Trường đại học chưa hình dung kiểm định chương trình liên kết như thế nào?
Theo lãnh đạo TNUT, đến nay, nhà trường chưa hình dung việc kiểm định, đánh giá chương trình liên kết sẽ thực hiện thế nào, yêu cầu đối tác hỗ trợ ra sao.
Khi có vướng mắc, sinh viên có thể tiếp tục học hệ chính quy thông thường
Trong danh sách các chương trình đào tạo được đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo cập nhật đến ngày 31/12/2023, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên (TNUT) có 4 chương trình đào tạo được đánh giá chất lượng, kiểm định, song trong số đó cũng chưa có chương trình liên kết nào.
Theo Khoản 7, Điều 45, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018 (Luật số 34) có quy định: “Cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai thông tin liên quan về chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, tính pháp lý của văn bằng nước ngoài được cấp tại nước cấp bằng và tại Việt Nam trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học và phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ người học trong quá trình công nhận văn bằng giáo dục đại học; thực hiện kiểm định chương trình liên kết thực hiện tại Việt Nam ngay sau khi có sinh viên tốt nghiệp và kiểm định theo chu kỳ quy định.”.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên đã có những chia sẻ liên quan đến hoạt động của chương trình liên kết tại nhà trường.
Tính đến thời điểm hiện tại (ngày 12/1/2024 - PV), Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên (TNUT) đang có 3 chương trình liên kết đào tạo quốc tế 2+2 với 2 trường đại học tại Hàn Quốc (2 năm đầu học tại Việt Nam và 2 năm cuối học tại Hàn Quốc).
Theo đó, TNUT liên kết với Đại học Joenju đào tạo 2 ngành (Kỹ thuật Điện - Điện tử, Kỹ thuật Cơ khí) và Đại học Quốc gia Kyungpook, Hàn Quốc (ngành Kỹ thuật điện tử). Cả 3 chương trình liên kết này đều do trường đối tác cấp bằng. Chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2024-2025 cho mỗi ngành là 20.
Từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018 (Luật số 34) có hiệu lực đến nay, số sinh viên tốt nghiệp chương trình liên kết của nhà trường cũng dừng lại ở một con số khiêm tốn.
Chương trình 2+2 ngành Kỹ thuật điện tử liên kết với Đại học Quốc gia Kyungpook được mở đầu tiên nhưng đến nay mới có 3 sinh viên tốt nghiệp, đây là chương trình mang tính thí điểm để đánh giá tính hiệu quả.
“Phương châm của TNUT là chọn trường đối tác có vị thế, uy tín và danh tiếng cao ở các nước tiên tiến như Hàn Quốc, Đài Loan, Úc...; do vậy đảm bảo được sinh viên tốt nghiệp có cơ hội việc làm và thu nhập không khác sinh viên du học tại các nước tiên tiến này. Và 3 sinh viên đã tốt nghiệp là một minh chứng.
Tuy nhiên, kết quả cho thấy, mặc dù các sinh viên tốt nghiệp được chính các doanh nghiệp Hàn quốc tuyển dụng với mức thu nhập cao, tuy nhiên sức thu hút của ngành này nói riêng và các ngành kỹ thuật nói chung chưa cao do, chủ yếu do yêu cầu cao đối với trình độ, năng lực của người học (bao gồm chuẩn ngoại ngữ, kết quả học tập) và sức hấp dẫn của nước đối tác.
Do vậy, nhà trường đang đánh giá lại để xác định chính sách, lựa chọn ngành và đối tác nước ngoài để tăng sức thu hút với người học” - thầy Khoa chia sẻ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa cho biết, các chương trình đào tạo liên kết quốc tế hiện tại và sắp tới đều được nhà trường thực hiện theo phương thức 2+2 và do trường đối tác sẽ cấp bằng. Do vậy, việc cấp bằng sẽ tuân thủ quy định của trường đối tác, có thông tin chi tiết đến người học trước khi người học đăng ký.
Trong giai đoạn hiện nay, học phí các chương trình đào tạo liên kết của TNUT sẽ được áp dụng cùng mức thu học phí với các ngành học hệ chính quy tương ứng trong thời gian 2 năm học tại trường (không bao gồm học phí đào tạo ngoại ngữ); học phí 2 năm tiếp theo bằng mức áp dụng cho du học tự túc tại trường đối tác và được ưu đãi giảm từ 10-30% tùy các chương trình do trường đàm phán với từng đối tác.
Nhờ đó, sinh viên 2+2 của trường sẽ được cấp bằng nước ngoài với tổng chi phí đào tạo chỉ bằng 50% so với du học tự túc.
Cụ thể mức học phí chương trình liên kết này được giới thiệu trên website như sau:
Học phí 2 năm đầu tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên được tính theo hệ thống tín chỉ: 674.000 đồng/1 tín chỉ. Học phí 2 năm cuối tại Đại học Quốc gia Kyungpook - Hàn Quốc: 2.200 USD/kỳ (bao gồm 3 bữa ăn/ngày). Sinh viên có thể vừa học vừa làm tại Hàn Quốc.
“Với phương án triển khai như trên, trong trường hợp có vướng mắc liên quan đến ngành học, trường đối tác hay sinh viên không đủ điều kiện được tiếp nhận vì nhiều nguyên nhân khác nhau..., sinh viên theo học các chương trình liên kết đều có thể tiếp tục học theo chương trình đào tạo đã đăng ký và được trường cấp bằng như các sinh viên hệ chính quy thông thường khi đủ điều kiện theo quy chế đào tạo hiện hành” - thầy Khoa thông tin.
Chưa hình dung sẽ kiểm định, đánh giá chương trình ra sao?
Thầy Khoa cũng cho biết thêm: “Như đã nói ở trên, thời gian qua, nhà trường chưa thực sự chú trọng trong tuyển sinh và đào tạo các chương trình liên kết, do một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, việc tìm kiếm, lựa chọn đối tác là các trường danh tiếng ở các nước tiên tiến đòi hỏi yêu cầu khắt khe về năng lực sinh viên và mức học phí ở 2 năm cuối tại nước bạn.
Thứ hai, thủ tục đăng ký mở chương trình liên kết còn khá nhiều yêu cầu khó thực hiện, như: (1) Hồ sơ năng lực của trường đối tác, bao gồm CV của đội ngũ, chứng nhận kiểm định chương trình,... Đây là yêu cầu rất khó thực hiện với những trường danh tiếng; (2) Yêu cầu kiểm định chương trình đào tạo sau khi có sinh viên tốt nghiệp. Riêng ở quy định này, đến nay, nhà trường cũng chưa hình dung được việc kiểm định, đánh giá chương trình sẽ thực hiện như thế nào và yêu cầu đối tác tham gia hỗ trợ như thế nào trong khi ta ở vị thế thấp hơn yêu cầu đánh giá đối tác ở vị thế cao hơn?”.
Theo đó, vị Chủ tịch Hội đồng trường bày tỏ: “Nhà trường mong muốn các cơ quan hữu quan xem xét nghiên cứu điều chỉnh các quy định liên quan đến hồ sơ đăng ký mở ngành, quy định liên quan đến kiểm định chương trình theo hướng thuận lợi và thiết thực cho các trường mà vẫn đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người học. Cụ thể, đối với chương trình liên kết do đối tác cấp bằng:
Một là, đối với điều kiện mở ngành, chỉ yêu cầu về xếp hạng của ngành, của trường trong các bảng xếp hạng trên thế giới do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất. Tương tự như quy định danh mục các tạp chí được chấp nhận.
Hai là, nếu các trường đối tác với các ngành liên kết đào tạo được xếp hạng trong các bảng xếp hạng và được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận thì việc quy định kiểm định các chương trình liên kết do trường đối tác cấp bằng này là không cần thiết. Đối các trường, ngành đối tác không thuộc danh mục trên thì việc yêu cầu kiểm định là cần thiết, tuy nhiên đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét ban hành hướng dẫn để công tác đánh giá và kiểm định chương trình để có thể thực hiện được một cách thống nhất và thuận tiện”.
“Với chiến lược “trở thành trường đại học đạt chuẩn quốc gia và khu vực theo định hướng ứng dụng thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ; là trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ có uy tín ở trong nước và quốc tế; là cơ sở cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cộng đồng, góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa -xã hội của đất nước và khu vực”, TNUT coi công tác liên kết, hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo là một nhiệm vụ quan trọng.
Theo đó, nhà trường đã và đang tích cực tìm kiếm và đàm phán với các cơ sở giáo dục đại học của Úc, Hàn Quốc và Đài Loan để xây dựng các chương trình liên kết hấp dẫn người học, đáp ứng nhu cầu các lĩnh vực công nghệ cao của đất nước dựa trên các chương trình đào tạo của trường đã được kiểm định.
Với quan điểm lựa chọn trường đại học đẳng cấp dựa trên triết lý vì người học, nhà trường đã và đang hướng đến các chương trình vừa đảm bảo chất lượng (lấy từ các chương trình đào tạo đã kiểm định trong nước và nước ngoài - chuẩn AUN-QA) cùng vị thế, danh tiếng của trường đối tác để từng bước mở rộng quy mô đào tạo các chương trình liên kết” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa nhấn mạnh.
Khoản 2, 3,4 tại Điều 13, Nghị định 04/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định vi phạm quy định về đào tạo liên kết như sau:
2. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về liên kết đào tạo theo các mức phạt sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi ký hợp đồng liên kết đào tạo không đầy đủ nội dung thỏa thuận về mức thu lệ phí tuyển sinh, học phí, trách nhiệm của các bên tham gia liên kết đào tạo theo quy định của pháp luật hiện hành;
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về trách nhiệm của các bên tham gia liên kết đào tạo;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi liên kết đào tạo cấp bằng chính quy;
d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi liên kết đào tạo với đối tác không đúng quy định của pháp luật hiện hành;
đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi liên kết đào tạo khi chưa có văn bản cho phép thực hiện liên kết đào tạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tự chủ liên kết đào tạo khi chưa bảo đảm điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động liên kết đào tạo từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 và điểm đ khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 và điểm đ khoản 2 Điều này;
b) Buộc chuyển người học về địa điểm đã được cấp phép hoạt động giáo dục đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm c và d khoản 2 Điều này.