Trẻ 13 tuổi suy hô hấp, tổn thương phủ tạng do lupus ban đỏ
Lupus ban đỏ có thể khởi phát ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ cần nhận biết sớm.
Trẻ 13 tuổi bỗng nhiên co giật, tổn thương phủ tạng
Lupus ban đỏ hệ thống (SLE – Systemic Lupus Erythematosus) là một bệnh tự miễn mạn tính, trong đó hệ miễn dịch tấn công chính các cơ quan trong cơ thể như da, khớp, thận, máu, tim và thần kinh.
Tổn thương thần kinh trung ương như co giật, rối loạn tri giác, rối loạn tâm thần là một trong những biểu hiện nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Bệnh có thể khởi phát ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ nhỏ.
Vừa qua Khoa Nội Tổng hợp – Bệnh viện Trẻ Em tiếp nhận bệnh nhi nữ 13 tuổi vào viện tình trạng nặng co giật nhiều cơn, tăng huyết áp 200/110 mmHg, trẻ lơ mơ, rối loạn tri giác được làm các xét nghiệm cấp có tổn thương máu, tổn thương thận và tổn thương thần kinh, chẩn đoán: Suy hô hấp/ Co giật/ Tăng huyết áp/ Lupus ban đỏ hệ thống tổn thương phủ tạng nặng.

Dấu hiệu bệnh lupus ban đỏ thể hiện trên mặt - Ảnh BVCC
Sau 20 ngày điều trị tích cực truyền Solumedrol liều cao, thuốc ức chế miễn dịch, hạ áp duy trì, trẻ đã cải thiện dần tình trạng lâm sàng, huyết áp duy trì 110/60 mmHg, hết co giật và khỏe mạnh xuất viện.
Đây là ca bệnh nặng diễn biến phức tạp đòi hỏi các Bác sĩ xử lý nhanh chóng, hội chẩn tuyến trên chuyên sâu, cập nhật các phác đồ điều trị tiên tiến để đem đến hiệu quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Việc phát hiện sớm những biểu hiện bệnh lupus ban đỏ ở trẻ em sẽ giúp ích nhiều cho chẩn đoán và hồi phục của bệnh.
Dấu hiệu cảnh báo sớm lupus ở trẻ em – đừng bỏ qua
Theo ThS.BSCKI Hạp Tiến Lộc, khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, lupus ban đỏ là bệnh lý tự miễn, khi cơ thể bị nhiễm trùng hoặc nhiễm siêu vi sẽ tạo ra kháng thể để chống lại các tác nhân bên ngoài.
Với người bị lupus ban đỏ, bệnh sẽ tạo ra các kháng thể bất thường tấn công ngược lại gây tổn thương đa cơ quan như máu, da, gan, thận, thần kinh, não… có thể dẫn đến tử vong.
Lupus ban đỏ là bệnh mạn tính, không thể chữa dứt điểm, đồng thời có nhiều yếu tố thúc đẩy kích hoạt quá trình tự miễn gây tổn thương cơ quan như tiếp xúc ánh nắng nhiều, bị các bệnh nhiễm trùng cấp, nhiễm siêu vi…

Những triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ - Ảnh BVCC
Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 0,3 – 0,9 trên 100.000 trẻ em mắc bệnh. Nguyên nhân gây bệnh có thể do di truyền từ người thân trong gia đình, tác động của môi trường, giới tính (nữ giới bị nhiều hơn nam)…
Các triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ ở trẻ nhỏ thường là:
- Ban hình cánh bướm trên mặt (vùng mũi và má), nhạy cảm ánh sáng
- Sốt kéo dài trên 7 ngày không rõ nguyên nhân
- Mệt mỏi, chán ăn, sụt cân
- Đau khớp, sưng khớp, đi lại khó khăn
- Rụng tóc nhiều
- Da nhạy cảm với nắng
- Tiểu ít, phù mặt hoặc chân (biểu hiện của tổn thương thận)
- Loét miệng, nổi mẩn da, dễ bầm tím
- Dấu hiệu thần kinh: Đau đầu, co giật, thay đổi tính cách, rối loạn tâm thần.
Hiện nay, chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Bệnh được điều trị bằng cách giảm nhẹ triệu chứng, nếu ở thể nhẹ, trẻ sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc kháng viêm không steroid (hay NSAIDs) để làm dịu đi những cơn đau khớp hoặc corticosteroid nhằm kiểm soát tình trạng viêm, thuốc ức chế miễn dịch…
Khi nào cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa?
- Nếu trẻ có từ 2 dấu hiệu trở lên như sốt kéo dài, phát ban, đau khớp, mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
- Trẻ gái trong độ tuổi dậy thì bị rụng tóc, chậm lớn, kinh nguyệt bất thường.
- Có tiền sử lupus trong gia đình.
Trẻ bị bệnh cần ăn uống khoa học, đảm bảo dinh dưỡng, bổ sung các loại vitamin và khoáng chất như canxi, vitamin C, vitamin D, vitamin A…
Đồng thời vận động thường xuyên, ngủ đủ giấc, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng, uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý tăng giảm liều hoặc ngưng điều trị khi chưa có chỉ định.