Tranh cãi về nguồn gốc xe Trung Quốc

Nguồn gốc thương hiệu MG ở Anh song đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi, trong khi Volvo cũng thuộc tập đoàn Trung Quốc lại không gặp tình cảnh tương tự.

Ô tô Trung Quốc không còn xa lạ tại Việt Nam, đặc biệt sau cuộc đổ bộ gần đây của hàng loạt thương hiệu như: Beijing, Wuling, Haval, Haima, BYD, GAC, Lynk & Co...

Tuy nhiên, sau những trải nghiệm không mấy tốt đẹp mà các mẫu xe máy, ô tô Trung Quốc giá rẻ, nhái kiểu dáng để lại đầu thập niên 2000, người tiêu dùng Việt đến nay vẫn còn nhiều hoài nghi khi nhắc đến xe Trung Quốc.

MG Hector thực chất là phiên bản thay logo của Baojun 530.

MG Hector thực chất là phiên bản thay logo của Baojun 530.

Ví dụ tiêu biểu là MG. Trở lại Việt Nam tháng 7/2020 sau lần đầu gia nhập thị trường thất bại 8 năm trước, MG nhận nhiều đánh giá trái chiều khi chủ sở hữu là công ty công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC) và cả hai mẫu xe hãng ra mắt thời điểm đó là ZS và HS đều nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nhà phân phối cũ là Tan Chong cố gắng xây dựng hình ảnh ô tô MG gắn liền truyền thống và phong cách Anh, chuyển sang nhập khẩu xe từ Thái Lan, thậm chí “nhắc khéo” giới truyền thông hạn chế đề cập cụm từ “ô tô Trung Quốc”. Song hiện tại, MG vẫn chưa hoàn toàn thoát mác xe “Tàu” trong mắt khách hàng Việt.

Tình cảnh này trái ngược hoàn toàn Volvo hay Land Rover. Hãng xe Thụy Điển Volvo được tập đoàn Geely của Trung Quốc mua lại từ năm 2010, còn thương hiệu Anh Land Rover thuộc thuộc sở hữu của Tata Motors (Ấn Độ) từ 2008. Cả hai hãng đều có nhà máy sản xuất ở Trung Quốc nhưng không vướng phải những tranh cãi về nguồn gốc.

Trên thực tế, câu chuyện này không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Đơn cử tại một thị trường châu Á khác là Ấn Độ, MG từng bị nhiều người dùng chỉ trích vì truyền thông sản phẩm theo hướng “di sản Anh quốc”.

Lý do bởi khi ra mắt MG Hector vào năm 2019, hãng quảng cáo với khách hàng Ấn Độ đây là một mẫu SUV Anh quốc, trong khi Hector thực ra là mẫu Baojun 530 sản xuất bởi liên doanh SAIC-GM-Wuling (SGMW) mang logo MG. Xe cũng được bán ở nhiều thị trường khác với các tên gọi Wuling Almaz hay Chevrolet Captiva.

Một nguyên nhân khác được người tiêu dùng Ấn Độ đưa ra, sau khi về tay tập đoàn Trung Quốc, MG không còn là hãng chuyên sản xuất ô tô thể thao và từng nổi danh nhờ những mẫu sport car hai cửa.

Trong bài viết đăng tháng 7/2023, trang The Car Expert của Anh cũng nhận định, MG “từ một nhà sản xuất xe thể thao đã trở thành thương hiệu chuyên về các dòng ô tô gia đình giá rẻ”.

Sau những lần đổi chủ từ British Motor Corporation, British Leyland, British Aerospace, BMW cho đến Phoenix Consortium và đều thất bại vì quản trị yếu kém, MG chính thức bị khai tử năm 2005 và khiến hơn 6.000 nhân sự mất việc làm, trước khi “hồi sinh” với định hướng mới trong tay SAIC năm 2007.

Trái lại, Volvo hay Land Rover vẫn là các thương hiệu đang hoạt động khi được Geely và Tata Motors mua lại.

Phóng viên trang AutoExpress của Anh từng có dịp tới trụ sở của MG đặt tại thủ đô nước này, nơi được MG cho biết tham gia thiết kế, phát triển phần lớn dòng ô tô của hãng.

Theo bài viết đăng tháng 10/2023, phòng thiết kế ở Anh của MG có chưa đầy 20 người, thấp hơn nhiều lần con số khoảng 300 nhân sự tại Trung Quốc.

Dây chuyền sản xuất tại nhà máy MG Anh cũng không còn, phần lớn diện tích nhà máy trước kia đã chuyển thành khu dân cư và tòa nhà thương mại. Đội ngũ ở đây hiện đảm nhiệm việc đào tạo bán hàng và chăm sóc sau bán hàng, cũng như chạy thử nghiệm xe với các linh kiện lắp ráp được gửi từ Trung Quốc.

Đây cũng là điểm khác biệt giữa MG và Volvo hay Land Rover. Hai thương hiệu này khi đổi chủ vẫn duy trì hoạt động của trụ sở chính, trung tâm thiết kế và cả các nhà máy ở đất nước bản địa.

Những mẫu xe Volvo và Land Rover ra mắt sau này vẫn giữ được tinh thần, triết lý truyền thống của hãng và vẫn là niềm tự hào của người Thụy Điển và người Anh, dù có xuất xưởng ở “nguyên quán”, Brazil, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Malaysia hay Trung Quốc.

Quay trở lại khái niệm “xe Trung Quốc”, quan điểm trái chiều của người tiêu dùng Việt Nam cũng như trên thế giới xoay quanh MG có lẽ không đến từ nguồn gốc chủ sở hữu hay nơi những chiếc xe xuất xưởng, bởi rất nhiều hãng ô tô lớn cũng đặt nhà máy tại Trung Quốc - quốc gia có nguồn nhân công giá rẻ dồi dào và là một trong những nền công nghiệp ô tô phát triển mạnh mẽ nhất.

Thay vào đó, việc thay đổi về bản sắc và triết lý thiết kế sản phẩm, trong khi vẫn cố gắng níu kéo lịch sử nguồn gốc thương hiệu mới là nguyên nhân khiến MG vẫn chưa thoát khỏi những tranh cãi mỗi khi nhắc đến “xe Trung Quốc”.

Tứ Đức

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/tranh-cai-ve-nguon-goc-xe-trung-quoc-192240522171534932.htm