Trên công trường đường dây 220 kV: Từ Tương Dương về Nam Cấm

Các đơn vị thi công đường dây 220 kV Tương Dương - Đô Lương và Đô Lương - Nam Cấm đang gần về đích theo tiến độ đặt ra. Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 03, trong những ngày cuối tháng 7 ở Nghệ An mưa rất to và kéo dài làm ngập lụt nặng trên diện rộng, gây rất nhiều khó khăn cho việc thi công công trình.

Anh Nguyễn Duy Chung, Công ty CP Tập đoàn PC1, Phụ trách thi công tuyến đường dây 220 kV Tương Dương - Đô Lương, cho biết, “Các vị trí móng cột 76, 106, 107, 108, 109, 110,111, 115, 150, 158, 159, 160 và 161 do nằm ở những khu vực ruộng nên hầu hết bị ngập nước, tuy nhiên các vị trí này đã hoàn thành đúc móng, lắp dựng cột nên không ảnh hưởng đến thiệt hại. Riêng các vị trí nằm ở khu vực cao thì cơ bản không bị ảnh hưởng”. Còn anh Lê Quang Bảo, Công ty CP Xây lắp điện Hải Phòng, Chỉ huy xây dựng tuyến đường dây Đô Lương- Nam Cấm cho biết: “Do mưa quá to nên các hố móng thiết bị, móng trụ cổng đang thi công dở dang trong ngăn lộ TBA 220kV Đô Lương đều bị ngập, hiện chúng tôi đã cho bơm hút nước và tiếp tục triển khai thi công. Các vị trí ngoài đường dây đã thi công xong phần móng nên không bị hư hại, nhưng phải tạm nghỉ ít nhất cũng 03 ngày do mưa.

Công trường vượt nắng thắng mưa

Dựng cột bất kể thời tiết. Ảnh: CTV

Dựng cột bất kể thời tiết. Ảnh: CTV

Hiện tại ở Nghệ An trời vẫn chợt nắng, chợt mưa. Nắng như đổ lửa và những cơn mưa xối xả chợt đến, chợt đi làm cho khí hậu ở đây vốn dĩ đã khắc nghiệt lại càng khắc nghiệt hơn. Khó khăn vất vả là vậy, nhưng vượt lên tất cả, hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động của Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung và các nhà thầu xây lắp, nhà thầu cung cấp thiết bị, tư vấn thiết kế… vẫn miệt mài với công việc của mình, bởi thời gian còn lại không nhiều, trong khi tiến độ phải hoàn thành đang cận kề. Làm việc với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Tình, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung- đơn vị thay mặt chủ đầu tư, cho biết: “Tuyến đường dây 220kV Tương Dương- Đô Lương và Đô Lương- Nam Cấm được xây dựng căn cứ theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030; văn bản số 1490/TTg-CN ngày 05/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ chương nhập khẩu và phương án đấu nối công suất cụm nhà máy thủy điện Nậm Mô (Lào) và văn bản số 30/TĐMLNM-TBCN ngày 12/05/2021 của Công ty cổ phần thủy điện Mỹ Lý- Nậm Mô về việc chuẩn xác tiến độ đấu nối nhà máy thủy điện Mỹ Lý, Nậm Mô vào hệ thống điện quốc gia; quy chế công tác đầu tư xây dựng áp dụng trong Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và Văn bản số 8941/UBND-CN ngày 17/12/2020 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Nghệ An về việc thỏa thuận hướng tuyến đường dây 220kV Tương Dương- Đô Lương, quyết định số 122/QĐ ngày 11/11/2024 của UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án đường dây 220kV Tương Dương- Đô Lương; ngày 11/11/2024, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định số 123/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án Đô Lương- Nam Cấm …”

Tôi hỏi: “Một công trình sao mà lắm thủ tục vây?”

Anh Tình nói: “Không đơn giản như các anh hiểu đâu. Để xây dựng một công trình đường dây hay trạm biến áp (TBA), trước hết phải căn cứ vào Tổng sơ đồ phát triển lưới điện quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ đó ngành điện mới có chương trình đầu tư phát triển theo hệ thống. Khi chuẩn bị xây dựng một công trình, phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi- đặc biệt là tính đến lợi ích và hiệu quả của công trình sau khi đưa vào vận hành. Khi dự án đã được phê duyệt, thì triển khai sắp xếp nguồn vốn, thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu xây lắp, nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị, rồi văn bản thỏa thuận hướng tuyến của chính quyền địa phương nơi có công trình đi qua, và công tác đền bù, rà phá bom mìn giải phóng mặt bằng…”.

Ép khóa néo. Ảnh: CTV

Ép khóa néo. Ảnh: CTV

Quyết tâm về đích đúng hẹn

Tuyến đường dây 220kV Tương Dương- Đô Lương có chiều dài 80,662km thiết kế 02 mạch với 191 vị trị móng cột, trong đó có 46 vị trị gốc lái. Đi qua địa bàn các huyện cũ cúa tỉnh Nghệ An là: Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương và Đô Lương. Điểm đầu là Cột cổng 220kV tại Trạm biến áp 220kV (TBA) Tương Dương. Công trình được xây dựng nhằm giải tỏa công suất từ Cụm nhà máy Thủy điện Nậm Mô tại Lào, Nhà máy Thủy điện Mỹ Lý, Nậm Mô 1 và các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trong khu vực thông qua TBA 220kV Tương Dương vào hệ thống điện quốc gia, tăng cường độ tin cậy cung cấp điện cho phụ tải ngày càng phát triển của tỉnh Nghệ An và liên kết lưới điện trong khu vực.

Tuyến đường dây 220kV Đô Lương- Nam Cấm có chiều dài 37 km với 105 vị trí mòng cột, được xây dựng mới 02 mạch, trong đó có 4km là 04 mạch. Tuyến này đi qua địa bàn các huyện cũ là: Đô Lương, Nghi Lộc và Hưng Nguyên; nay là các xã Thuần Trung, Bạch Hà, Văn Kiều, Phúc Lộc, Yên Trung, Thần Lĩnh, Nghi Lộc của tỉnh Nghệ An. Tuyến này cùng với việc xây dựng mới tuyến đường dây 220kV 02 mạch từ TBA 220kV Đô Lương đến TBA 220kV Nam Cấm với chiều dài khoảng 35,6 km, là mở rộng ngăn lộ 220kV tại TBA 220kV Đô Lương, lắp đặt thiết bị cho 02 ngăn lộ 220kV hiện hữu trong TBA 220kV Đô Lương và liên kết hệ thống thông tin cho đường dây 220kV Đô Lương- Nam Cấm. Tuyến đường dây được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng cho phụ tải khu vực miền Trung, nơi tập trung một số phụ tải tại cụm công nghiệp quan trọng hiện có và trong tương lai của tỉnh Nghệ An; đồng thời hỗ trợ các tuyến đường dây trong khu vực nhằm tăng cường khả năng vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia, tạo thành mối liên kết mạnh giữa các khu vực trong hệ thống điện, tăng cường khả năng vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia, giảm tổn thất điện năng trong lưới điện truyền tải, tăng hiệu quả sản suất kinh doanh của EVN.

Cột đã dựng xong và kéo dây. Ảnh: CTV

Cột đã dựng xong và kéo dây. Ảnh: CTV

Tuyến đường dây 220kV Tương Dương- Đô Lương được khởi công xây dựng từ tháng 8 năm 2023 và dự kiến sẽ hoàn thành đóng điện vào quý IV/2025. Đây là công trình mà Việt Nam và Lào đã ký nhiều văn bản thỏa thuận hợp tác năng lượng, trong đó Việt Nam sẽ mua điện từ các nhà máy thủy điện của Lào thông qua các đường dây 500kV, 220kV trải dài qua các tỉnh miền Trung để cung cấp điện trực tiếp cho các tỉnh khu vực miền Trung và truyền tải cho miền Bắc thông qua lưới điện 500kV, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giúp bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện, đặc biệt trong bối cảnh nguồn than, khí tự nhiên trong nước đang gặp khó khăn. Đây cũng là công trình góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng biên giới, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực, tăng cường hợp tác chiến lược Việt- Lào, thực hiện cam kết giữa Chính phủ hai nước, thể hiện mối quan hệ "hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện".

Một góc trạm biến áp Tương Dương. Ảnh: CTV

Một góc trạm biến áp Tương Dương. Ảnh: CTV

Tuyến đường dây 220kV Đô Lương- Nam Cấm được khởi công xây dựng từ tháng 02 năm 2025, dự kiến sẽ hoàn thành và đóng điện trong quý IV năm 2025. Như vậy thời gian còn lại không nhiều, trong khi khối lượng công việc còn ngổn ngang bề bộn, nhất là việc dựng cột, kéo dây trong thời tiết khắc nghiệt. Để chạy đua với thời gian, hiện nay trên công trường các nhà thầu như Công ty CP Tập đoàn PC1, Công ty Cổ phần Việt Vương; Công ty Hanaka và Liên danh Cadivi- Đại Long; Công ty Cổ phần Yotek và Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô, cùng với cán bộ, kỹ sư của Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung đang tập trung lực lượng, phương tiện thiết bị, dồn mọi nỗ lực để vượt qua mọi khó khăn nhằm hoàn thành khối lượng công việc còn lại, quyết tâm đưa công trình về đích đúng tiến độ, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mồng hai tháng Chín./.

Phan Sáu và Hoàng Lưu

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tren-cong-truong-duong-day-220-kv-tu-tuong-duong-ve-nam-cam-post1218256.vov