Trông chờ tháo gỡ rào cản để doanh nghiệp Việt tự chủ công nghệ

Nghịch lý đang thể hiện rõ ở ngành điện trong chính sách và thủ tục đấu thầu dẫn tới nhập khẩu 100% thiết bị đóng cắt điện. Đây cũng là bài học chung để khâu chính sách điều chỉnh phù hợp, có khung pháp lý kịp thời nhằm tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp Việt tự chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo và xem đây là thời điểm thích hợp giảm phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu.

Ông Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc CTCP Điện Trường Giang (TGE), nêu ra một nghịch lý hiện nay là tại sao Việt Nam vẫn nhập khẩu 100% thiết bị đóng cắt điện? Và rõ ràng đây là nghịch lý lớn nhất của ngành điện lực Việt Nam.

Nghịch lý nhìn từ ngành điện

Như băn khoăn của ông Thông, đó là chi phí nhập khẩu quá lớn. Việt Nam chi hơn 1 tỷ USD/năm để nhập thiết bị điện đóng cắt cao thế và trung thế và hạ thế. Điều này được nêu trong dữ liệu thương mại trên trang web WITS của Ngân hàng Thế giới (WB) trong phần thống kê thương mại, cụ thể là ở các trang sản phẩm cho mã HS 8535, 8536 và 8537.

Nghịch lý trong ngành điện Việt Nam là vẫn nhập khẩu 100% thiết bị đóng cắt điện, đấu thầu có thiên vị thương hiệu ngoại.

Nghịch lý trong ngành điện Việt Nam là vẫn nhập khẩu 100% thiết bị đóng cắt điện, đấu thầu có thiên vị thương hiệu ngoại.

Câu hỏi đặt ra là nghịch lý xảy ra ở đâu? theo vị giám đốc này, sản phẩm Việt chất lượng tương đương, giá thành hợp lý hơn, nhưng lại không được sử dụng rộng rãi trong chính các dự án tại đất nước mình. Nguyên nhân là do rào cản từ chính sách và thủ tục đấu thầu.

“Điều này dẫn tới hệ quả rủi ro là phụ thuộc nhập khẩu, làm mất chủ động năng lượng quốc gia. Rủi ro từ nhiều yếu tố, đứt gãy chuỗi cung ứng. Chậm tiến trình tự chủ công nghệ, làm mất cơ hội công nghiệp hóa”, ông Thông chỉ rõ.

Không riêng gì bức xúc của vị giám đốc nêu trên, cơ hội của nhiều doanh nghiệp (DN) Việt đã bị tuột khỏi tầm tay từ những rào cản, nghịch lý như vậy. Nhất là với những DN nội địa có năng lực thật sự nhưng bị loại từ trong vòng đầu tiên của đấu thầu. Và rào cản có thể thấy rõ là không nằm ở chất lượng mà đang nằm ở quy định.

Như phản ánh của một số DN trong ngành điện, rào cản từ việc yêu cầu đấu thầu thiên vị thương hiệu ngoại. Hồ sơ mời thầu thường yêu cầu thông số kỹ thuật hoặc kinh nghiệm cung cấp (dự án lớn, nhà máy điện) phù hợp với thương hiệu ngoại, loại gián tiếp sản phẩm nội địa. Hoặc là yêu cầu thử nghiệm không cần thiết tạo rào cản kỹ thuật.

Cụ thể như trường hợp của TGE dù sản phẩm có chứng nhận KEMA, ASTA và chất lượng như các hãng Châu Âu...nhưng vẫn khó sử dụng tại thị trường Việt Nam.

Đó là chưa kể vấn đề không có cơ chế ưu tiên sản phẩm nội địa. Như lưu ý của ông Nguyễn Ngọc Thông, Luật Đấu thầu 2023 đã có quy định ưu tiên sản phẩm sản xuất trong nước, nhưng trong thực tế, hồ sơ mời thầu của EVN vẫn thiếu các tiêu chí cụ thể để đánh giá ưu tiên.

“Nhất là không có cơ chế đặt hàng trước rõ ràng (offtake agreement), cũng như các cơ chế hỗ trợ khác hỗ trợ sản xuất trong nước như Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước khác đã làm. Điều này khiến các DN Việt khó phát triển và khó cạnh tranh với các công ty nước ngoài, tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài, hạn chế sự phát triển của DN Việt Nam”, ông Thông nói.

Ngoài ra, như băn khoăn của các DN trong ngành điện, chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) cao nhưng lại không được hỗ trợ. Trên thực tế, chi phí thử nghiệm quốc tế cao, kết quả thử nghiệm tại phòng thí nghiệm trong nước (như Quatest) lại không được công nhận, buộc DN kiểm định quốc tế (KEMA, ASTA, CE, UL) rất tốn kém.

Hơn thế nữa, công nghiệp phụ trợ trong nước còn yếu kém, dẫn tới phụ thuộc linh kiện nhập khẩu. Cụ thể là không có các công ty thiết bị điện chuyên ngành để phối hợp sản xuất trong nước. Mặt khác, các DN cũng gặp khó khăn thương mại hóa và xuất khẩu, bỏi lẽ chi phí cao cho chứng nhận quốc tế (CE, UL), thiếu hỗ trợ tiếp thị và chuyển giao công nghệ từ dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Ngoài vấn đề nghịch lý ở ngành điện khiến cho việc tự chủ công nghệ trở nên nan giải, theo Ts. Sreenivas Tirumala, chuyên gia công nghệ thông tin, Việt Nam nên có những bước tiến mới về mặt chính sách để có thể giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

Thời điểm thích hợp giảm phụ thuộc công nghệ nhập khẩu

Theo Ts. Tirumala, là nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu, Việt Nam đang chịu áp lực ngày càng lớn từ căng thẳng thương mại toàn cầu, bao gồm cả các “đòn” thuế quan gần đây của Mỹ. Những diễn biến này đã bộc lộ sự phụ thuộc của Việt Nam không chỉ vào thị trường nước ngoài mà còn vào công nghệ nhập khẩu, đặc biệt trong các lĩnh vực như điện toán đám mây, an ninh mạng và trí tuệ nhân tạo (AI).

Thực tế cho thấy Việt Nam hiện nhập khẩu phần lớn hạ tầng kỹ thuật số, từ phần cứng, phần mềm đến các dịch vụ đám mây và Internet vạn vật (IoT). Những công nghệ này chủ yếu đến từ các quốc gia như Mỹ và Israel, có chi phí cao và hạn chế quyền kiểm soát dữ liệu. Ví dụ, các dịch vụ từ Google, Microsoft và Amazon chịu sự điều chỉnh của luật xuất khẩu Mỹ nên có thể hạn chế quyền truy cập cho nước ngoài tùy theo quan hệ địa chính trị với nước này.

“Cho nên, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam xem xét lại chiến lược số của đất nước. Thay vì tiếp tục dựa vào nền tảng và hạ tầng nước ngoài, Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình tự chủ bằng cách đầu tư vào công nghệ trong nước”, ông Tirumala nói.

Và một trong những chính sách để gỡ rào cản cho các DN tự chủ công nghệ số phải kể đến luật Công nghiệp công nghệ số được Quốc hội thông qua gần đây là một khung pháp lý kịp thời để hỗ trợ quá trình chuyển đổi này.

Ts. Tirumala nhận định luật Công nghiệp công nghệ số là một bước đi chiến lược hướng tới chủ quyền số và một nền kinh tế vững bền. Bằng cách thúc đẩy đổi mới trong nước, giảm phụ thuộc vào các nền tảng nước ngoài và đầu tư vào nguồn nhân lực, Việt Nam đang đặt nền móng để trở thành quốc gia lãnh đạo nền kinh tế số Đông Nam Á trong dài hạn.

Ngoài ra, luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo được Quốc hội thông qua hồi tháng 6/2025 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ rào cản cho các DN tự chủ về mặt công nghệ. Theo đó, luật đã giảm mạnh thủ tục hành chính, tăng tỷ lệ hậu kiểm, thay vì tiền kiểm dày đặc như trước. Đây là thay đổi thể hiện rõ sự chuyển biến tư duy quản lý từ “kiểm soát quá trình” sang “kiểm soát kết quả”, từ kiểm soát chuyển sang kiến tạo, từ “xin - cho” sang “giao quyền - đánh giá”, phù hợp với thông lệ quốc tế, thúc đẩy sáng tạo và giảm rào cản pháp lý cho hoạt động khoa học.

Ngoài ra, luật này cũng xác lập DN là trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. DN được giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu mà không cần định giá trước, được miễn thuế thu nhập từ hoạt động đổi mới sáng tạo, được ưu đãi mạnh về đất đai, tín dụng, nhân lực và tài chính khi đầu tư cho R&D.

Xét cho cùng, một khi khâu chính sách có sự chủ động điều chỉnh các quy định sao cho phù hợp và có khung pháp lý kịp thời thì các DN nội địa mới có hy vọng tháo gỡ được những rào cản, nghịch lý nhằm tiến tới tự chủ công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/trong-cho-thao-go-rao-can-de-doanh-nghiep-viet-tu-chu-cong-nghe-1108424.html