Trên những vùng quê hiếu học xứ Thanh
Dọc dài khắp đất trời quê Thanh, cùng với biết bao nỗ lực, cố gắng của lớp lớp thế hệ cháu con nơi đây đã góp phần bồi đắp và nuôi dưỡng mãi truyền thống, mạch nguồn hiếu học đáng trân trọng, tự hào.
Các em học sinh trên địa bàn huyện Hoằng Hóa hào hứng tìm hiểu về truyền thống hiếu học của quê hương.
Thi Hoằng Hóa...
Hoằng Hóa nay (Cổ Hoằng xưa) là nơi lắng đọng trầm tích lịch sử, “phù sa” văn hóa tự ngàn năm. Và mỗi lần nhắc đến Hoằng Hóa gợi nhớ về vùng quê hiếu học với nhiều nét độc đáo, tiêu biểu của xứ Thanh.
Người Hoằng Hóa, đi đâu về đâu cũng luôn có một niềm tự hào sâu sắc, mãnh liệt về cội nguồn, truyền thống quê hương. Có một điều vô cùng đặc biệt trên đất Hoằng Hóa rằng: Hiếu học, cần học, khổ học không chỉ là đức tính của sĩ tử mà đó là tinh thần chung, mục tiêu, khát vọng của Nhân dân. Ngay cả các bà, các mẹ xưa, dẫu chẳng được học hành cho “đến đầu đến đũa” nhưng vẫn quyết tâm đề cao việc học, nguyện dốc lòng dốc sức giúp chồng con đỗ đạt thành tài. “Nhiều bà mẹ, bà vợ đã mòn chân bên khung dệt canh khuya, tảo tần hôm sớm, mòn chân chạy chợ đường xa, kiếm tiền cho con, cho chồng ăn học... Nhiều cô vợ đã chịu đói, chịu rét, lo cho chồng từng bữa cơm, từng tập giấy, thỏi mực, đĩa dầu. Họ coi sự thành đạt của chồng, niềm vinh quang của chồng như chính của mình vậy”.
Mang theo niềm tự hào về truyền thống hiếu học quê hương, cùng với sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, thế hệ cháu con Hoằng Hóa luôn không ngừng nỗ lực, phấn đấu nuôi dưỡng, thổi bùng lên ngọn lửa hiếu học, khuyến học, khuyến tài. Trong mọi thời kỳ, định hướng, chiến lược phát triển, Hoằng Hóa luôn coi phát triển giáo dục và đào tạo là trọng tâm hàng đầu.
Nếu như trước đây, trong chế độ khoa cử phong kiến, Hoằng Hóa có 48 vị đỗ đại khoa thì đến nay đã có 14 học sinh đạt giải quốc tế và khu vực. Hoằng Hóa có nhiều Viện sĩ, Giáo sư, Phó Giáo sư, với trên 500 tiến sĩ làm công tác nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước; nhiều người thành danh trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, doanh nhân thành đạt; nhiều nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý.
Những năm qua, chất lượng giáo dục mũi nhọn của Hoằng Hóa được giữ vững “phong độ”, nằm trong tốp đầu của tỉnh. Đặc biệt, trong 6 năm liền, huyện luôn dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi cấp THCS. Với nhiệm vụ “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, giáo dục Hoằng Hóa xác định, nguồn nhân lực là một trong những yếu tố then chốt. Do đó, huyện đã tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đến nay, khoảng 95,9% giáo viên các cấp học trên địa bàn huyện đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo. Công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học được quan tâm. Đến nay, toàn huyện có 123/123 trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia...
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, trong đó công tác khuyến học, khuyến tài có vai trò, ý nghĩa quan trọng, tạo động lực phấn đấu, xây dựng xã hội học tập. Ông Đoàn Đăng Khoa, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoằng Hóa nhận định: “Một trong những điều cơ bản, lợi thế và cũng là thành công của huyện Hoằng Hóa trong việc giữ gìn và phát huy được mạch nguồn hiếu học có đóng góp quan trọng từ công tác khuyến học, khuyến tài. Mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, tổ chức, doanh nghiệp... đều tích cực tham gia, chung tay với các cấp, các ngành góp sức đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, góp phần kiến tạo xã hội học tập. Hoằng Hóa tự hào có Quỹ Khuyến học Lê Xuân Lan với 15 năm xây dựng và trưởng thành, nguồn quỹ lớn, hoạt động hiệu quả. Trong suốt 15 năm qua, Quỹ Khuyến học Lê Xuân Lan đã trao thưởng và cấp học bổng cho hàng nghìn lượt học sinh giỏi các cấp, học sinh nghèo vượt khó; ủng hộ, tài trợ các đơn vị, trường học, các quỹ khuyến học trong và ngoài huyện”.
Một trong những dấu ấn đậm nét của huyện Hoằng Hóa mà ít địa phương nào làm được, ngay cả ở những vùng đất học tiêu biểu khác, đó là việc tổ chức thành công Lễ hội Bút Nghiên vào mỗi dịp đầu xuân năm mới. Đây là lễ hội được tổ chức với mục đích tôn vinh, giáo dục truyền thống hiếu học, khuyến học, khuyến tài gắn với phát triển du lịch. Kể từ khi “khai sinh” vào năm 2021 đến nay, lễ hội mới tròn 3 năm tuổi. So với lịch sử, truyền thống khoa bảng, hiếu học của Hoằng Hóa thì “tuổi đời” của lễ hội chưa bằng con số lẻ. Ấy vậy mà, ngay từ lần đầu tiên tổ chức, lễ hội đã thu hút đông đảo sự quan tâm, thích thú, hưởng ứng nhiệt tình của người dân trong vùng và đông đảo du khách thập phương.
...Khóa Đông Sơn
Trong mạch nguồn hiếu học quê Thanh, huyện Đông Sơn góp vào dòng chung một nhánh phù sa màu mỡ, bền bỉ. Song hành với lịch sử hình thành và phát triển quê hương, đất nước, Đông Sơn không ngừng phát triển, trở thành “một trong những trung tâm giáo dục, truyền thống hiếu học vào bậc nhất, nhì xứ Thanh”. Dưới thời phong kiến, “các thầy đồ với tinh thần và tấm lòng của mình cùng sự hiếu học của các tầng lớp Nhân dân đã tạo nên các lớp học ở hầu hết làng, xã. Các lớp học đó không chỉ thu hút học sinh trong địa bàn mà còn thu hút con em các vùng khác về đây học tập. Bên cạnh đó, Đông Sơn lại có lợi thế ngoài trường học của huyện như bao huyện khác trong tỉnh lại có trường học của tỉnh đặt trên địa bàn huyện, nên Đông Sơn trở thành một điển hình về giáo dục của xứ Thanh”. Hầu hết các làng trong huyện đều có hội tư văn, văn chỉ, tập hợp những người học hành đỗ đạt ngoài việc giúp đỡ nhau trong cuộc sống còn cùng nhau cổ súy cho việc học tập của các thế hệ sau.
Về Đông Sơn hôm nay, các thế hệ cháu con nơi đây vẫn thủ thỉ kể cho nhau nghe chuyện về những làng hiếu học, những tấm gương dạy và học tiêu biểu của quê hương với niềm tự hào, kính trọng. Để rồi mạch nguồn ấy tưới tắm tâm hồn, củng cố niềm tin, trở thành động lực lớn lao cho ngành giáo dục và đào tạo Đông Sơn không ngừng nỗ lực, phấn đấu, từng bước gặt hái được những thành tích đáng ghi nhận.
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hằng năm, ngành giáo dục và đào tạo huyện Đông Sơn đã xây dựng và thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ năm học bảo đảm đúng trọng tâm, trọng điểm; tuyên truyền, huy động cộng đồng tham gia xây dựng, phát triển nhà trường; tăng cường công tác phối hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội; đẩy mạnh phong trào thi đua... Giáo dục mầm non tập trung đổi mới nội dung, chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ; xây dựng kế hoạch, lựa chọn các nội dung phù hợp với từng chủ đề, từng độ tuổi, thực hiện tốt chuyên đề “xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025. Đến nay, việc thực hiện Đề án “Xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ 2, bậc học mầm non huyện Đông Sơn giai đoạn 2018-2023” đã cơ bản hoàn thành. Vừa qua, huyện Đông Sơn đón hơn 300 đại biểu của 27 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh về tham quan, học tập ứng dụng phương pháp giáo dục STEM tại Trường Mầm non Đông Hòa và Trường Mầm non Đông Anh. Ở cấp học tiểu học và THCS, các nhà trường đã tập trung đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ phương pháp giảng dạy của giáo viên theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; tăng cường giáo dục đạo đức, truyền thống lịch sử - văn hóa, bồi dưỡng kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm...
Đông Sơn là một trong những huyện được đánh giá cao về chất lượng giáo dục mũi nhọn. Cơ sở vật chất giáo dục được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong tình hình mới. Đông Sơn là huyện nằm trong tốp đầu toàn tỉnh về xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đến nay, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia trong huyện là 37/38 trường, đạt 97,36%. Trong đó, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt mức độ 2 là 20/38 trường, đạt 52,6%, vượt 2,6% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đông Sơn lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025. Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Đông Sơn - Đặng Thị Mai Anh hào hứng chia sẻ: Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đồng thời gắn với thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Đông Sơn là một trong những huyện đi đầu của tỉnh trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động giáo dục. 100% lớp học, từ bậc mầm non đến tiểu học, THCS đều được đầu tư phòng học thông minh... Bằng cách sử dụng các thiết bị này mà việc dạy và học sẽ trở nên sinh động, hấp dẫn, tăng tương tác, trực quan...
Thời gian tới, Đông Sơn tiếp tục đầu tư thêm phòng học thông minh cho các trường; đẩy mạnh hoạt động kỹ năng sống cho học sinh; xây dựng trường học hạnh phúc, lấy học sinh làm trung tâm; tích cực bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên...
Những kết quả đạt được của ngành giáo dục và đào tạo Đông Sơn, Hoằng Hóa là quá trình bền bỉ gìn giữ, phát huy mạch nguồn truyền thống cùng sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành; sự năng động, sáng tạo, phấn đấu của các thế hệ thầy - trò... Những làng quê hiếu học không phải bỗng nhiên mà có, ngẫu nhiên mà thành. Đó là sự tổng hòa của nhiều yếu tố mà con người (người dạy và người học) vẫn luôn là trung tâm, vốn quý.
Bài viết sử dụng tư liệu trong các cuốn sách: “Địa chí Văn hóa Hoằng Hóa” (Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội); “Địa chí huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa” (Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội).