Trung Quốc có thể lấp khoảng trống của Mỹ ở WHO?
Trong suốt hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã xây dựng một chương trình viện trợ y tế công cộng quy mô cho thế giới, được thúc đẩy mạnh mẽ hơn do đại dịch Covid-19. Khi Hoa Kỳ rút lui khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các chương trình viện trợ nhân đạo liên quan đến y tế công cộng, liệu Trung Quốc có thể thay thế vị trí này và củng cố hơn nữa ảnh hưởng trên toàn cầu?
“Con đường tơ lụa y tế”
Trong vòng hai tuần sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố Hoa Kỳ rút khỏi WHO, đồng thời đình chỉ toàn bộ các chương trình viện trợ nước ngoài để xem xét. Vào thời điểm thế giới đang phải đối mặt với những căng thẳng địa chính trị cao độ và nhiều cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, quyết định của Mỹ rút lui khỏi ngoại giao y tế toàn cầu - một lĩnh vực mà Washington từng được công nhận là quốc gia dẫn đầu - có thể làm giảm ảnh hưởng và danh tiếng của Hoa Kỳ cũng như làm suy yếu an ninh quốc gia.
![Lô vật tư y tế Trung Quốc gửi tới Nepal trong đợt đại dịch Covid-19. Ảnh: nepalitimes](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_592_51463408/79bb6fda5f94b6caef85.jpg)
Lô vật tư y tế Trung Quốc gửi tới Nepal trong đợt đại dịch Covid-19. Ảnh: nepalitimes
Trong khi đó, theo Bộ dữ liệu Tài chính phát triển toàn cầu Trung Quốc (GCDF) của AidData, Trung Quốc đang đi ngược lại hướng của Hoa Kỳ, khi nước này tăng gấp đôi chương trình tiếp cận y tế toàn cầu thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đặc trưng của mình, được biết đến với tên gọi Chương trình Con đường tơ lụa y tế. Chương trình này bao gồm nhiều sáng kiến y tế, từ các dự án từ xây dựng bệnh viện ở các nước đang phát triển đến chương trình cung cấp thiết bị phẫu thuật nhãn khoa. Trung Quốc đã hỗ trợ người tị nạn ở Trung Đông và châu Á, cung cấp thuốc sốt rét và thuốc AIDS cho các cộng đồng nghèo. Từ năm 2000 - 2014, Trung Quốc đã quyên góp tổng cộng 1,45 tỷ USD cho các nước đang phát triển, sau đó tăng lên 2,14 tỷ USD trong giai đoạn 2015 - 2019. Trong suốt 20 năm, Trung Quốc đã cử các đội y tế đến hơn 85 quốc gia để tham gia các chương trình y tế công cộng.
Ngoại giao Covid-19
Mặc dù vậy, danh mục viện trợ y tế của Trung Quốc cho đến năm 2019 vẫn khiêm tốn. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi kể từ năm 2020, thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Đứng trước những khó khăn về y tế do đại dịch đối với tất cả các quốc gia, từ phát triển đến kém phát triển trên toàn cầu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết quyên góp 2 tỷ USD cho công tác phòng, chống dịch bệnh tại Đại hội đồng WHO diễn ra vào tháng 5.2020. Chủ tịch Trung Quốc khi đó tuyên bố rằng, sau khi vaccine được phát triển, Bắc Kinh sẽ "cung cấp 2 tỷ liều" cho thế giới như một "hành động vì lợi ích công cộng toàn cầu".
Theo bản tóm tắt nghiên cứu về viện trợ y tế dựa trên dữ liệu của AidData, Trung Quốc đã vượt xa các mục tiêu này khi tăng gấp đôi số tiền cam kết ban đầu. Từ năm 2020 đến năm 2022, Trung Quốc đã đóng góp hơn 4,6 tỷ USD cho thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) và vaccine, vượt qua các nhà tài trợ hàng đầu là Hoa Kỳ (4,05 tỷ USD), Đức (3,64 tỷ USD) và Nhật Bản (2,50 tỷ USD), theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Trung Quốc cũng đã tài trợ hơn 239,1 triệu liều vaccine Covid-19 và tiêm chủng cho 2,3% dân số thế giới trong chiến dịch chống lại sự lây lan của đại dịch. Trong khi Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào các cơ quan chính phủ trung ương như Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc (CIDCA) và Bộ Thương mại (MOFCOM), thì nước này cũng tận dụng các chính quyền các địa phương cũng như các doanh nghiệp nhà nước lớn để thực hiện các chương trình viện trợ Covid-19.
Không chỉ là mệnh lệnh nhân đạo, thông qua ngoại giao Covid-19, Trung Quốc muốn nâng cao sức ảnh hưởng và sức mạnh mềm của mình. Các nhà nghiên cứu của AidData đã phân tích cách Trung Quốc cung cấp một lượng lớn viện trợ và tín dụng cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình (LMIC), vốn là chiến trường cạnh tranh quyền lực mềm giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Các phân tích của AidData cho thấy, Trung Quốc sẽ không tập trung viện trợ vào các "quốc gia có tham vọng lớn" nơi mà Trung Quốc có thể tác động đến tình cảm của công chúng hay lập trường của lãnh đạo. Thay vào đó, họ tập trung vào các quốc gia "có thể thay đổi". Phù hợp với phát hiện này, các số liệu cho thấy, 13 trong số 20 quốc gia nhận được nhiều viện trợ nhất của Trung Quốc về Covid-19, là các quốc gia “có thể thay đổi”, chẳng hạn như Nepal, Philippines và Indonesia, nơi Trung Quốc có khả năng tác động đến dư luận của công chúng và giới tinh hoa thông qua các hành động thiện chí.
Trong khi Hoa Kỳ chủ yếu dựa vào sáng kiến COVAX để phân phối vaccine của mình, thì Trung Quốc chỉ chuyển khoảng 3% tổng số tiền quyên góp - tương đương 7,34 triệu liều vaccine - thông qua sáng kiến COVAX. Thay vào đó, họ chọn cung cấp phần lớn viện trợ của mình theo phương thức song phương thông qua các thỏa thuận chính thức của Chính phủ. Trung Quốc dường như thích các chương trình song phương vì chúng có thể triển khai nhanh chóng và ít bị hạn chế về điều kiện, thời gian.
Khoảng trống để lại
Trong khi Trung Quốc đang ngày càng củng cố vai trò trong hoạt động ngoại giao y tế công cộng, Hoa Kỳ lại đang từ bỏ vị thế là nhà cung cấp viện trợ y tế "hào phóng" nhất thế giới. Trong đại dịch Covid-19, Hoa Kỳ từng cam kết 1,1 tỷ liều vaccine và đã cung cấp hơn 672 triệu liều cùng các thiết bị y tế khác vào cuối năm 2022.
Quyết định của Mỹ rút khỏi WHO sẽ để lại một khoảng trống lớn mà khó có quốc gia nào có khả năng thay thế trong ngắn hạn. Trên thực tế, Hoa Kỳ là nước đóng góp lớn nhất cho WHO: nước này chi tiêu vượt xa Trung Quốc về cả đóng góp bắt buộc của mỗi quốc gia thành viên dựa trên sự giàu có và đóng góp tự nguyện (chi tiêu tùy chọn được thiết kế cho các chương trình cụ thể). Ví dụ, vào năm 2024, Hoa Kỳ đóng góp khoảng 700 triệu USD cho khoản đóng góp tự nguyện, thì đóng góp của Trung Quốc chỉ dưới 30 triệu USD, chiếm 0,6% tổng số tiền đóng góp tự nguyện. Với việc Hoa Kỳ rút lui, WHO sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai nguồn quỹ điều trị các bệnh truyền nhiễm và cung cấp hỗ trợ y tế cho các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Mặc dù Trung Quốc khó có thể lấp đầy hoàn toàn khoảng trống mà Hoa Kỳ để lại, nhưng vai trò ngày càng mở rộng của Trung Quốc trong lĩnh vực y tế toàn cầu và chương trình viện trợ Covid-19 khổng lồ của nước này chứng minh rằng Trung Quốc có khả năng thay thế Hoa Kỳ trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về y tế công cộng trong tương lai. Nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai, Trung Quốc có đủ điều kiện và tiềm lực để đảm nhận vị trí lãnh đạo và sử dụng chuỗi cung ứng tiên tiến của mình để cung cấp viện trợ y tế hào phóng hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Nếu đại dịch Covid-19 có dạy cho thế giới bài học gì, thì đó là: các cuộc khủng hoảng sức khỏe không có biên giới quốc gia. Bất kỳ vấn đề sức khỏe ở một quốc gia nếu không kiểm soát tốt có thể ảnh hưởng đến quốc gia khác nếu không muốn nói có thể trở thành vấn đề của toàn nhân loại. Ngoài ra, một cuộc khủng hoảng y tế cũng có thể dẫn tới khủng hoảng kinh tế và trở thành vấn đề an ninh quốc gia. Vì những lý do này cũng như những lợi thế về danh tiếng đạt được, nước Mỹ, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới, không nên bỏ rơi sứ mệnh nhân đạo của mình. Bởi hành động nhân đạo của Mỹ cũng là vì chính người Mỹ. Khi thế giới khỏe mạnh, nước Mỹ cũng thịnh vượng.