Trung Quốc đang thừa nhiều kim loại đồng

Các nhà sản xuất dây và cáp đồng ở Trung Quốc đang đương đầu với 'áp lực lớn' vì cuộc khủng hoảng bất động sản tiếp diễn...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Lượng kim loại đồng tồn trữ trong các nhà kho ở Trung Quốc đang ở mức cao nhất trong 4 năm, sau khi giá đồng tăng cao và nhu cầu tiêu dùng ảm đạm khiến các nhà sản xuất Trung Quốc hạn chế việc mua đồng - kim loại quan trọng nhất trong công nghiệp.

Theo dữ liệu của hãng tin Bloomberg, lượng đồng tồn trữ tại các nhà kho của Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải đã tăng lên mức khoảng 330.000 tấn trong tháng 6 này, mức cao nhất kể từ năm 2020. Trước đó, lần gần nhất lượng đồng tồn trữ trên sàn này đạt mức cao như vậy là vào năm 2015.

Nhà phân tích cấp cao Zhang Jiefu của công ty Zhengxin Futures cho biết số đồng dư thừa này “đơn giản là không thể được tiêu thụ”, và cho biết thêm các nhà sản xuất dây và cáp đồng đang đương đầu với “áp lực lớn” vì cuộc khủng hoảng bất động sản tiếp diễn. Đồng là vật liệu được sử dụng rộng rãi cho dây điện, đường ống và thiết bị gia dụng khi hoàn thiện công trình xây dựng. Bởi vậy, bức tranh u ám của thị trường bất động sản đồng nghĩa với nhu cầu tiêu thụ đồng ảm đạm theo.

Theo tờ báo Financial Times, Sự gia tăng của lượng đồng tồn trữ phản ánh tình trạng mong manh của khu vực sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc. Các nhà sản xuất ở nước này đã kiềm chế việc mua đồng khi giá đồng tăng cao kỷ lục trên 11.000 USD/tấn vào tháng trước do cơn sốt đầu cơ chủ yếu ở Mỹ.

Lượng hàng tồn trữ tại các nhà kho của các sàn giao dịch kim loại lớn nhất thế giới được các nhà giao dịch và giới phân tích xem là chỉ báo về sức mạnh của thị trường. Lượng tồn trữ tăng khi thị trường dư cung và giảm khi nhu cầu vượt nguồn cung.

“Một nhà sản xuất đồng ở Trung Quốc ở thời điểm này sẽ tìm cách bán bớt lượng hàng tồn và tránh việc mua thêm từ thị trường vì nhu cầu đồng bây giờ không đến nỗi thấp nhưng cũng không phải là cao, mà giá đồng trên thị trường thế giới lại đang cao”, chiến lược gia David Wilson của ngân hàng BNP Paribas nhận định.

Sự gia tăng của lượng đồng tồn trữ là dấu hiệu phản ánh rõ chưa có “ánh sáng cuối đường hầm” cho cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc, cũng như hoạt động sản xuất và tín dụng ở nước này vẫn còn yếu, trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc tránh sử dụng tới biện pháp kích cầu trực tiếp nhắm đến nhu cầu tiêu dùng của các hộ gia đình.

4 tuần sau khi đạt mức kỷ lục, giá đồng trên thị trường quốc tế đến nay đã giảm 13%, còn 9.600 USD/tấn, chủ yếu do nhu cầu ở Trung Quốc chững lại.

Tồn trữ đồng ở Trung Quốc thường tăng trong những tháng đầu năm, sau đó giảm sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền khi các nhà máy tăng tốc trở lại. Nhưng năm nay, sự gia tăng của lượng đồng tồn trữ ở nước này kéo dài hơn bình thường.

Trái ngược với tình hình ở Trung Quốc, các nhà giao dịch cảnh báo rằng lượng đồng tồn trữ toàn cầu vẫn đang ở mức thấp nguy hiểm, chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong vài ngày. Họ cho rằng mức tồn trữ như vậy đặt ra rủi ro giá đồng có thể tăng vọt bất kỳ lúc nào.

Diễn biến giá đồng thế giới từ quý 2/2023 đến nay. Đơn vị: USD/tấn - Nguồn: FT.

Diễn biến giá đồng thế giới từ quý 2/2023 đến nay. Đơn vị: USD/tấn - Nguồn: FT.

Sự ảm đạm của thị trường đồng ở Trung Quốc đã khiến giá đồng trên sàn Thượng Hải hiện tại thấp hơn so với giá tiêu chuẩn của thị trường toàn cầu - một hiện tượng hiếm gặp. Tuy nhiên, có vẻ như các nhà đúc đồng ở Trung Quốc gần đây có vẻ đã bắt đầu mua đồng trở lại, thể hiện qua việc lượng đồng tồn trữ đã giảm nhẹ trong 2 tuần qua.

Tuy nhiên, lượng đồng tồn trữ tăng lên ở Trung Quốc phản ánh biến động mà ngành đồng thế giới đang phải đối mặt do thế giới có thêm quá nhiều nhà máy luyện đồng mới - nguyên nhân dẫn tới một cơn sốt đầu cơ đồng. Indonesia, Ấn Độ và Cộng hòa Congo đều nối gót Trung Quốc trong việc tăng mạnh công suất luyện đồng.

“Đây là công suất mới lớn nhất trong lĩnh vực luyện đồng trong thời kỳ 12-24 tháng mà thế giới từng có”, ông Wilson nói.

Vào cuối năm ngoái, việc đóng cửa một mỏ đồng lớn ở Panama và việc các công ty khai mỏ lớn nhất thế giới cắt giảm dự báo sản lượng đồng đã khiến giới phân tích đưa ra dự báo về tình trạng thiếu hụt nguồn cung đồng khi các nhà luyện đồng giành giật nguồn cung eo hẹp kim loại này.

Đầu năm nay, các nhà quản lý quỹ đã dựa vào những dự báo như vậy để đặt cược mạnh mẽ vào sự tăng giá của đồng. Tuy nhiên, sự thiếu hụt nguồn cung đồng vật lý đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực, một phần do Cộng hòa Congo đã tăng được sản lượng đồng tại các mỏ trong nước và Trung Quốc chế biến được nhiều đồng phế liệu hơn.

Nhà phân tích Qin Jingjing của công ty SDIC Securities nói rằng sự gia tăng của lượng đồng tồn trữ ở Trung Quốc còn do việc các nhà luyện đồng không giảm sản lượng dù đã đưa ra ý tưởng đó hồi tháng 3. Nhưng với giá đồng gần đây sụt giảm trở lại, không loại trừ khả năng các nhà máy luyện đồng ở Trung Quốc sẽ sớm cắt giảm sản lượng.

Một số chuyên gia lập luận rằng giá đồng có thể tăng mạnh trong nửa sau của năm nay do nhu cầu dồn nén đến lúc giải tỏa. “Nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp sẽ tranh thủ giá đồng giảm để mua”, nhà phân tích Boris Mikanikrezai của công ty Fastmarkets nhận định.

Dù vậy, trưởng phân tích Daniel Smith của công ty môi giới kim loại AMT dự báo giá đồng có thể giảm sâu hơn trong năm nay nếu nhiều quỹ chuyển từ đầu cơ giá lên sang bán khống đồng. “Kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc. Tôi cho rằng rủi ro ở đây là giá đồng đã giảm mạnh và nếu các quỹ chuyển sang bán khống đồng, giá có thể tụt sâu hơn về mức 9.000 USD/tấn”, ông Smith phát biểu.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/trung-quoc-dang-thua-nhieu-kim-loai-dong.htm