Từ làng cổ Gò Cỏ đến đêm biển trùng khơi
Tập 7 'Gia đình Haha' đưa các thành viên khám phá sâu hơn vẻ đẹp và cuộc sống tại Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Tại đây, họ được hòa mình vào nhịp sống và văn hóa của làng cổ Gò Cỏ ngàn năm, trò chuyện cùng người dân địa phương, dấn thân vào chuyến đi đánh bắt cá đêm giữa trùng khơi. Những trải nghiệm chân thực này đã chạm đến những câu chuyện về di sản văn hóa và nghị lực của con người miền biển.
Mở đầu hành trình tại Sa Huỳnh, chị Thắm và chú Điệp đã dẫn Gia đình Haha đến thăm Làng Gò Cỏ – một ngôi làng cổ Chăm Pa có lịch sử hơn 1000 năm với những dấu tích văn hóa vẫn còn hiện hữu.

Những cảnh quay tại Quảng Ngãi khiến khán giả thích thú
Tại đây, các thành viên đã có cơ hội được nghe kể về cuộc sống đặc trưng của làng chài. Phụ nữ ở nhà đảm đang lo việc đan lưới. Trong khi đó, đàn ông đi biển dài ngày. Mỗi chuyến đi có thể kéo dài 1-2 tháng và chỉ được về nghỉ 3-4 ngày sau mỗi lần đi biển, đồng nghĩa với việc những người cha ở miền biển thường không thể chứng kiến trọn vẹn khoảnh khắc con mình lớn khôn.
Tiếp nối câu chuyện về cuộc sống làng chài, các thành viên còn được thấy hình ảnh những cụ bà cần mẫn đan lưới. Tư Tâm đã thể hiện sự hào hứng và xin được thử sức với công việc này.
Làng Gò Cỏ là nơi gìn giữ giếng cổ Chăm Pa ngàn năm tuổi. Đồng thời, nơi đây có Trung tâm Du khách với miếu cổ Chăm Pa trưng bày nhiều hiện vật lịch sử. Các thành viên còn được tham quan thư viện nơi các em nhỏ được tới học tiếng Anh và ngắm những món đồ gốm độc đáo do các em khuyết tật làm nên.

Nhiều hiện vật được lưu giữ tại Làng Gò Cỏ
Nét văn hóa truyền thống còn” vang vọng” qua lời hát bài chòi về làng cổ Gò Cỏ của một cô hướng dẫn viên người địa phương. Trong cuộc sống mưu sinh tất bật, những câu hát bài chòi đã trở thành mạch nguồn thấm sâu vào hồn cốt văn hóa tinh thần của người dân làng Gò Cỏ.
Khi đang cùng nhau dùng bữa tối ấm cúng, Gia đình Haha bất ngờ nhận được mật thư từ chương trình về chuyến đi biển đêm từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau.
Người đồng hành cùng họ là chú Sơn - một ngư dân dày dặn kinh nghiệm tại cảng Sa Huỳnh. Út Khánh không giấu được sự háo hức xen lẫn hồi hộp và lo lắng vì đây là lần đầu tiên trải nghiệm một hoạt động đặc trưng của ngư dân. Cả nhóm quyết định chia thành hai: 5 anh em sẽ ra khơi cùng chú Sơn, còn tư Tâm và Bùi Lan Hương ở lại, phụ giúp mọi người bán cá vào sáng hôm sau.
Đến cảng Sa Huỳnh, 5 anh em gặp chú Sơn để chuẩn bị cho chuyến đánh bắt cá đêm. Trên tàu, chú Sơn hào hứng kể cho mọi người nghe về những câu chuyện của nghề biển, những chuyến đi xa kéo dài cả tuần mới tới nơi.

Chuyến đi biển của các thành viên "Gia đình Haha"
Khi anh ba Nam thắc mắc tại sao chú lại phải đi xa đến thế, chú trả lời đầy chân thật: “Vì miếng cơm manh áo, vì vợ con.” Chú chia sẻ rằng có những khi đi đến 2 tháng mới về lại đất liền, chỉ mong đánh bắt được thật nhiều để có thể mau mau về lại đất liền gặp lại vợ con và gia đình. Mỗi lần về chỉ được nghỉ khoảng một tuần lại phải tiếp tục ra khơi.
Khi con tàu rời bến, màn đêm buông xuống, cũng là lúc những con sóng lớn bắt đầu nổi lên, thử thách ập đến với Gia đình Haha. Giữa biển khơi dập dìu sóng vỗ, anh ba Nam và út Khánh bị “quật ngã” bởi cơn say sóng, phải tạm lánh vào khoang thuyền để nghỉ ngơi. Trong khi đó, BB Trần và anh hai Thiện cùng các chú ngư dân vẫn miệt mài bắt cá, kéo lên những con cá hố to, thân ánh bạc rực rỡ dưới ánh đèn tàu.
Chút lặng giữa biển động, anh cả Thuận ngồi xuống tâm sự cùng chú Sơn. Chú trải lòng rằng nghề biển không chỉ vất vả vì phải thức khuya dậy sớm mà còn là do sự khắc nghiệt của thời tiết, bão. Mỗi lần bão bất ngờ ập tới, những người ngư dân sẽ không đánh bắt được, thậm chí nhiều khi đi xa bờ không thể quay về kịp.
Chú Sơn đúc kết cả cuộc đời gắn bó với biển cả quê hương bằng một câu nói: “Lúc trẻ là dành cho biển cả. Lúc già rồi mới quay về đến gia đình. Biển cả là quê hương mà”.

Cảnh mua bán tấp nập tại cảng cá
Khi bình minh hé rạng, các ngư dân cùng BB Trần, anh cả Thuận và anh hai Thiện kéo lưới lên để chuẩn bị vào bờ. Anh ba Nam trải lòng, cảm thấy những người ngư dân thật phi thường bởi họ phải đối mặt với công việc thức khuya dậy sớm đầy gian nan và cả sự khắc nghiệt của biển cả.
Để nói lời tạm biệt với út Khánh - người phải rời Sa Huỳnh trước các thành viên khác để tiếp tục lịch trình cá nhân, Gia đình Haha đã cùng những người dân địa phương mà họ đã có dịp gặp gỡ như chú Điệp, chị Thắm và chú Sơn tổ chức một buổi tối chia tay ấm cúng bên nhau.
Đây là khoảnh khắc để tất cả cùng nhìn lại và chia sẻ những cảm nhận chân thành nhất về hành trình vừa qua. Anh cả Thuận mở lời, chia sẻ những ấn tượng sâu sắc về mọi trải nghiệm, từ công việc làm muối, cấy dặm mạ, cho đến chuyến đi đánh bắt cá đầy thử thách.
Anh hai Thiện bộc bạch rằng dù chỉ mới trải nghiệm những công việc đó nhưng anh đã thấu hiểu hơn về cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng đầy kiên cường của những người lao động. Anh trân trọng từng khoảnh khắc được trực tiếp trải nghiệm những công việc mà họ làm mỗi ngày.

Chương trình góp phần quảng bá hiệu quả du lịch Việt Nam
Người dân nơi đây chính là những con người nhỏ bé trong sự hùng vĩ của đất trời và đang làm những công việc vĩ đại, qua đó mong muốn rằng những ngành nghề truyền thống này sẽ luôn được giữ gìn và bảo tồn, không bị mai một, để thế hệ sau vẫn có thể cảm nhận được giá trị ấy.
Trong khoảnh khắc chia tay đầy lưu luyến, chú Sơn, dù chỉ mới đồng hành trong một đêm đi biển cũng không quên ghi nhận những nỗ lực của các thành viên đã cố gắng tìm hiểu về nghề biển đầy vất vả.

Buổi tối chia tay út Khánh
Chị Thắm bày tỏ niềm hạnh phúc và lòng biết ơn khi những người bạn từ phương xa đã đến với Sa Huỳnh. Niềm vui giản dị của chị chính là được thấy khách du lịch luôn tò mò, hứng thú với những công việc đời thường của người dân nơi đây.
Chị Thắm gói trọn tình cảm vào những hũ muối Sa Huỳnh mà chị gửi tặng Gia đình Haha, bởi muối không chỉ là đặc sản mà còn là biểu tượng của sự may mắn. Chú Điệp cũng trao tận tay mỗi thành viên một lá thư viết tay, ánh mắt rưng rưng xúc động trong thời khắc tạm biệt.
Từ sự trầm mặc của làng cổ Gò Cỏ ngàn năm tuổi, lời hát bài chòi thấm đượm hồn quê đến đêm biển đầy thử thách và câu chuyện mưu sinh kiên cường của ngư dân, chặng hành trình ở Quảng Ngãi trở thành chuyến đi chạm đến những giá trị sống giản dị, ấm áp tình người và chan chứa tình yêu quê hương xứ sở.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/giai-tri/tu-lang-co-go-co-den-dem-bien-trung-khoi-156523.html