Bộ Y tế: Đề xuất những thực phẩm phải làm thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm

Bộ Y tế đề xuất quy định cụ thể trường hợp nào thì áp dụng công bố tiêu chuẩn áp dụng, trường hợp nào thì cần đăng ký bản công bố sản phẩm. Việc này tránh trường hợp doanh nghiệp tự xác định, xếp nhóm sản phẩm và áp dụng thủ tục công bố không đúng tiêu chí, tính chất của sản phẩm...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về cơ chế xử lý một số khó khăn, vướng mắc của pháp luật về an toàn thực phẩm (về công bố tiêu chuẩn áp dụng, đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm).

XÁC ĐỊNH VƯỚNG MẮC CẦN SỬA ĐỔI NGAY

Theo Bộ Y tế, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã thiết lập cơ chế pháp lý trong quản lý thực phẩm.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua liên tục xảy ra các vụ việc như thực phẩm bổ sung giả, sữa bột giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả với quy mô lớn, gây bức xúc dư luận.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công điện và chỉ thị, chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát các vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.

Bộ Y tế cũng đánh giá, từ thực tế những vụ việc gần đây cho thấy cả Luật và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, đặc biệt là các quy định liên quan đến tự công bố, đăng ký bản công bố và quảng cáo thực phẩm.

“Đây là những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm và cần được sửa đổi, bổ sung ngay để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý trong tình hình mới”, Bộ Y tế nêu rõ.

Trên cơ sở thống nhất vơi các đơn vị liên quan, hiện Bộ Y tế xác định 2 vấn đề đang là khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật.

Trong đó, về cơ chế quản lý sản phẩm thực phẩm, hiện Luật An toàn thực phẩm quy định một trong những điều kiện để bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm đã qua chế biến, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm, phải “đăng ký bản công bố hợp quy” với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trước khi lưu thông trên thị trường.

Tuy nhiên, tại Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa mới được sửa đổi, bổ sung năm 2025, nguyên tắc phân loại và quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa theo thông lệ quốc tế về quản lý rủi ro.

Cụ thể, sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro thấp phải được tổ chức, cá nhân tự công bố tiêu chuẩn áp dụng.

Sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình phải được tổ chức, cá nhân tự công bố tiêu chuẩn áp dụng; phải tự đánh giá hoặc do tổ chức chứng nhận được công nhận thực hiện chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tương ứng theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro cao phải được tổ chức, cá nhân tự công bố tiêu chuẩn áp dụng, và do tổ chức chứng nhận được chỉ định thực hiện chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tương ứng theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ TRƯỜNG HỢP CẦN ĐĂNG KÝ BẢN CÔNG BỐ SẢN PHẨM

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa sửa đổi, bổ sung năm 2025, dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể trường hợp nào thì áp dụng công bố tiêu chuẩn áp dụng, trường hợp nào thì áp dụng đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm.

Việc này tránh trường hợp doanh nghiệp tự xác định, xếp nhóm sản phẩm và áp dụng thủ tục công bố không đúng tiêu chí, tính chất của sản phẩm.

Người tiêu dùng tìm hiểu thông tin về sản phẩm. Ảnh: Nhật Dương.

Người tiêu dùng tìm hiểu thông tin về sản phẩm. Ảnh: Nhật Dương.

Cụ thể, đối với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm không có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hoặc có quy chuẩn quốc gia nhưng không có chỉ tiêu chất lượng và vi chất dinh dưỡng, thì thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng.

Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bổ sung; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, thì thực hiện thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm.

Đối với sản phẩm, nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước, sản phẩm nhập khẩu nhằm phục vụ viện trợ, được miễn thực hiện thủ tục công bố tiêu chuẩn áp dụng.

Tương tự, đối với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu nhằm phục vụ viện trợ, được miễn thực hiện thủ tục tự công bố chất lượng, đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm.

Về việc chứng minh công dụng sản phẩm, để hiểu và áp dụng một cách thống nhất, dự thảo Nghị quyết quy định khái niệm bằng chứng khoa học.

Đó là các thông tin khoa học, dữ liệu khoa học, tài liệu khoa học chứng minh cho công bố về công dụng, tác dụng đối với sức khỏe của sản phẩm, hoặc thành phần của sản phẩm từ các công trình nghiên cứu khoa học được các tạp chí quốc gia, quốc tế, tạp chí ISI (Institute of Scientific Information), SCOPUS có uy tín công bố; hoặc tài liệu về y học cổ truyền, cây thuốc, vị thuốc, tài liệu y học, dược học, thực phẩm được xuất bản, công bố trên các ấn phẩm khoa học.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định cụ thể hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm đối với từng trường hợp, nhóm sản phẩm để bảo đảm tính minh bạch, phù hợp theo tính chất sản phẩm hàng hóa.

Bao gồm: thực phẩm nhập khẩu, thực phẩm sản xuất trong nước, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.

Hiện nay, Bộ Y tế đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi). Tuy nhiên, quy trình xây dựng và thông qua Luật phải tuân thủ quy trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nếu thuận lợi nhất thì Luật có thể được thông qua vào tháng 10/2025, và đến tháng 7/2026 mới có hiệu lực áp dụng.

Do đó, để kịp thời khắc phục, tháo gỡ khó khăn vướng mắc do quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm nêu trên, Bộ Y tế cho rằng việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về cơ chế xử lý một số khó khăn, vướng mắc của pháp luật về an toàn thực phẩm là rất cần thiết.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bo-y-te-de-xuat-nhung-thuc-pham-phai-lam-thu-tuc-dang-ky-ban-cong-bo-san-pham.htm