Tương quan tiềm lực quân sự, vũ khí hạt nhân của Ấn Độ và Pakistan
Khi căng thẳng tiếp tục leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan sau vụ tấn công khiến nhiều du khách thiệt mạng ở Kashmir tuần trước, dư luận hiện đang dồn sự chú ý vào khả năng xảy ra xung đột quân sự diện rộng giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này.

Binh sĩ và xe quân sự Ấn Độ ở khu vực biên giới. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Bloomberg, các nhà phân tích nhận định rằng Ấn Độ không thực sự mong muốn cả hai quốc gia Nam Á phát động một cuộc tấn công quy mô lớn - một phần do địa hình núi non hiểm trở của Kashmir - nhưng chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lại đang chịu áp lực vào thế “phải đáp trả”. Vào ngày 22/4, một số tay súng đã sát hại hàng chục dân thường tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, đây là vụ tấn công đẫm máu nhất tại khu vực này trong nhiều năm qua.
Quan hệ song phương của hai nước láng giềng đã xấu đi nhanh chóng kể từ sau vụ tấn công, với việc Ấn Độ gọi đây là hành động khủng bố và quy trách nhiệm cho Pakistan. Islamabad phủ nhận có liên quan và tuyên bố sẽ đáp trả nếu bị tấn công từ phía Ấn Độ. Mỹ cũng đã có những động thái can thiệp, cố gắng đóng vai trò trung gian giữa hai quốc gia vốn đều tuyên bố chủ quyền với Kashmir và từng nhiều lần chiến tranh vì vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên, điều này dường như là không đủ để xoa dịu những bất đồng và cuối cùng một cuộc tấn công quân sự từ Ấn Độ đã nổ ra vào ngày 7/5.
Tuy nhiên, một cuộc xung đột ở quy mô giới hạn vẫn là ưu tiên hàng đầu của cả hai nước trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực hiện nay.
Lượng lực quân đội và ngân sách quốc phòng
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Ấn Độ đang duy trì một lực lượng quân đội hùng hậu với khoảng 1,4 triệu quân nhân trong lực lượng vũ trang, hơn gấp đôi số lượng của Pakistan. Chi tiêu ngân sách quốc phòng của Ấn Độ cũng lớn hơn nhiều so với nước láng giềng của mình. Theo thống kê vào năm ngoái, Ấn Độ đã chi khoảng 86 tỷ USD, nằm trong top 5 quốc gia chi tiêu quốc phòng nhiều nhất thế giới, cao gấp 8 lần Pakistan.
Tuy nhiên, địa hình hiểm trở của Kashmir cũng đang hạn chế phần nào các lựa chọn triển khai quân sự cho cả hai bên. Thời gian qua, Ấn Độ cũng đã phải triển khai một phần lớn lực lượng để bảo vệ biên giới phía Bắc giáp với Trung Quốc — quốc gia cũng có tranh chấp lãnh thổ với New Delhi tại dãy Himalaya. Trong khi đó, Pakistan tập trung vào biên giới với Afghanistan, nơi các phần tử vũ trang thường xuyên vượt biên để tấn công.
Vũ khí hạt nhân
Rủi ro về một cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Pakistan về vũ khí hạt nhân dường như khá thấp khi xét đến tình hình hiện nay, tuy nhiên không thể không xét đến. Theo đánh giá của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, mỗi nước đang sở hữu khoảng 170 đầu đạn hạt nhân. Với Pakistan, kho vũ khí hạt nhân được nhận định là biện pháp răn đe quan trọng nhằm ngăn chặn các động thái gia tăng căng thẳng về mặt quân sự từ Ấn Độ - một nền kinh tế lớn hơn rất nhiều.
Trong khi tiếp tục sản xuất vật liệu phân hạch, cả hai quốc gia cũng đang chạy đua phát triển hệ thống phóng đầu đạn, bao gồm các tên lửa có khả năng tấn công tầm xa, có thể vươn sâu vào trong lãnh thổ của đối phương.
Ấn Độ đang duy trì chính sách "không sử dụng trước" vũ khí hạt nhân và chưa tuyên bố về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật (loại có sức công phá thấp, sử dụng trên chiến trường). Trong khi đó, Pakistan đã phát triển loại vũ khí này - tên lửa đạn đạo Nasr (Hatf-9) với tầm bắn khoảng 70 km và giữ quyền “sử dụng trước”.
Cả hai nước đều hướng tới xây dựng hệ thống phóng hạt nhân từ đất liền, biển và trên không. Về tầm bắn, Ấn Độ có lợi thế với tên lửa Agni-V có thể đạt tới 5.000–8.000 km. Những Pakistan cũng đang phát triển tên lửa Shaheen 3 với tầm bắn khoảng 2.750 km, đủ để bao phủ toàn bộ lãnh thổ Ấn Độ, tùy thuộc vào vị trí phóng.
Cuộc chạy đua mua sắm vũ khí
Bên cạnh đó, hai quốc gia này cũng là những khách hàng mua vũ khí lớn nhất từ nước ngoài, phần lớn thiết bị của họ được nhập khẩu từ Nga và Trung Quốc.
Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong những năm gần đây, Ấn Độ đã dần chuyển sang tìm kiếm các nhà sản xuất vũ khí ở Mỹ, Pháp và những thị trường khác và đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Tỷ lệ nhập khẩu vũ khí từ Nga của Ấn Độ đã giảm từ 76% của giai đoạn 2009–2013 xuống còn 36% trong thời kỳ 2019–2023. Theo các báo cáo, New Delhi đang tìm cách hiện đại hóa kho vũ khí với công nghệ từ các nước phương Tây.
Trong khi đó, Pakistan đã cố gắng đuổi kịp và đang nhập khẩu phần lớn vũ khí từ đối tác Trung Quốc. SIPRI cho biết nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 82% kho vũ khí dự trữ của Pakistan từ năm 2019-2023, tăng mạnh so với mức 51% trong giai đoạn 2009-2012.