Trình diễn tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ: Nỗi lo biến tướng

Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn...; là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt. Hiện nay, có nhiều nơi đưa tín ngưỡng này lên sân khấu, tổ chức trình diễn để quảng bá về giá trị của di sản, nhưng làm thế nào để giữ được hồn cốt của di sản là một câu chuyện cần bàn.

Từ trải nghiệm văn hóa...

Trưng bày tín ngưỡng thờ Mẫu tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam giới thiệu những giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thông qua tiếng nói, trải nghiệm của người dân theo đạo Mẫu ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, góp phần nâng cao hiểu biết về một tín ngưỡng dân gian đặc sắc, có sức sống lâu bền của người Việt. Mới đây, Bảo tàng Phụ nữ tổ chức chương trình trải nghiệm văn hóa "Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm - Đẹp - Vui".

Với thời lượng 90 phút, chương trình đã đưa khán giả đến nhiều cung bậc cảm xúc về nét đẹp trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, thông qua một không gian trải nghiệm sinh động với nhạc cụ, âm thanh trong nghi thức hầu đồng và phần trình diễn đặc sắc về khăn chầu, áo ngự, cùng phần diễn xướng giá hầu.

Giới thiệu khăn chầu áo ngự trong tín ngưỡng thờ Mẫu.

Giới thiệu khăn chầu áo ngự trong tín ngưỡng thờ Mẫu.

Tổng đạo diễn Nguyễn Xuân Thanh Tùng cho hay, chương trình trải nghiệm văn hóa được diễn ra ngay tại không gian trưng bày chuyên đề về tín ngưỡng thờ Mẫu của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Chương trình giới thiệu những giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thông qua tiếng nói, trải nghiệm của người dân theo đạo Mẫu ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, góp phần nâng cao hiểu biết về một tín ngưỡng dân gian đặc sắc, có sức sống lâu bền của người Việt. Trưng bày gồm 4 chủ đề: Mẫu - Tâm - Đẹp - Vui tương ứng với 4 màu đặc trưng của Tứ Phủ: Màu đỏ (Thiên Phủ - miền trời), màu trắng (Thoải Phủ - miền nước), màu vàng (Địa Phủ - miền đất) và màu xanh (Nhạc Phủ - miền rừng).

Theo ông Nguyễn Xuân Thanh Tùng, tín ngưỡng thờ Mẫu gắn liền với lịch sử dân tộc Việt Nam qua những nhân vật vừa mang màu sắc huyền thoại, truyền thuyết, vừa có bóng dáng trong lịch sử. Qua quá trình hình thành và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu đã tích hợp nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, nổi bật là phản ánh truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" khi phần lớn các vị thánh trong điện thờ Tứ Phủ là những người có công với đất nước. Tuy nhiên, không phải người Việt nào cũng hiểu tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi thức hầu đồng là gì, sự chuẩn mực trong lời văn tiếng hát hay trên đường nét hoa văn trang phục thực hành nghi thức ra sao... Chính điều này đã thôi thúc những người thực hiện xây dựng chương trình trải nghiệm văn hóa "Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm - Đẹp - Vui".

Hầu đồng không chỉ tạo nên một không gian tâm linh huyền bí mà còn thể hiện được nét uy nghi, cũng như niềm hân hoan và vẻ đẹp trong sáng của người Việt trong một thế giới văn hóa đa sắc màu. "Hầu đồng là nghi lễ chính mang tính nghệ thuật sân khấu trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Những người lên đồng (hay còn gọi là thanh đồng) hóa thân thành các vị thánh thể hiện sắc diện và động tác đặc trưng trong không gian văn hóa thiêng của buổi lễ. Người tham dự trải nghiệm, cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp của các vị thánh, ngắm nhìn những bộ trang phục lộng lẫy, nghe hát văn về sự tích, công trạng của các vị anh hùng dân tộc trong không gian nghi lễ với nhiều sắc màu rực rỡ", ông Tùng nhấn mạnh.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đức Hiển với vai trò phụ trách chuyên môn và trực tiếp tham gia diễn xướng cho biết, tiêu chí xây dựng chương trình là phải đảm bảo tính thiêng, sự uy nghi của các vị thánh, thần, đồng thời có tính nghệ thuật, diễn tả được giá trị cốt lõi của tín ngưỡng. "Khi diễn xướng, chúng tôi cố gắng kết hợp hài hòa giữa hầu theo lối cổ và thể hiện những tinh hoa nghệ thuật. Từ biểu cảm gương mặt, động tác đến âm nhạc đều đậm đặc tính nghệ thuật. Đặc biệt, trang phục dù vẫn được thiết kế theo lối cổ nhưng đã được kết hợp thêm một chút yếu tố đương đại để tạo sự gắn kết gần gũi với công chúng hiện đại, nhất là thế hệ trẻ hôm nay".

Nếu chương trình nhận được sự hưởng ứng của khách nước ngoài, TS, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đức Hiển sẽ thuyết minh nội dung cho khách bằng tiếng Anh, góp phần quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam.

...đến nỗi lo biến tướng

Nỗ lực của Bảo tàng Phụ nữ đáng ghi nhận, nhưng với một di sản đặc thù như tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, nếu làm không đúng sẽ khiến di sản bị méo mó, lệch lạc, thậm chí là biến tướng. (Thực tế, việc thực hành di sản này đã có rất nhiều biến tướng). Việc tiến hành sân khấu hóa vô tình khiến cho tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ bị "biến dạng" và mất đi giá trị đích thực vì nhiều người dễ bị nhầm lẫn giữa việc mô phỏng tín ngưỡng với việc thực hành chuẩn tại không gian điện thờ.

Nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển thực hành diễn xướng hầu đồng.

Nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển thực hành diễn xướng hầu đồng.

GS.TS Nguyễn Chí Bền nhận định, việc sân khấu hóa di sản để quảng bá rộng hơn cho du khách, người dân những nét đẹp của Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ không hẳn là điều xấu. Tuy nhiên, các đơn vị thực hiện cần phải có sự rõ ràng trong việc giới thiệu với công chúng rằng, những gì trên sân khấu chỉ là mô phỏng, diễn lại, chứ không phải là nguyên bản của một buổi thực hành tín ngưỡng. Nếu việc sân khấu hóa không được làm thận trọng thì sẽ dẫn đến sự hiểu lầm, thương mại hóa tín ngưỡng.

TS Lê Y Linh, tác giả cuốn sách khảo cứu "Nguyễn Văn Kiêm và trăm năm Hầu bóng - Nhạc - Văn" mới xuất bản thẳng thắn chia sẻ: "Việc sân khấu hóa, mang hầu đồng ra biểu diễn là không phù hợp với bản chất của di sản. Di sản tín ngưỡng thờ Mẫu không thể mang lên sân khấu trình diễn bởi đây là một thực hành tín ngưỡng chứ không phải một hình thức diễn xướng dân gian".

Theo chị, khi nó được sân khấu hóa bởi những người ngoại đạo tập thuộc mươi điệu múa, mấy bài hát văn và mươi cử chỉ mặc áo quần lên trình diễn mấy vấn hầu không thể gọi là đại diện cho nghi lễ, lại càng không thể nói rằng đang giới thiệu và quảng bá cho di sản, thậm chí phản tác dụng vì nghi lễ hầu đồng không chỉ giới hạn ở những thuộc tính vật chất quá phiến diện này. "Theo tôi là không thể mang ra trình diễn dưới bất cứ hình thức nào vì làm sao có thể giữ được hồn cốt (tôi không cố ý chơi chữ ở đây) của di sản, tức đồng nghĩa với việc di sản bị biến tướng", chị nhấn mạnh.

TS Lê Y Linh cho rằng, chúng ta vẫn có những cách để giới thiệu hầu đồng với công chúng. Ví dụ như trong một bảo tàng, chúng ta có thể tái hiện lại không gian một điện thờ với giải thích cặn kẽ về điện thần, về nghi lễ, về âm nhạc. Chúng ta có thể làm triển lãm trang phục, có thể phát âm nhạc với những bản hát văn do các cung văn đã được nhà đạo rộng rãi công nhận hát, có thể trình chiếu những bộ phim làm về nghi lễ từ hầu đồng cổ đến nay... Và, nhất nhất phải tham khảo ý kiến những người có uy tín trong cộng đồng tín ngưỡng và các nhà nghiên cứu để đưa ra một tài liệu giải thích có căn cứ, cặn kẽ, dễ hiểu. Như vậy thì mới đảm bảo được vai trò quảng bá cho công chúng ngoại đạo được tiếp cận với nghi lễ một cách chính xác, đấy mới là giới thiệu về nó, quảng bá về nó. "Cái cần tuyệt đối tránh là sự sao chép thô thiển một số trường đoạn "bắt mắt", "câu khách" và khoác cho nó chức năng "giới thiệu" về tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ hầu đồng.

Theo TS Lê Y Linh, một trường hợp ngoại lệ ở đây hoàn toàn có thể làm là các tác giả cũng có thể lấy cảm hứng hoặc sử dụng một vài chất liệu của các nhân tố nghệ thuật nhạc và múa trong nghi lễ hầu đồng để sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật mới hoàn toàn. Và, phải làm cho hay... thì sẽ thành nghệ thuật. Nhưng. câu chuyện này đã sang một lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật khác, thậm chí nhiều lĩnh vực khác.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/trinh-dien-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-noi-lo-bien-tuong-i734914/