Tuyên Quang: Mùa lễ hội tiềm năng cho du lịch phát triển
Lễ hội đầu năm không chỉ là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống mà còn là nơi thu hút du khách thập phương, mang đến tiềm năng phát triển cho du lịch Tuyên Quang.
Nhiều điểm du lịch tâm linh hút khách
Tỉnh Tuyên Quang có rất nhiều ngôi đền, chùa lớn nhỏ hàng trăm năm tuổi. Nhiều đền đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia và nổi tiếng khắp cả nước như Đền Hạ nơi phát tích của Mẫu Thoải, tức Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ. Đền Hạ Tuyên Quang là khởi nguồn của Đền Dùm (Đền Thượng) và Đền Ỷ La cùng nhiều lễ hội lớn nhỏ.
Dịp đầu xuân, nhiều điểm du lịch tâm linh ở Tuyên Quang đã thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, vãn cảnh. Du khách đến với các điểm du lịch tâm linh không chỉ được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên mà còn có cơ hội để tìm hiểu về truyền thống văn hóa của mảnh đất, con người Tuyên Quang.

Lễ hội Lồng Tông ở Lâm Bình vừa diễn ra nhằm giữ gìn, tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc địa phương, đồng thời giới thiệu và quảng bá tiềm năng phát triển du lịch của huyện vùng cao Lâm Bình, Tuyên Quang. Ảnh: Đức Lâm
Vài năm trở lại đây, Thiền viện Trúc lâm Chính pháp tại xã Tràng Đà, TP. Tuyên Quang đã trở thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách thập phương tới tham quan, lễ Phật.
Anh Nguyễn Thành Minh ở Vĩnh Phúc cho biết: Đầu xuân năm nào tôi cũng đi lễ chùa để cầu cho gia đình một năm bình an, may mắn, mạnh khỏe, hạnh phúc. Khi đến với Thiền viện Trúc Lâm Chính pháp tôi cảm nhận được sự bình yên, bên cạnh những nét đẹp cổ kính, còn có những khu giảng đường, khu nhà khách được xây dựng khang trang, kiến trúc hiện đại. Công tác bảo đảm an ninh trật tự ở đây rất tốt, không có hiện tượng chèo kéo du khách. Tôi cảm thấy rất thoải mái và vui vẻ khi đến đây.
Bà Dương Trúc Tiên ở Hà Nội chia sẻ, năm nay gia đình bà chọn Tuyên Quang là điểm đến đầu xuân vì phong cảnh ở Tuyên Quang đẹp, yên bình, con người Tuyên Quang rất thân thiện, mến khách, ngoài ra nơi đây còn có hệ thống di tích rất đa dạng phong phú với đền, chùa miếu mạo rất trang nghiêm, cổ kính. Gia đình bà thường đi lễ để cầu bình an trong năm mới, đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình cùng nhau du xuân, ghi lại những kỷ niệm đẹp.
Tuyên Quang có rất nhiều ngôi đền, ngôi chùa lớn nhỏ hàng trăm năm tuổi, nhiều đền đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia. Đền, chùa ở Tuyên Quang không chỉ nổi tiếng linh thiêng, có bề dày lịch sử, kiến trúc độc đáo cổ xưa mà còn nổi tiếng với phong cảnh hữu tình, nguyên sơ, như đền Cấm, đền Lâm Sơn linh từ, đền Cảnh xanh, đền Mỏ than, đền Pác Tạ, đền Thác Cái…
Ông Phạm Quốc Chương, Chủ tịch UBND TP. Tuyên Quang cho biết, Lễ hội rước mẫu Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La bắt đầu từ huyền thoại về các Thánh Mẫu vốn là những nàng công chúa con vua, qua du ngoạn thắng cảnh sông Lô mà hiển hóa về trời. Nhân dân lấy chỗ các nàng hiển hóa lập đền Tam Kỳ (nay là đền Hạ) thờ chị và đền Thượng là nơi thờ em. Thánh mẫu đền Mẫu Ỷ La là do sự thay đổi về vị trí thờ của người chị. Hằng năm, họ gặp nhau 2 lần vào trung tuần tháng 2 và tháng 7 (âm lịch) và cùng kính cáo lên trời.
Khi rước bài vị của Mẫu từ đền Thượng và đền Ỷ La về đền Hạ là biểu hiện sự gặp gỡ đoàn tụ, sum họp gia đình của hai chị em Phương Dung và Ngọc Lân công chúa (Thánh Mẫu) được thờ ở trong 3 ngôi đền. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất năm và đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của Tuyên Quang.
Thời điểm hiện tại, với lượng khách du lịch tăng cao, Ban quản lý các đền, chùa trên địa bàn đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhiều phương án bảo đảm an toàn cho du khách.
Thượng tọa Thích Thanh Phúc, Phó trưởng Ban Thường trực, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tuyên Quang cho biết, trên địa bàn hiện có 40 ngôi chùa bao gồm cả phế tích và có 25 ngôi chùa hiện đang hoạt động. Để du khách gần xa đi lễ đầu năm an toàn, vui vẻ, Ban trị sự cũng đã triển khai đến các cơ sở thờ tự phật giáo phối hợp chính quyền địa phương lên các phương án bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy, nổ. Khuyến cáo người dân hạn chế đốt vàng mã. Tuyên truyền đến người dân, phật tử chủ động nâng cao cảnh giác, bảo quản tài sản cá nhân.
Các điểm đến du lịch bội thu dịp Tết
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (khóa XVII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị của địa phương này đã tập trung nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm du lịch; ưu tiên các sản phẩm du lịch đặc trưng, đáp ứng thị trường, gắn với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa truyền thống các dân tộc.

Thiền viện Trúc Lâm Chính pháp Tuyên Quang thu hút du khách thập phương đến vãn cảnh, chiêm bái dịp đầu năm. Ảnh: Công Phương
Năm 2025, ngành du lịch Tuyên Quang sẽ nâng cao nhận thức cộng đồng về văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội, hướng đến xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc, hòa nhập quốc tế, giữ vững tinh hoa dân tộc.
Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu năm 2025, đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch, tổng thu xã hội từ du lịch đạt hơn 4.800 tỷ đồng, đóng góp cho GRDP từ 6% trở lên; tạo việc làm cho hơn 25.000 lao động.
Trong những năm qua, chưa ghi nhận tình trạng hỗn loạn, mất cắp tài sản của du khách khi đến vãn cảnh, tham quan, chiêm bái tại các cơ sở thờ tự Phật giáo trên địa bàn.
Du lịch Tuyên Quang đã tạo dấu ấn với khách du lịch nhờ một loạt điểm đến ấn tượng. Từ du lịch lịch sử với những điểm đến đầu xuân tại các khu di tích lịch sử; du lịch lễ hội của cộng đồng các dân tộc trải dài khắp các xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thành phố; du lịch nông nghiệp với trải nghiệm săn hoa đào, hoa mận, hoa lê tại các xã vùng cao; du lịch tâm linh với hệ thống đền, chùa, thiền viện linh thiêng, thanh tịnh được đầu tư, nâng cấp, xây mới, đáp ứng nhu cầu chiêm bái, thưởng ngoạn của khách thập phương.
Để du lịch phát triển đúng hướng, mang lại những giá trị truyền thống, tinh thần, giá trị văn hóa lịch sử, bên cạnh việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị cảnh quan nơi di sản, tỉnh Tuyên Quang đang tích cực xây dựng những tour, tuyến du lịch hợp lý. Bên cạnh đó, đã đầu tư vào các khu du lịch tâm linh để tạo ra sự đồng bộ; Xây dựng sản phẩm du lịch bổ trợ như gắn kết du lịch tâm linh với du lịch lịch sử cách mạng; du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng,... đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Theo thống kê trong dịp Tết Ất tỵ 2025, từ mùng 1 đến ngày mùng 5 Tết (ngày 29/1 đến ngày 2/2/2025), Tuyên Quang ước đón khoảng 56.800 lượt khách, chủ yếu khách nội địa, khách tham quan trong ngày; một số khu, điểm du lịch thu hút nhiều du khách tới tham quan: Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu danh lam thắng cảnh Na Hang - Lâm Bình; các điểm du lịch tâm linh đền, chùa TP. Tuyên Quang và các huyện, thành phố (đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La, đền Cảnh Xanh, chùa An Vinh, chùa Hương Nghiêm, Thiền viện Trúc Lâm, đền Thác Cái, đền Bách Thần, đền Cô Minh Lương, chùa Phúc Lâm…), các điểm du lịch cộng đồng Na Hang, Lâm Bình… Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 80 tỷ đồng; công suất sử dụng buồng, phòng tại các cơ sở lưu trú đạt khoảng 35-40%.