Từ chức - Cần tư duy tích cực, đổi mới

Từ chức là vấn đề tuy không mới ở nước ta nhưng luôn có tính thời sự. Lâu nay, việc một cán bộ có chức quyền vì lý do nào đó mà từ chức sẽ nhận được sự hoài nghi từ dư luận rằng 'chắc phải thế nào', 'chắc vi phạm pháp luật', 'chắc bị kỷ luật'... Tuy nhiên, họ lại không hiểu được rằng, có những người vì lý do cá nhân hoặc cảm thấy mình không thể đảm đương trọng trách, vì danh dự bản thân, lòng tự trọng, sự liêm chính trong tư duy mà từ chức.

Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày 9/12/2021.

Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày 9/12/2021.

Câu chuyện gần đây, một đồng chí lãnh đạo UBND của một thành phố trực thuộc Trung ương có đơn xin từ chức dù tuổi đời còn trẻ và không sai phạm gì trong thực thi công vụ, đã làm cho cộng đồng mạng “xôn xao”, dấy lên những đồn đoán vô căn cứ, nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, theo thiển nghĩ của người viết, đây cũng là sự việc bình thường, chúng ta cũng nên tư duy theo hướng tích cực, không suy đoán theo kiểu “chắc có vấn đề”.

Chưa bao giờ câu chuyện về từ chức và văn hóa từ chức lại được bàn thảo sôi nổi và rộng rãi như trong một vài năm trở lại đây ở nước ta. Xét trên nhiều phương diện, có thể thấy đây là tín hiệu tích cực của việc chúng ta ý thức nhiều hơn về trách nhiệm của cán bộ công chức, rộng hơn là trách nhiệm đạo đức đối với công việc. Khái niệm “văn hóa từ chức” cũng được xã hội mổ xẻ, bàn thảo với niềm tin để từ chức thực sự trở thành vấn đề bình thường, là nét văn hóa ứng xử trong công vụ, trong nền chính trị ở nước ta.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, việc từ chức vẫn còn là điều gì đó rất khó khăn. Nhiều cán bộ không dám từ chức do áp lực từ gia đình, dòng họ, đồng nghiệp. Sức ép từ quan niệm “một người làm quan cả họ được nhờ” là áp lực lớn với nhiều cán bộ. Chức tước ở nước ta vẫn bị mặc định là “tiêu chuẩn” đánh giá sự thành đạt, địa vị xã hội không chỉ với cá nhân mà còn với gia đình, dòng họ, thậm chí mang tính địa phương. Dân tộc ta trọng tri thức, trọng danh nên luôn quan niệm “một người làm quan cả họ được nhờ”, “làm quan phát tài”. Về bản chất, đây là những quan niệm tốt đẹp, cái “cả họ được nhờ” ở đây là tiếng tốt, tiếng thơm, nhưng dần dần mặc nhiên được hiểu là sự nâng đỡ, mang lại lợi ích vật chất, quyền lực cho dòng họ.

Trong hệ thống công quyền ở nước ta, cán bộ từ chức hiện nay được nhìn nhận dưới hai góc độ. Thứ nhất là cán bộ có sai phạm khi thực thi công vụ. Trong đó, một số từ chức vì tự trọng, danh dự khi sai phạm của họ chưa đến mức phải cách chức. Số còn lại từ chức, nghỉ việc vì sai phạm của họ đến mức phải xử lý, nếu họ không từ chức thì tổ chức cũng sẽ cách chức. Thứ hai là cán bộ từ chức vì sức khỏe; vì tạo cơ hội cho người khác; vì công việc không phù hợp với chuyên môn; vì có định hướng khác... Thẳng thắn nhìn nhận, từ chức vốn là vấn đề không dễ dàng với mỗi cá nhân do nó liên quan đến lợi ích, quyền lực, danh dự... thậm chí là “cơm áo” hằng ngày của chính người đó.

Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình cao với Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. (Ảnh minh họa)

Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình cao với Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. (Ảnh minh họa)

Cách đây hai năm, ngày 3/11/2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 41-QĐ/TW “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”. Đây là quy định có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Đảng, Nhà nước ta đang quyết tâm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Quy định đã thể hiện những giá trị của văn hóa từ chức trong đội ngũ cán bộ, rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, nghĩa tình.

Theo Quy định, thì “từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp nhận”. Việc tự nguyện này đã xuất hiện với rất ít cán bộ, sự “hiếm hoi” trong tự nguyện xin thôi giữ chức vụ là một khó khăn trong việc thực hiện quy định. Hoặc “cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trong việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”. Đây là một nguyên tắc rất quan trọng. Nhưng thực tiễn vừa qua cho thấy, có những tổ chức đảng, cấp ủy tê liệt, mất sức chiến đấu; có những địa phương toàn bộ cấp ủy, người đứng đầu bị kỷ luật.

Trong Quy định có đề cập căn cứ xem xét từ chức. Chẳng hạn, đó là hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định. Quy định căn cứ như vậy là rõ, nhưng khi đi vào thực tiễn không đơn giản. Bởi vì không cán bộ nào tự nhận mình hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành nhiệm vụ. Thậm chí “một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao”. Còn việc lấy phiếu tín nhiệm nhiều nơi vẫn mang tính hình thức, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý.

Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có những quy định rõ ràng cũng như khuyến khích cán bộ có sai phạm, không đủ uy tín từ chức, tuy vậy, chúng ta chưa xây dựng được thiết chế thuận tiện để cán bộ đã từ chức, nghỉ việc quay trở lại làm việc. Thực tế, những cán bộ đã từ chức, nghỉ việc thì rất khó có cơ hội trở lại hệ thống công quyền. Bởi thế, xây dựng văn hóa từ chức sẽ giúp cho nguyên tắc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” được áp dụng rộng rãi, thuận lợi trong đời sống chính trị và cần có tư duy tích cực về việc từ chức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Nguyễn Thùy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-de-hom-nay/tu-chuc-can-tu-duy-tich-cuc-doi-moi/202225.htm