Triển khai TOD với metro số 1 và vành đai 3, TP.HCM
Sở GTVT TP đề xuất triển khai đấu giá đất ở một số dự án để triển khai mô hình TOD mà Nghị quyết 98 cho phép.
Ngày 11-8, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm chủ trì buổi góp ý kế hoạch triển khai Đề án thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) trên địa bàn TP. Nhiều sở, ngành, địa phương rất quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để khai thác hiệu quả từ TOD.
Triển khai TOD theo bảy bước
Ông Trần Quang Lâm cho biết TP đã nghiên cứu TOD từ nhiều năm nay. Nghị quyết (NQ) 98 cho phép TP được triển khai thí điểm mô hình TOD với nhiều cơ chế thuận lợi nên cần bắt tay vào làm ngay.
Hiện UBND TP đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát quy hoạch những khu vực có thể làm TOD. Cần xác định TOD phải gắn với các đầu mối giao thông nên các đầu mối phải hình thành trước hoặc song song thì mới hiệu quả, không thể hình thành các khu đô thị xong mới triển khai các tuyến đường sắt đô thị hay cao tốc.
Do đó, việc thí điểm mô hình TOD sẽ được triển khai dọc các dự án như đường vành đai 3, tuyến metro số 1, tuyến số 31, 3b… bởi các dự án này đã được nghiên cứu hướng tuyến, sơ bộ đã xác định được vị trí các nhà ga để triển khai. Trên cơ sở các đầu mối giao thông sẽ hình thành những khu đô thị mới với nhiều chức năng hỗn hợp.
Cơ chế này là điều kiện để TP điều chỉnh quy hoạch, thu hồi, đấu giá đất vùng phụ cận các đầu mối giao thông lớn để phát triển khu đô thị mới với mật độ dân cư đông, hạ tầng đồng bộ. Mô hình cũng giúp khai thác tối đa hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn. Hiện Sở GTVT đề xuất trình tự thực hiện TOD theo bảy bước.
Cụ thể, bước 1 là xác định đầu mối giao thông tập trung có thể hình thành TOD. Bước 2 xác định phạm vi vùng phụ cận của khu vực nhà ga tuyến đường sắt, nút giao đường vành đai 3. Từ đó, rà soát quỹ đất, đánh giá hiện trạng kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật liên quan. Bước 3 sẽ tổ chức điều chỉnh cục bộ quy hoạch (nếu có).
Bước 4 đề xuất dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, bao gồm đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối.
Bước 5 sẽ tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi/báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình HĐND TP phê duyệt.
Bước 6 là tổ chức triển khai dự án. Bước 7 tổ chức đấu giá đất, lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển - đô thị, thương mại, dịch vụ theo quy định.
Sở QH-KT đã nghiên cứu mô hình TOD nhiều năm nay. Khi tổ chức thực hiện sẽ có nhiều vấn đề liên quan đến các quận, huyện, thu hồi sử dụng đất, đấu giá đất. Việc Sở GTVT đề xuất áp dụng ngay với tuyến metro số 1 và đường vành đai 3 trong ba tháng tới theo mô hình TOD sẽ khó khả thi. Lý do là dọc khu vực hai dự án này đã có hệ thống công trình, khu dân cư dày đặc. Việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch sẽ mất thời gian.
Triển khai ngay với những dự án pháp lý rõ ràng
Ông Trần Quang Lâm cho biết sở cũng đề xuất thực hiện theo hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ thí điểm mô hình TOD tại các khu vực vùng phụ cận đầu mối giao thông tập trung của các nhà ga của tuyến metro số 1 và tại các nút giao thông thuộc đường vành đai 3.
Ở giai đoạn 2, TP sẽ triển khai tại các đầu mối giao thông của các tuyến đường sắt đô thị gắn với Kết luận 49 của Bộ Chính trị. Hiện nay, tuyến metro số 2 đã có cơ sở pháp lý rõ ràng, vị trí các nhà ga đầu mối đã được xác định trong dự án đầu tư được phê duyệt. Tuy nhiên, theo tiến độ thì đến năm 2030 dự án mới hoàn thành xây dựng. Các tuyến đường sắt đô thị còn lại đang trong giai đoạn nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư.
“Sở GTVT sẽ đề xuất đưa tuyến metro số 2 vào triển khai ngay tại giai đoạn 1. Trước mắt, chúng ta phải bắt tay và xây dựng đề án, nghiên cứu làm TOD ngay với tuyến metro số 1, đường vành đai 3. Hiện NQ98 đã cho phép TP làm, chúng ta cần xây dựng kế hoạch bài bản, phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý đường sắt đô thị” - ông Lâm chia sẻ.
Phía đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR) cũng đánh giá đây là chủ trương quan trọng, khi triển khai sẽ phải qua nhiều bước. MAUR mong muốn được tham gia và đồng hành cùng Sở GTVT để phát triển đề án và hiện thực hóa mô hình này.
Hiện các địa phương đã vào cuộc rất nhanh, quyết liệt qua việc rà soát quỹ đất, đây là tiềm năng và cơ hội của TP. Cơ bản các địa phương đã thống nhất với bảy bước, hai giai đoạn như trên, Sở GTVT sẽ hoàn chỉnh và trình UBND TP sớm nhất. Tiếp đó, sở sẽ báo cáo TP để triển khai một số dự án tương tự như đường vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và cả nguồn kinh phí cho các quận, huyện lập đề xuất và có cơ sở triển khai.•
Đề xuất thuê đơn vị tư vấn có kinh nghiệm về TOD
Sau buổi làm việc này, Sở GTVT sẽ tổng hợp và kiến nghị UBND TP nhiều vấn đề. Trong đó, chấp thuận nguyên tắc, trình tự thực hiện dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị theo đề xuất của sở. Bên cạnh đó, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án thí điểm TOD theo đề xuất của sở.
Đồng thời, kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương cho Sở GTVT thuê đơn vị tư vấn (trong đó có thuê chuyên gia nước ngoài) có chức năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, thiết kế đô thị, hạ tầng giao thông để tổ chức lập đề án TOD. Kinh phí thực hiện từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách TP bổ sung cho Sở GTVT.
Nguồn PLO: https://plo.vn/trien-khai-tod-voi-metro-so-1-va-vanh-dai-3-tphcm-post746478.html