Ứng dụng thiết bị đo lường và phân tích tâm lý con người
Ứng dụng thiết bị trong phân tích tâm lý là lĩnh vực công nghệ đang phát triển tại nhiều quốc gia nhằm đo lường các khía cạnh khác nhau về trạng thái tinh thần của con người.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương, tỷ lệ người mắc bệnh tâm thần một lần trong đời là 15-20% dân số. Một nghiên cứu gần đây của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng chỉ ra rằng, khoảng 8 - 29% trẻ vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Trong khi đó, Bộ Y tế cho biết, có khoảng 14 triệu người rối loạn tâm thần, nhưng cả nước hiện chỉ có 143 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu.
Thông qua những số liệu trên, có thể thấy, vấn đề sức khỏe tâm thần tại Việt Nam đang ở mức đáng báo động, đòi hỏi sự quan tâm và đầu tư hơn nữa từ phía các cơ quan chức năng và cộng đồng.
Bên cạnh các công cụ khảo sát truyền thống như bảng câu hỏi, thang đo được thiết kế để đo lường các đặc điểm hoặc trạng thái tâm lý con người, ngày nay, các nhà tâm lý học, nhà trị liệu đang ứng dụng các thiết bị công nghệ trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh dựa trên các công cụ, hệ thống máy móc tiên tiến để đưa ra quyết định về phương pháp điều trị tốt nhất cho những người đang tìm kiếm sự hỗ trợ về sức khỏe tâm thần.
Nhiều cơ sở y khoa và viện y tế trên thế giới đang tiến hành các nghiên cứu về việc sử dụng thiết bị đeo trong hoạt động theo dõi sức khỏe tâm thần. Đơn cử, Trung tâm Khoa học sức khỏe Sunnybrook trang bị các thiết bị đeo tích hợp chức năng sinh trắc học giúp đo lường các chỉ số sinh lý như nhịp tim, huyết áp, hoạt động não thông qua thiết bị đo điện não đồ (EEG), phản ứng da (GSR)…, để thu thập và đánh giá trạng thái cảm xúc của bệnh nhân chấn thương tại mỗi thời điểm.
TS. Christopher Cheung (Khoa Điện sinh lý tim tại Sunnybrook) đánh giá, việc tích hợp thiết bị đeo được vào hệ thống chăm sóc sức khỏe của Canada đã cho thấy kết quả khả quan trong việc giảm số lần nhập viện trở lại, cải thiện việc quản lý bệnh mạn tính và tăng cường giao tiếp giữa bệnh nhân và bác sỹ.
Một phương pháp khác đang được phát triển để đo lường và phân tích trạng thái tâm lý con người là hệ thống nhận dạng cảm xúc giọng nói (SER). Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH), hệ thống SER là một tập hợp các phương pháp luận cô lập, trích xuất và phân loại các tín hiệu giọng nói để phát hiện những cảm xúc ẩn chứa bên trong. Từ đó, tiến hành phân tích các đặc điểm của giọng nói, như cao độ, âm lượng và tốc độ, để phát hiện các dấu hiệu của cảm xúc như lo lắng, buồn bã hoặc tức giận.
Ngày nay, hệ thống SER được ứng dụng tại các vị trí kinh doanh của doanh nghiệp, nhằm đánh giá hiệu suất của các nhân viên tổng đài bằng cách phát hiện cảm xúc của khách hàng, như tức giận hay hạnh phúc.
Ở nước ta, chưa có nhiều nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng về thiết bị đo lường, phân tích trạng thái tâm lý con người được triển khai trong thực tế. Tiêu biểu có thể kể đến như nghiên cứu của nhóm tác giả tại Khoa Kỹ thuật máy tính, Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) về thiết bị phân tích trạng thái tâm lý dựa trên công nghệ cảm biến đo phản ứng da Galvanic (Galvanic Skin Response) dùng trên KIT Freescale.
Nghiên cứu trên chỉ ra khả năng lấy tín hiệu cảm xúc trên cơ thể con người giúp hỗ trợ nhận biết 2 trạng thái “bình thường” và “vui”. Đồng thời, thiết bị cho phép triển khai liên kết với các thiết bị camera, phần mềm nhận dạng hình ảnh… để phân tích các biểu cảm trên khuôn mặt. Nghiên cứu đang được ứng dụng trong các sản phẩm thực tế như máy hỗ trợ điều trị người tâm thần, rối loạn tâm lý, máy làm giảm stress, giảm căng thẳng… tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ.