Từ xe đạp thồ đến trung tâm logistics
Từ chiếc xe đạp thồ…
Không phải đến khi tái lập tỉnh tháng 10/1991, mà trước đó vài năm, trên khu vực biên giới Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc), hoạt động giao thương ở những chợ đường biên, lối mở đã nhộn nhịp. Cũng từ đây, một nghề mới ra đời gọi là “cửu vạn”. Danh từ “dân cửu vạn” được đặt cho những người làm nghề vận chuyển hàng hóa qua lại biên giới không hề có hàm ý xấu mà đã trở nên quen thuộc. Hồi đó, khi cầu đường bộ chưa có, những người đi chợ đường biên thường mang hàng chất lên thuyền chở qua sông biên giới, rồi tập kết lên bến sông Nậm Thi (phố Tèo), khu Gốc Nhót (Duyên Hải) và Lục Cẩu (Quang Kim, Bát Xát) bên bãi sông Hồng. Từ đây, hàng hóa được chất lên xe đạp thồ chở về Kim Tân, Phố Mới, sau đó đưa xuống ga Phố Lu hoặc đi đường Bản Phiệt, theo Quốc lộ 70 để về xuôi. Chiếc xe đạp thồ trở thành phương tiện “đặc chủng” hỗ trợ cư dân vận chuyển hàng hóa qua biên giới.
30 năm đi qua, từ sau ngày tái lập tỉnh và khi chợ đường biên hình thành, đến khi Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai hiện đại được xây dựng trong Khu Kinh tế cửa khẩu hôm nay, những chiếc xe thồ đã gắn bó với cư dân biên giới Lào Cai, giúp họ từng bước tích lũy nguồn lực ổn định đời sống, góp phần xây dựng Lào Cai ngày càng phát triển. Hoạt động của những chiếc xe đạp thồ và “dân cửu vạn” chỉ dừng lại khi có chủ trương dừng sử dụng xe thô sơ vận tải hàng hóa qua các cửa khẩu.
… đến các doanh nghiệp logistics
Việc dừng hoạt động của những chiếc xe thồ là một tất yếu của lịch sử, tương tự cảnh “Mã phu đoàn” với gần 500 ngựa thồ ở khu vực Phố Tèo cách đây hơn 100 năm đã tự giải tán khi tuyến đường sắt Việt - Điền từ Lao Kay (Lào Cai) đi Côn Minh (Trung Quốc) đi vào hoạt động. “Dân cửu vạn” đành xếp lại những chiếc xe đạp thồ thân thiết để chuyển sang nghề lái xe tải biên mậu, xe nâng hàng, xe container hoặc làm công nhân vận chuyển, bốc xếp hàng hóa tại khu vực cửa khẩu. Cũng từ đây, nhiều doanh nghiệp logistics được hình thành có cả những “dân cửu vạn” trước đây làm chủ.
Lào Cai có vị trí đặc biệt trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, với hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng, liên quốc tế gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, tương lai gần có cả đường hàng không. Đặc biệt là khi Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai (diện tích gần 16.000 ha) được hình thành với cơ sở hạ tầng, dịch vụ tương đối đầy đủ đã đưa Lào Cai trở thành cầu nối quan trọng giúp việc trung chuyển hàng hóa giữa Việt Nam với các tỉnh, thành phía Nam của Trung Quốc như Vân Nam, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Quý Châu, Trùng Khánh. Đây là yếu tố quan trọng để Lào Cai phát triển thành trung tâm logistics của Việt Nam với nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư phát triển tiềm năng.
Đưa phóng viên đi tham quan trung tâm logistics của đơn vị, ông Đặng Quyết Chiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần logistics Kim Thành chia sẻ: Trong 10 năm trở lại đây, Lào Cai là 1 trong 8 tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được Chính phủ đầu tư hạ tầng phát triển logistics thương mại, dịch vụ… phục vụ xuất - nhập khẩu. Nhờ vậy, năng lực vận chuyển hàng hóa của các trung tâm logistics tăng mạnh theo từng năm, cụ thể năm 2016, sản lượng vận chuyển qua Lào Cai đạt trên 3,3 triệu tấn và vượt mốc 5,6 triệu tấn chỉ sau 3 năm (2019). Hiện nay, tổng diện tích kho bãi dịch vụ của các trung tâm logistics ở khu vực cửa khẩu đạt hơn 200.000 m2 (trong đó có khoảng hơn 2.000 m2 là kho lạnh phục vụ lưu giữ, bảo quản hàng nông sản tươi sống)…
Thời gian qua, tổng giá trị xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu của Lào Cai luôn duy trì đà tăng trưởng cao, năm 2019 đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng 4,4 lần so với năm 2010. Năm 2022, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng do Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai có nhiều cách làm sáng tạo, đẩy mạnh cải cách hành chính nên kim ngạch xuất - nhập khẩu vẫn đạt gần 2 tỷ USD.
Giai đoạn 2021 - 2025, Lào Cai phấn đấu đưa Khu Kinh tế cửa khẩu trở thành 1 trong 8 khu kinh tế trọng điểm của cả nước, trong đó đưa giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 10 tỷ USD vào năm 2025. Bởi vậy, cùng với việc mở rộng quy hoạch, tỉnh đang tích cực thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển dịch vụ logistics, trong đó, khu logistics Kim Thành - Bản Vược sẽ là khu vực trọng điểm trong Khu Kinh tế cửa khẩu. “Chúng tôi đang tích cực tham mưu và lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược để phát triển logistics bài bản, tầm cỡ, từ đó dần hiện thực hóa mục tiêu đưa Lào Cai thành cực tăng trưởng, kết nối khu vực Tây Nam Trung Quốc với các nước ASEAN theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị” - ông Vương Trinh Quốc cho biết thêm.
Thời kỳ mới đang mở ra, Lào Cai đã có lộ trình xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu thành trung tâm logistics quan trọng của cả nước, trong đó sẽ tập trung vào mục tiêu hình thành các trung tâm logistics hạng I, hạng II; đa dạng hóa các dịch vụ logistics, đáp ứng cơ bản nhu cầu về các dịch vụ logistics…
Đã vắng những chiếc xe thồ của “dân cửu vạn” ở các cửa khẩu của Lào Cai, để nhường chỗ xây dựng các trung tâm logistics xứng tầm quốc tế với các phương tiện bốc dỡ, vận chuyển, lưu giữ hàng hóa hiện đại, nhưng hình ảnh đoàn xe thồ ngày ấy còn đọng lại mãi trong ký ức người dân thành phố biên cương.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364142-tu-xe-dap-tho--den-trung-tam-logistics