng 6/2024 với 0,2 ha trên những tràn ruộng trũng kém hiệu quả. Cây sen không tôn công chăm sóc mà lại hiệu quả, thu được từ hoa, hạt, lá … nên đến nay gia đình đã mở rộng diện tích 0,7ha. Bên cạnh đó, gia đình còn một đầm sen ta (hay còn gọi sen trắng quê Bác) rộng khoảng 0,8 ha trồng từ năm 2020, chuyên thu lá và hạt. Hiện gia đình đã có sản phẩm lá sen khô có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chữa mất ngủ, hạ áp, cải thiện sức khỏe, tim mạch… cung cấp cho thị trường. Riêng trong tháng 7, gia đình đã thu nhập trên 6 triệu đồng từ cây sen”.

Được biết, mùa sen sẽ kéo dài từ tháng 5 - 11 hàng năm. Gia đình chị Tươi đang triển khai thêm các sản phẩm từ sen như: trà sen, củ sen, hạt sen, ngó sen mang lại thu nhập khá cho gia đình, vừa tạo ra một điểm đến hấp dẫn du khách”.

Hiện tại Việt Hồng có 2 hộ trồng sen, với diện tích trên 2 ha. Dù mới rất ít nhưng đây đã là điểm đến lý tưởng để chọn thư giãn trong không gian mơn man cánh sen dịu dàng, hương thơm thanh mát giữa gió đồng khi du khách tìm về địa bàn Chiến khu Vần - căn cứ địa cách mạng, với các "địa chỉ đỏ” như nhà ông Trần Đình Khánh và các điểm di tích lịch sử: Gốc vải Đình Trung, Hang Dơi, Đình làng Dọc…

"Gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Chiến khu Vần, xã đã trình, xin chuyển đổi diện tích ruộng kém hiệu quả sang trồng sen, khai thác các sản phẩm từ cây sen” - ông Triệu Khánh Thiện, Chủ tịch UBND xã Việt Hồng cho biết.

Việt Hồng là địa phương mới trồng còn với lợi thế về diện tích mặt nước hồ đầm, xã Vân Hội đã phát triển diện tích sen từ nhiều năm nay, với nhiều giống sen mới như: sen Super, Quan âm trắng, Bách Diệp (Tây Hồ), sen hồng Đồng Tháp... Đây là các giống sen nổi tiếng ở các vùng, miền, thích hợp với trồng ở ao, hồ, ruộng trũng.

Chị Nguyễn Thị Hồng Lĩnh, thôn Lao Động cho biết: "Ban đầu chỉ một số người đi qua thấy vùng sen bạt ngàn thì dừng lại chụp ảnh. Sau đó, họ rủ bạn bè, người thân tới chụp ảnh rất đông. Nhận thấy tiềm năng du lịch từ sen, chúng tôi kết hợp một số dịch vụ, đầu tư cầu tre, chòi quán, dựng khu cho thuê trang phục. Đến nay, đầm sen Vân Hội đã trở thành địa điểm quen thuộc để người dân đến tham quan, chụp ảnh và mua hoa, đài sen tại đầm, đông nhất là vào những ngày cuối tuần”.

Ban đầu xã Vân Hội chỉ có một hai hộ trồng sen làm du lịch, nay sen đang là nguồn thu nhập chính của 7 hộ gia đình nơi đây. Bên cạnh đó, từ nhu cầu thị trường, các gia đình ở Vân Hội cũng đã chủ động học tập kinh nghiệm, mở rộng sản xuất các sản phẩm: trà sen, ngó sen, hạt sen, lá sen khô, cây giống, …

Đang là mùa sen, những ngày cuối tuần, đầm sen Vân Hội thu hút rất nhiều khách đến tham quan, chụp ảnh và mua hoa.

Một trong những ưu điểm của mô hình trồng sen là khi đến đợt thu hoạch, thương lái khắc tìm đến tận nơi. Do đó, nông dân không phải "chạy đôn chạy đáo” tìm đầu ra như các loại cây trồng khác. Giá sản phẩm cũng tương đối cao, hoa sen khoảng từ 4 - 6 nghìn đồng/bông, hạt sen khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg tùy thời điểm. Mỗi năm, cây hoa sen đem lại nguồn thu từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng cho các hộ trồng tùy vào diện tích.

"Để phát triển du lịch, xã chủ trương khai thác cảnh quan sinh thái tự nhiên trên đầm Vân Hội cũng như các di tích lịch sử, danh thắng địa phương. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân đầu tư trồng sen kết hợp làm du lịch sinh thái. Giống sen các hộ đang trồng chỉ cho thu khoảng 3 tháng trong một năm, để tạo sự đa dạng về các loại sen, có thể trồng, sản xuất quanh năm phù hợp với khai thác du lịch, chúng tôi đang triển khai thí điểm dự án đưa một số giống sen mới vào trồng" - ông Tống Gia Công, Chủ tịch UBND xã Vân Hội cho biết.

Không chỉ mang đến nét đẹp bình dị, thân thương và thư giãn cho làng quê, sau thời gian chuyển đổi mô hình, cây sen còn giúp người nông dân thêm mùa ấm no. Bên cạnh khai thác thuần nông sản, nhạy bén với nhu cầu của thị trường, người trồng đã biến các đầm sen thành địa điểm hút khách đến tham quan, chụp ảnh, quảng bá du lịch.

Ngoài cảnh quan thiên nhiên, hiện nay, trên địa bàn huyện Trấn Yên có 24 di tích lịch sử cùng nhiều loại hình văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Huyện đặt mục tiêu năm 2024 đón khoảng 52.000 lượt du khách, trong đó khoảng 12.000 khách quốc tế; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 40,6 tỷ đồng. Chỉ trong 8 tháng năm, toàn huyện đã đón trên 57 nghìn lượt du khách, tăng 29,5% so với cùng kỳ; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 44,8 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Phạm Huy Mai - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trấn Yên cho biết: "Để phát triển du lịch, giúp người dân phát triển kinh tế, ngay từ đầu năm, trong "Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp” vào trung tuần tháng 4, huyện Trấn Yên đã trồng mới 3ha sen với các giống mới như: sen Super, Quan âm trắng, Bách Diệp (Tây Hồ), sen hồng Đồng Tháp. Đây là 4 loại sen bông to, thơm, không tốn diện tích, hoa bền đẹp, thời gian ra hoa kéo dài hơn giống bản địa từ 3-4 tháng. Đến nay, toàn huyện có trên 10ha, tập trung ở các xã: Vân Hội, Việt Hồng, Minh Quân.

Cùng với mở rộng diện tích, huyện cũng tập trung đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao tính chuyên nghiệp cho đội ngũ làm du lịch, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng; quảng bá du lịch Trấn Yên qua website, mạng xã hội để thu hút du khách...

Minh Huyền

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/327838/tran-yen-thu-loi-ich-kep-tu-trong-sen.aspx