TS Lưu Bình Nhưỡng: Phải trị 'bệnh' sợ trách nhiệm, sợ làm sai
Bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm đang âm thầm lây lan không chỉ trong ngành Y, mà cả trong những lĩnh vực khác, khiến người dân gánh chịu hậu quả.
Tâm lý sợ sai không dám làm, thu mình lại với quan niệm “không làm không sai” xuất hiện ngày càng nhiều kể từ sau khi các đại án được phanh phui, cả trăm quan chức đi tù, bị kỷ luật.
Thực trạng này gây ra những hệ lụy rất lớn, kìm hãm sự phát triển và khiến người dân phải gánh chịu hậu quả.
Báo Giao thông trao đổi với ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) về giải pháp để sớm chấm dứt tình trạng này.
Không dám làm vì... không biết có phải chịu hậu quả hay không
Thời gian qua “bệnh” sợ trách nhiệm có dấu hiệu lây lan khắp nơi, dẫn đến thực trạng chậm và tắc ở nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế và cuộc sống người dân. Theo ông, thực trạng này phản ánh điều gì?
Đây là nhận định có cơ sở và phản ánh phần nào thực tại hiện nay. Như thời gian qua, có câu chuyện rất nóng là hầu hết các bệnh viện công đều rơi vào tình trạng thiếu hóa chất xét nghiệm, thiếu thiết bị, vật tư y tế và thuốc điều trị. Thậm chí tại các bệnh viện tuyến cuối đang thiếu cả những vật tư y tế rất phổ thông như kim luồn, ống thông... cho tới những loại máy móc thiết bị đặc chủng, chuyên biệt.
Nghịch lý ở chỗ, những loại vật tư này luôn có sẵn ở bất kỳ cửa hàng thiết bị y tế nào ngoài cổng bệnh viện. Nhưng nhiều người sợ vi phạm pháp luật nên không dám đấu thầu, để đến khi vật tư y tế đã cạn kiệt, thì phải “cực chẳng đã” đưa ra những quyết định như dừng mổ phiên...
Để đến mức, Chính phủ phải ra hẳn một nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc của ngành Y.
Bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm đang âm thầm lây lan không chỉ trong ngành Y, mà cả trong những lĩnh vực khác như đầu tư công, đất đai, xây dựng… Điều này phụ thuộc vào tâm lý của những cán bộ, những người giữ chức vụ quản lý trong cơ quan Nhà nước.
Họ cho rằng, nếu không có sự rõ ràng, phân định minh bạch, không quy định một cách cụ thể về trách nhiệm thì sẽ dẫn đến sự tùy tiện trong áp dụng, hoặc là những rủi ro về danh dự, quyền lợi, liên quan đến việc áp dụng kỷ luật hay áp dụng đến vấn đề pháp lý.
Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại, ảnh hưởng rất nhiều đến sức sáng tạo và làm việc và tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ cũng như hoạt động chung của bộ máy.
Theo ông thì nguyên nhân vì đâu tình trạng né tránh trách nhiệm, sợ sai lại trở nên phổ biến như thế?
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng đầu tiên là hệ thống các quy định pháp luật của chúng ta chưa hoàn thiện, khiến không ít quy định chưa thật sự rõ ràng.
Điều này dẫn đến nhiều người không dám làm vì không biết làm rồi có sai hay không, có phải chịu hậu quả hay không.
Bởi thế, một khi các quy định chưa thật cụ thể, rõ ràng, rõ trách nhiệm thì chừng đó tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm sẽ chưa chấm dứt.
Chúng ta nói sẽ bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, nhưng lại chưa lượng hóa được thế nào là dám nghĩ, dám làm, cũng như chưa có được cơ chế để bảo vệ họ.
“
“Trong sáng và bản lĩnh là 2 vấn đề khác nhau, có những người rất trong sáng nhưng họ không đủ bản lĩnh. Bởi vì bản lĩnh được cấu tạo bởi 3 thành tố rất quan trọng là: kiến thức, thái độ và kỹ năng. Nếu thiếu 1 trong 3 cái đó thì rất khó có được một con người đủ bản lĩnh để không né trách nhiệm, sợ sai.
Tôi chỉ chê trách những người lợi dụng vào sự sáng tạo để trục lợi, tham nhũng. Chứ nếu vì cái chung mà nếu có sai sót thì cũng cần phải được xem xét miễn trách nhiệm”
TS Lưu Bình Nhưỡng
”
Đùn đẩy vì sợ sai
Hệ lụy của tình trạng né trách nhiệm, sợ sai của cán bộ là gì, thưa ông?
Chúng ta có thể nhìn thấy ngay, đó là công việc sẽ không được thực hiện một cách trôi chảy. Tâm lý sợ trách nhiệm dẫn đến không làm gì, ngồi im mà câu chuyện về cạn kiệt vật tư, trang thiết bị y tế; hay giải ngân đầu tư công đạt thấp – có tiền mà không tiêu được là điển hình.
Thứ hai, tình trạng né trách nhiệm, sợ sai dẫn đến đùn đẩy công việc thì sẽ đẩy trách nhiệm, đẩy rủi ro cho người khác.
Thứ 3, tình trạng này dẫn đến mất đoàn kết trong tổ chức, trong cơ quan, đơn vị, từ đó không có sự “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Từ đó chủ nghĩa cá nhân sẽ có cơ hội sinh sôi nảy nở.
Ông có cho rằng, việc nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao bị kỷ luật, xử lý hình sự thời gian qua đã đưa đến tâm lý như ông vừa nói là sợ trách nhiệm, sợ làm sai?
Dù không phải đa số, nhưng tôi cho rằng một bộ phận cán bộ, nhất là người đứng đầu đang có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm sau khi chứng kiến những vụ việc xử lý cán bộ vừa qua.
Theo tôi có 3 trường hợp liên quan tới vấn đề này. Thứ nhất là có tình trạng cán bộ có năng lực hạn chế, có tình trạng sợ sai, không dám làm.
Thứ hai, cán bộ có năng lực nhưng ý thức, tinh thần còn hạn chế, có chuyện nghe ngóng, né tránh.
Thứ ba là có tình trạng trước đây làm không đúng, làm ẩu nên bây giờ làm đúng sẽ phát sinh những vấn đề trước đây đã làm, nên bây giờ làm cầm chừng, hạn chế.
Cần luật hóa quy định bảo vệ cán bộ
Bộ Chính trị đã có Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Và để Kết luận 14 thực sự đi vào cuộc sống, theo ông cần thêm những điều kiện gì?
Đây là chủ trương quan trọng và đúng đắn, nhưng để đi vào cuộc sống thì cần phải cụ thể hóa bằng những quy định rõ ràng. Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền thì mọi chủ trương cần phải thể chế bằng quy định pháp luật.
Hiện nay trong Luật cán bộ, công chức cũng đã có những quy định về vấn đề trách nhiệm rồi, những quy định bảo vệ cán bộ theo Kết luận 14 thì chưa có. Vì vậy cần phải sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, tạo hành lang pháp lý để áp dụng.
Nếu chưa sửa được luật thì Quốc hội ra một nghị quyết tại một kỳ họp, để kịp thời thể chế hóa từ đó bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Ông có cho rằng, để trị “bệnh” sợ trách nhiệm thì cần có quy định xử lý những cán bộ “tròn vo” nhưng không làm được việc không, và để đánh giá thì đánh giá theo tiêu chí nào?
Những cán bộ không vi phạm nhưng cũng không làm gì thì cần phải được đánh giá đúng. Cần phải đánh giá cán bộ một cách thường xuyên, thậm chí rút ngắn thời gian đánh giá như hiện nay ở mức 6 tháng đến 1 năm.
Nếu thấy tình trạng “tròn vo” như thế thì lập tức không giao việc, có thể thuyên chuyển, điều động, thậm chí xem xét để đánh giá có nên tiếp tục đào tạo bồi dưỡng và bổ nhiệm, đề bạt, và có thể bỏ ra khỏi quy hoạch luôn. Anh không đủ khả năng để đảm đương được việc quan trọng thì tốt nhất là bỏ họ ra khỏi quy hoạch.