Trình Quốc hội thông qua Luật Tiết kiệm, chống lãng phí tại Kỳ họp thứ 10
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung 4 dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10, trong đó có Dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí.

Quang cảnh phiên họp sáng 10/7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung 4 dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10, trong đó có Dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế).
Trước đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung 4 dự án Luật vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) gồm: Dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế); Dự án Luật An ninh mạng; Dự án Luật Thương mại điện tử; Dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế).
Trong đó, dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế) có phạm vi điều chỉnh bao gồm quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước, vốn đầu tư công, tài sản công, lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, năng lượng; hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Đối tượng áp dụng gồm các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến quản lý, sử dụng các nguồn lực này.
Nội dung chính của dự án là thể chế hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị để hướng tới xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Bổ sung quy định về “Ngày toàn dân tiết kiệm, chống lãng phí” là ngày 31/5 hằng năm; Bổ sung quy định về việc lồng ghép nội dung giáo dục về tiết kiệm, chống lãng phí trong hệ thống giáo dục quốc dân để hình thành văn hóa, nhận thức về tiết kiệm, chống lãng phí trong Nhân dân; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, phát hiện, xử lý đối với các hành vi lãng phí...
Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết bổ sung 4 dự án Luật này vào Chương trình lập pháp năm 2025.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực của Chính phủ trong việc đề nghị bổ sung 4 dự án Luật, gồm: Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Thương mại điện tử; Luật Giám định tư pháp (sửa đổi) vào Chương trình lập pháp năm 2025.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với Tờ trình của Chính phủ về đề xuất xây dựng 2 dự án Luật Giám định tư pháp (sửa đổi) và Luật An ninh mạng theo trình tự, thủ tục rút gọn, và 2 dự án Luật còn lại áp dụng theo trình tự, thủ tục thông thường.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu để các dự án Luật đảm bảo tính thống nhất, dễ thực hiện và phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.