Tránh bỏ sót nạn nhân, bỏ lọt tội phạm

Trong bối cảnh tội phạm mua bán người có xu hướng gia tăng và có nhiều hoạt động tinh vi, thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần quy định chặt chẽ, tránh bỏ sót đối tượng là nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân cũng như tội phạm mua bán người.

Làm rõ hơn khái niệm nạn nhân

Các đại biểu nhấn mạnh, Luật Phòng, chống mua bán người là đạo luật rất quan trọng, điều chỉnh trực tiếp về công tác phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua bán người; hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người... Đồng thời, cơ bản thống nhất với dự thảo luật đã mở rộng, bổ sung đối tượng “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân” vào phạm vi điều chỉnh, để trên cơ sở đó có đề xuất chính sách, chế độ hỗ trợ cụ thể.

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Qua tổng kết thực tiễn cho thấy, phụ nữ, trẻ em gái, đồng bào người dân tộc thiểu số, người ở những vùng đặc biệt có kinh tế khó khăn là đối tượng mà tội phạm mua bán người rất hay nhắm đến. Có những vụ việc buôn bán người đã được phát hiện nhưng rất khó, rất lâu mới xác định được nạn nhân; có những nạn nhân bị mua bán đã lâu và chỉ biết nói tiếng dân tộc, không biết rõ mình ngày xưa ở đâu... nên không có nhiều thông tin để xác định đây là nạn nhân của mua bán người ngay thời điểm đó. Nêu thực tế này, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) nhấn mạnh, cần có thời gian và những chính sách, biện pháp hỗ trợ để có cơ sở xác định được những người này thực sự là nạn nhân để quan tâm, giúp đỡ họ.

ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Khái niệm nạn nhân tại khoản 5 Điều 2 dự thảo luật được hiểu là người bị xâm hại bởi hành vi mua bán người, bóc lột tình dục, nô lệ tình dục và cưỡng bức lao động. ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho biết, theo quy định tại điểm e Điều 2 Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người thì nạn nhân không nhất thiết phải là người bị xâm hại mà chỉ cần người đó là đối tượng của hành vi mua bán người hướng tới. Đại biểu đề nghị, làm rõ hơn khái niệm nạn nhân để không bỏ sót các hành vi mua bán người, bảo vệ tốt hơn những nạn nhân của mua bán người, đồng thời các cơ quan chức năng trong khi thực hiện các chính sách đi kèm theo thì sẽ thuận lợi hơn trong thực tiễn.

ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) nêu thực tế, nạn nhân của mua bán người trước đây chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái, tuy nhiên trong những năm gần đây có rất nhiều nạn nhân là nam giới trong độ tuổi thanh thiếu niên. Với thủ đoạn lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”, đối tượng mua bán người đã đưa nhiều nạn nhân là nam giới trong độ tuổi thanh thiếu niên qua biên giới, nhất là sang Campuchia để cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2022 cả nước xảy ra 43 vụ mua bán người, số đối tượng mua bán người là 113 đối tượng, tăng 10,26% về số vụ và tăng 44,87% về số đối tượng mua bán người so với cùng kỳ năm 2021. Đối với những nạn nhân bị đối tượng mua bán người sử dụng vào mục đích vô nhân đạo khác như buộc nạn nhân phải đi ăn xin, sử dụng nạn nhân vào các mục đích khác…, theo đại biểu Phạm Đình Thanh, ngoài những nạn nhân thuộc lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng thì người khuyết tật cũng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của các hành vi này.

Đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị, ngoài việc ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì Nhà nước cũng cần ưu tiên bố trí ngân sách cho những vùng, địa phương có tình hình mua bán người xảy ra nghiêm trọng, phức tạp; bổ sung nhóm đối tượng là người khuyết tật vào nhóm cần được tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục dự kiến quy định tại khoản 5 Điều 7 dự thảo luật.

Có công cụ pháp lý để trừng trị thích đáng

Cho rằng, phạm vi xử lý hình sự đối với người phạm tội mua bán người ngày càng thu hẹp, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) cũng cho biết, nếu trước đây chỉ cần chứng minh người có hành vi mua bán người thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội thì nay phải chứng minh thêm “mục đích phạm tội” và “thủ đoạn phạm tội”, ngoài “hành vi mua bán người”. Điều này đặt ra cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhiệm vụ ngày càng khó khăn hơn, bởi vì, chứng minh hành vi phạm tội đã khó, chứng minh thủ đoạn phạm tội lại càng khó và chứng minh mục đích phạm tội lại càng khó hơn nữa.

ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cũng theo đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, việc số người phạm tội mua bán người bị đưa ra xét xử giảm đi sẽ làm giảm tính răn đe của pháp luật, bởi khi người phạm tội không bị trừng trị thì bản thân người phạm tội cũng có nguy cơ tiếp tục tái phạm và những người khác có ý định phạm tội sẽ coi thường pháp luật.

Tán thành với ý kiến trên, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho biết, khảo sát thực tiễn thi hành luật cho thấy, việc chứng minh thủ đoạn phạm tội đối với các hành vi mua bán người trong nhiều trường hợp như: đưa người đi nước ngoài để làm việc nhà, kết hôn ban đầu là đồng thuận (tức là không có thủ đoạn) đến khi sang nước ngoài mới bị bóc lột, nô lệ tình dục, cưỡng bức lao động... rất khó khăn. Thêm vào đó, hiện nay các phương thức phạm tội ngày càng tinh vi, người phạm tội thường sử dụng công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội qua môi trường mạng. Khi cơ quan chức năng phát hiện có dấu hiệu phạm tội nhưng không chứng minh được người phạm tội là có thủ đoạn nên không xử lý được. Do đó, hầu hết người phạm tội chỉ bị xử lý tội danh khác như tổ chức đưa người sang nước ngoài trái phép, không đúng với bản chất tội phạm mua bán người để trừng trị nghiêm minh.

Từ thực tế trên, các đại biểu nhấn mạnh, muốn nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người thì cần tạo thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội rộng hơn.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà nêu hai cách để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người: một là, cân nhắc thu hẹp mục đích, thủ đoạn phạm tội mua bán người; hai là, bổ sung quy định hành vi “chuẩn bị phạm tội mua bán người” vào dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

"Với hai cách này, chúng ta sẽ có công cụ pháp lý để trừng trị thích đáng những người phạm tội mua bán người, không bỏ lọt tội phạm và đạt được mục đích của hình phạt phòng ngừa riêng, phòng ngừa chung, qua đó, góp phần nâng hiệu quả thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm mua bán người trong thời gian tới", đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà nhấn mạnh.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/tranh-bo-sot-nan-nhan-bo-lot-toi-pham-i376776/