Từ các vụ ngộ độc do mất an toàn thực phẩm: Đừng để đánh mất niềm tin
Các vụ ngộ độc do mất an toàn thực phẩm gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động đối với việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu ẩm thực Việt Nam.
Ẩm thực là một nét đặc trưng sinh động và phong phú nhất, kết tinh thành bản sắc văn hóa Việt Nam; thể hiện cốt cách của người Việt. Những đạo lý, phép tắc, phong tục trong thưởng thức món ăn, trong mỗi món cũng đều ẩn chứa tinh hoa văn hóa của mỗi vùng đất.
Thời gian qua, truyền thông quốc tế đã liên tiếp tôn vinh ẩm thực Việt Nam. Mới đây, chuyên trang du lịch Travel and Leisure của Mỹ đã vinh danh Việt Nam là điểm đến có nền ẩm thực hấp dẫn nhất châu Á trong danh sách Bucket List Places in Asia năm 2023.
Đặc biệt, trong số 3 từ ngữ phổ thông của Việt Nam được đưa vào từ điển Oxford tiếng Anh uy tín thế giới, có 2 từ là món ăn, đó là phở và bánh mì. Điều đó khiến đông đảo người Việt vô cùng tự hào, không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam với bạn bè quốc tế mà còn giúp lan tỏa nét văn hóa, nhất là ẩm thực ra thế giới.
Ẩm thực vì thế đã trở thành một trong các điều nhất định phải trải nghiệm của bất cứ du khách nào đến Việt Nam. Ngành du lịch cũng xác định ẩm thực chính là “mỏ vàng”, “vũ khí” để khai thác, phát triển sản phẩm, thu hút khách. Còn Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đang nỗ lực bắt tay thực hiện Đề án xây dựng và phát triển ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia giai đoạn 2022 – 2024.
Thế nhưng, sau các vụ ngộ độc thực phẩm gần đây, điển hình là ngộ độc bánh mì Phượng, những ai yêu mến văn hóa âm thực Hội An cũng như Việt Nam đều không khỏi trăn trở và lo lắng cho khát vọng xây dựng, định vị thương hiệu ẩm thực Việt Nam trên "bản đồ" ẩm thực thế giới.
Trao đổi với Báo Công Thương về vấn đề này, PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, chúng ta cần xem đây như lời nhắc nhở quan trọng về việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu ẩm thực và du lịch của Việt Nam. “Các bài học từ sự việc này cần được áp dụng để nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm, nâng cao hình ảnh của Việt Nam và tăng cường nhận thức của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm”- PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Trước hết, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chỉ rõ, đối với ẩm thực, việc quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm là vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp và nhà hàng cần tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn liên quan để đảm bảo chất lượng và an toàn cho khách hàng, từ đó giúp xây dựng niềm tin đối với thương hiệu ẩm thực của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà hàng và các cơ quan chức năng như y tế và cơ quan quản lý thực phẩm khác. Theo đó, sự hỗ trợ và giám sát từ chính quyền sẽ đảm bảo rằng các quy trình sản xuất và cung cấp thực phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn và yêu cầu cần thiết. Mặt khác, các doanh nghiệp, nhà hàng và tổ chức du lịch cần có chiến lược truyền thông hiệu quả để đảm bảo rằng thông điệp tích cực về ẩm thực và du lịch Việt Nam được phổ biến và nhận biết đúng đắn.
Bên cạnh các bước để giữ gìn thương hiệu ẩm thực quốc gia, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng lưu ý, khi phê phán một vụ việc như ngộ độc bánh mì Phượng là điều cần thiết để áp dụng các biện pháp cải thiện chất lượng và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, có một số bước cần thực hiện để vừa phê phán mà vẫn không làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam đối với du khách quốc tế. Trong đó, theo ông quá trình phê phán, cần đảm bảo không vi phạm hoặc xúc phạm văn hóa và du lịch của đất nước. Tránh sử dụng ngôn ngữ thiếu tôn trọng để giúp bảo vệ hình ảnh tích cực của Việt Nam và đánh giá các vấn đề thực phẩm một cách chính xác và công bằng.
Ngoài ra, thay vì chỉ tập trung vào việc phê phán, cần đề xuất các giải pháp để cải thiện chất lượng và an toàn thực phẩm như đưa ra các hướng dẫn cụ thể cho nhà hàng cải thiện quy trình và nâng cao chất lượng thực phẩm. Với cách làm này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn tin rằng, việc phê phán vẫn có thể được thể hiện mà không ảnh hưởng đến nỗ lực bảo vệ hình ảnh văn hóa, du lịch Việt Nam đối với du khách, bạn bè quốc tế.