Tri ân quá khứ, gửi khát vọng đến tương lai

Ngày 23/7, tại Lễ công bố và gặp mặt báo chí sự kiện 'Tự hào tổ quốc tôi', Ban Tổ chức và thành viên Ban Giám khảo đã có những trao đổi với phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí xung quanh nội dung thể lệ của cuộc vận động sáng tác 'Viết tiếp câu chuyện tự hào' năm 2025.

Mỗi người dân đều có thể kể câu chuyện yêu nước

Sự kiện “Tự hào Tổ quốc tôi” gồm chuỗi sự kiện về “Hành trình báo công” nơi địa đầu Tổ quốc và cuộc vận động sáng tác “Viết tiếp câu chuyện tự hào” năm 2025.

Mở đầu cuộc trao đổi với Ban Tổ chức sự kiện, phóng viên Vũ Quang (Báo Pháp luật Việt Nam) đặt câu hỏi: Cơ cấu giải thưởng liệu có ưu tiên cho trẻ nhỏ và người cao tuổi - những nhóm gặp hạn chế khi sáng tác nhưng lại có nhiều trải nghiệm và ký ức quý giá?

Phóng viên Vũ Quang (Báo Pháp luật Việt Nam) đặt câu hỏi với ban Tổ chức sự kiện. Ảnh: Quang Vinh

Phóng viên Vũ Quang (Báo Pháp luật Việt Nam) đặt câu hỏi với ban Tổ chức sự kiện. Ảnh: Quang Vinh

Đại diện Ban Tổ chức, bà Phan Minh Thu - Nhà sáng lập Senplus, Phó trưởng Ban tổ chức sự kiện, Phó Ban Giám khảo cuộc vận động sáng tác cho biết, ngay từ khi xây dựng thể lệ, Ban Tổ chức đã dành sự cân nhắc rất kỹ lưỡng cho cơ cấu giải thưởng - sao cho có thể bao quát các tầng lớp nhân dân, từ “nam phụ lão ấu” đến “sĩ nông công thương”. Chúng tôi hiểu rằng mỗi lứa tuổi, mỗi nhóm xã hội đều có cách riêng để tiếp cận với ký ức, với lòng yêu nước, và đều xứng đáng có cơ hội cất lên tiếng nói của mình.

Bà Phan Minh Thu - Nhà sáng lập Senplus, Phó trưởng Ban tổ chức sự kiện, Phó Ban Giám khảo cuộc vận động sáng tác trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Quang Vinh

Bà Phan Minh Thu - Nhà sáng lập Senplus, Phó trưởng Ban tổ chức sự kiện, Phó Ban Giám khảo cuộc vận động sáng tác trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Quang Vinh

Việc có đến 25 giải thưởng ở nhiều hạng mục phản ánh đúng tinh thần “không giới hạn, không phân biệt” - chỉ cần bạn có cảm xúc chân thành và thể hiện đúng tinh thần cuộc thi. Giám khảo sẽ làm việc với sự công tâm và linh hoạt, có cân nhắc đến đặc thù của từng nhóm đối tượng.

Ban Tổ chức và Ban Giám khảo cuộc thi đặc biệt đặt kỳ vọng vào giải thưởng số - một sân chơi hấp dẫn với thế hệ Gen Z, những người đang kể câu chuyện yêu nước bằng ngôn ngữ công nghệ. Chúng tôi không dám “áp số”, nhưng đang hướng tới mục tiêu 10.000 tác phẩm dự thi, cả viết tay, đánh máy lẫn video, đồ họa. Mạng xã hội không chỉ là nơi lan tỏa, mà còn là kho dữ liệu sống động, giàu cảm xúc về lòng yêu nước.

Sự kiện này ra đời cũng từ chính nỗi trăn trở đó - khi chúng tôi nhìn thấy hàng trăm nghìn bài đăng về kỷ niệm 50 Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước trên các nền tảng số. Đó là một hệ sinh thái cảm xúc khổng lồ, nơi người dân tự nguyện kể lại những ký ức, thể hiện tự hào dân tộc. Cuộc thi là cách chúng tôi ghi nhận, tập hợp và nâng tầm những điều đẹp đẽ ấy.

Phóng viên Hoàng Linh (Báo Cựu chiến binh Việt Nam) đặt câu hỏi với Ban Tổ chức. Ảnh: Quang Vinh

Phóng viên Hoàng Linh (Báo Cựu chiến binh Việt Nam) đặt câu hỏi với Ban Tổ chức. Ảnh: Quang Vinh

Trả lời câu hỏi của phóng viên Hoàng Linh (Báo Cựu chiến binh Việt Nam): Đối tượng nào được Ban Tổ chức đặc biệt khuyến khích tham gia cuộc vận động lần này? Đại tá, nhà báo Nguyễn Minh Sơn, Ban Tuyên giáo-Phong trào, Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, thành viên Ban Giám khảo cho rằng, đây là một hoạt động mang đậm tính tri ân, rất giàu giá trị nhân văn và văn hóa. Từ góc nhìn cá nhân, tôi đặc biệt kỳ vọng vào sự tham gia của các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, cựu công an - những người từng đi qua chiến tranh, mang trong mình những hồi ức rất đỗi chân thực, sâu sắc về một thời đại hào hùng.

Đại tá, nhà báo Nguyễn Minh Sơn, Ban Tuyên giáo-Phong trào, Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, thành viên Ban Giám khảo trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Quang Vinh

Đại tá, nhà báo Nguyễn Minh Sơn, Ban Tuyên giáo-Phong trào, Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, thành viên Ban Giám khảo trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Quang Vinh

Ngoài ra, thể lệ cũng ưu tiên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị, bởi đó là trách nhiệm chính trị và cũng là sứ mệnh truyền cảm hứng. Chúng tôi mong muốn cuộc thi trở thành cầu nối giữa các thế hệ, giúp người trẻ hôm nay - thế hệ của tương lai - cảm và hiểu về những giá trị đã làm nên đất nước.

Bác Hồ từng nói: “Giáo dục thế hệ trẻ là nhiệm vụ của chúng ta”. Những bài viết, tác phẩm hôm nay không chỉ để kể lại, mà còn là cách để trao truyền tinh thần yêu nước qua thời gian. Dù là nhóm ưu tiên, nhưng mọi tác phẩm đều phải tuân thủ đúng thể lệ và tiêu chí nghệ thuật, bởi sự công bằng và chất lượng là yếu tố cốt lõi.

Lời tri ân chân thành đến những người đã ngã xuống vì Tổ quốc

Một trong những điểm nhấn của sự kiện “Tự hào tổ quốc tôi” là “Hành trình báo công” sẽ diễn ra tại những điểm sau: Mũi Đôi (Khánh Hòa); A Pa Chải (Điện Biên); Mũi Cà Mau (Cà Mau); Cột Cờ Lũng Cú (Tuyên Quang).

Phóng viên Hà Nam (VOV) đặt câu hỏi với Ban Tổ chức. Ảnh: Quang Vinh

Phóng viên Hà Nam (VOV) đặt câu hỏi với Ban Tổ chức. Ảnh: Quang Vinh

Liên quan tới câu hỏi của phóng viên Hà Nam (VOV) về ý nghĩa của các hoạt động báo công tại các địa danh thiêng liêng của Tổ quốc và các tác phẩm dự thi sẽ được sử dụng như thế nào sau cuộc thi; nhà báo Nguyễn Văn Dũng - Phó Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết, Trưởng Ban Tổ chức sự kiện, Trưởng Ban Giám khảo cuộc vận động sáng tác cho biết, việc tổ chức các hoạt động tại những địa danh linh thiêng không đơn thuần là nghi lễ, mà để tạo ra sự cộng hưởng cảm xúc.

Đó là lời tri ân chân thành đến những người đã ngã xuống, những chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ biên cương, đồng thời cũng là lời hiệu triệu cho thế hệ hôm nay - rằng từng dòng viết, từng video có thể mang sức mạnh kết nối dân tộc.

Nhà báo Nguyễn Văn Dũng - Phó Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết, Trưởng Ban Tổ chức sự kiện, Trưởng Ban Giám khảo cuộc vận động sáng tác trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Quang Vinh

Nhà báo Nguyễn Văn Dũng - Phó Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết, Trưởng Ban Tổ chức sự kiện, Trưởng Ban Giám khảo cuộc vận động sáng tác trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Quang Vinh

Cuộc thi là dịp để đông đảo nhân dân, từ thành thị tới nông thôn, từ sinh viên đến cựu binh, cùng kể lại câu chuyện tự hào của chính mình, để những điều tưởng như nhỏ bé, đời thường ấy được chạm đến trái tim hàng triệu người.

Sau cuộc thi, những tác phẩm xuất sắc sẽ không dừng lại ở một trang giấy hay một buổi lễ trao giải. Ban Tổ chức dự kiến biên soạn, tuyển chọn và sử dụng cho mục đích tuyên truyền sâu rộng, làm tài liệu giáo dục, lan tỏa trên báo chí và mạng xã hội. Các bài viết sẽ sống tiếp trong đời sống văn hóa cộng đồng, trở thành di sản ký ức hiện đại mà ai cũng có thể tiếp cận, học hỏi và tự hào.

Phóng viên Anh Văn (VTC News) đặt câu hỏi Ban Tổ chức. Ảnh: Quang Vinh

Phóng viên Anh Văn (VTC News) đặt câu hỏi Ban Tổ chức. Ảnh: Quang Vinh

Trả lời câu hỏi Hội đồng Giám khảo đánh giá cao điều gì ở các tác phẩm dự thi của phóng viên Anh Văn (VTC News), bà Phan Minh Thu Nhà sáng lập Senplus, Phó trưởng Ban tổ chức sự kiện, Phó Ban Giám khảo cuộc vận động sáng tác chia sẻ, hãy viết như một người Việt Nam - bằng cảm xúc thật và trách nhiệm với lịch sử. Tôi từng nói với các đồng nghiệp, nếu trong thời điểm thiêng liêng này, chúng ta không làm gì cả thì thật đáng tiếc. Mỗi gia đình đều có một câu chuyện tự hào. Mỗi người dân đều đang sống giữa hòa bình, độc lập, vậy thì ta cảm thấy gì? Yêu điều gì? Trân trọng điều gì?

Các thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo Cuộc vận động sáng tác Viết tiếp câu chuyện tự hào chụp ảnh lưu niệm với các khách mời và đơn vị phối hợp truyền thông. Ảnh: Quang Vinh

Các thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo Cuộc vận động sáng tác Viết tiếp câu chuyện tự hào chụp ảnh lưu niệm với các khách mời và đơn vị phối hợp truyền thông. Ảnh: Quang Vinh

Bạn không nhất thiết phải biết rõ về chiến tranh, nhưng bạn hoàn toàn có thể cảm nhận được giá trị của hòa bình, và đó là điều mà giám khảo kỳ vọng nhất: sự chân thành, sự gắn bó với đất nước từ những điều bình dị.

Hãy viết như một hành động tri ân, như một lời cảm ơn với quá khứ, một sự nâng niu hiện tại và một khát vọng gửi đến tương lai. Nếu bạn không thể đến những vùng địa đầu tổ quốc, thì hãy viết từ nơi bạn đang sống, từ nơi bạn được truyền cảm hứng nhất. Chúng tôi không tìm kiếm những “tác phẩm hoàn hảo”, mà mong muốn tìm thấy những tâm hồn Việt Nam chân thật qua mỗi câu chữ, mỗi hình ảnh, mỗi khung hình.

Cũng trong khuôn khổ lễ công bố & gặp gỡ báo chí, khởi động sự kiện "Tự hào Tổ Quốc tôi", Ban Tổ chức ghi nhận sự đồng hành của nhiều cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp tâm huyết như: Đại sứ của sự kiện:

- Đại sứ của sự kiện Tự hào Tổ quốc tôi: Anh Hoàng Nam Tiến, tác giả cuốn sách Thư cho em.
- Các đơn vị đồng hành truyền thông:
1. Tiktok Việt Nam (TikTokVN)
2. Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA)
3. Công ty Cổ phần Thương mại và Truyền thông Sunny Việt Nam (Sunny Việt Nam Group)
- Các đơn vị đồng hành:
4. Công ty Cổ phần Sách Alpha (Alpha Books)
5. Công ty Cổ phần Sản Phẩm Thiên Nhiên và Hữu Cơ ONA GLOBAL (Thương hiệu Cỏ Cây Hoa Lá)
6. Công ty Cổ phần Tư vấn & Phát triển Thương hiệu C-STAR (C-STAR)
7. Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển SAO BẮC (Sao Bắc)
8. Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương Mại Việt Tú (Thương hiệu Trà Việt Tú)

Ngô Hùng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tri-an-qua-khu-gui-khat-vong-den-tuong-lai-10311030.html