Ứng xử với công nợ trong hoạt động thương mại
Trong thương mại, việc sử dụng công nợ đã trở thành một phần không thể thiếu, giúp các doanh nghiệp linh hoạt trong bán hàng và cung cấp dịch vụ. Việc sử dụng công nợ không chỉ là sự thấu hiểu tình hình tài chính của khách hàng mà còn là một chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, việc xác định giá trị công nợ, thời hạn và lộ trình thu hồi sao cho hiệu quả luôn là bài toán phức tạp của giới doanh chủ.
Công nợ dưới góc độ kinh tế
Trong kinh tế, công nợ được ghi nhận dưới hai hình thức chính gồm khoản “Phải thu khách hàng” cho bên bán hàng/cung cấp dịch vụ và “Nợ phải trả” cho bên mua hàng/nhận dịch vụ. Giá trị và khả năng đo lường công nợ đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá sức khỏe tài chính của một doanh nghiệp.
Chỉ số vòng quay khoản phải thu (doanh thu/Khoản phải thu), là một chỉ số tài chính quan trọng đánh giá khả năng thu hồi doanh thu. Chỉ số Số ngày thu khoản phải thu (365/Vòng quay khoản phải thu) cho biết thời gian cần thiết để thu hồi doanh thu.
Thực tiễn cho thấy, một số doanh nghiệp công bố doanh thu lớn trên sổ sách kế toán, nhưng dòng tiền lại chiếm tỷ trọng khiêm tốn, từ đó ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản. Đối với công ty đại chúng, việc “phóng đại” khả năng tài chính qua số liệu về doanh thu và “tinh giảm” thông tin về dòng tiền từ thu hồi công nợ để duy trì giá cổ phiếu không còn hiếm khi xảy ra.
Như vậy, việc xem xét các thông tin, chỉ số về công nợ ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược kinh doanh của các nhà quản trị và quyết định “bỏ vốn” vào doanh nghiệp đối với các nhà đầu tư.
Nợ là nghĩa vụ trả tài sản của bên nợ đối với chủ nợ được thể hiện trong hợp đồng hoặc phát sinh từ quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Nợ thường được xác định trên cơ sở tiền tệ.
Theo quy định tại Điều 280 Bộ luật Dân sự 2015, nghĩa vụ trả tiền phải được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức đã thỏa thuận. Đồng thời, nghĩa vụ trả tiền bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Ngoài ra, công nợ còn được xem như một loại tài sản (quyền tài sản) và chủ sở hữu tài sản này có thể chuyển nhượng cho một bên thứ ba thông qua Hợp đồng mua bán nợ khi đáp ứng một số các điều kiện nhất định. Thông qua giao dịch trên, bên mua nợ trở thành chủ sở hữu hợp pháp của tài sản này và bên nợ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho bên mua nợ.
Trong thực tiễn, việc mua bán nợ đã và đang diễn ra rất phổ biến trên thị trường, đặc biệt liên quan đến Hợp đồng tín dụng của các ngân hàng thương mại.
Sử dụng, quản lý và thu hồi hiệu quả công nợ
Việc sử dụng, quản lý công nợ là một vấn đề đặc biệt quan trọng và cũng không kém phần nhạy cảm. Sử dụng, quản lý và thu hồi công nợ hiệu quả giúp doanh nghiệp đảm bảo dòng tiền hoạt động và lợi nhuận để phân phối. Đây còn là yếu tố then chốt để thu hút và duy trì sự tham gia của nhà đầu tư, góp phần vào sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Vì vậy, để tối ưu việc quản trị công nợ, mỗi doanh nghiệp cần xem xét một số phương án tối ưu.
Đầu tiên, phần quan trọng của việc thu hồi công nợ là quản lý một cách hiệu quả ngay từ đầu. Để thực hiện được yêu cầu này, mọi chủ nợ cần lưu ý kiểm tra và xác minh thông tin, lịch sử giao dịch của khách hàng; ký kết hợp đồng với nội dung rõ ràng về điều khoản thanh – quyết toán. Từ đó bộ phận quản lý công nợ luôn theo dõi và cập nhật thông tin thường xuyên với khách hàng.
Trong trường hợp các bên thống nhất, việc xác định công nợ và lộ trình thanh toán cần được ghi nhận rõ ràng, đầy đủ dưới hình thức văn bản có sự xác nhận của người có thẩm quyền của mỗi bên.
Đối chiếu công nợ cũng là một nghiệp vụ của các đơn vị kiểm toán độc lập khi kiểm toán các báo cáo tài chính, đặc biệt đối với các công ty đại chúng. Các biên bản này thường được thể hiện dưới hình thức: Thư xác nhận công nợ, biên bản đối chiếu công nợ… Trong một số quan hệ đặc thù như xây dựng, kết quả thống nhất công nợ còn thể hiện dưới hình thức là hồ sơ quyết toán trên cơ sở biên bản nghiệm thu hoàn thành để đưa vào sử dụng.
Mỗi doanh nghiệp cũng nên tự xây dựng cho mình một kế hoạch, quy chế quản lý công nợ nội bộ. Trong đó, đối với từng khách hàng với lịch sử giao dịch riêng biệt, doanh nghiệp sẽ giới hạn số lượng và giá trị công nợ đến mức nhất định để cảnh báo rủi ro. Đây là cơ sở quan trọng để các bên xem xét khả năng tiếp tục thực hiện giao dịch và hoạch định lộ trình thu hồi các công nợ hiện hữu một cách thích hợp.
Ngoài kế hoạch quản lý công nợ thì việc sử dụng biện pháp thanh toán bảo lãnh cũng là cách ứng xử hiệu quả với các khoản phải thu. Bảo lãnh là việc bên bảo lãnh (thường là ngân hàng) cam kết với bên nhận bảo lãnh (chủ nợ) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh (bên nợ) nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Bảo lãnh thường được thực hiện dưới các hình thức, như: Bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh khoản tạm ứng,… Chủ nợ cần lưu ý rằng biện pháp bảo lãnh thường bị giới hạn trong một thời hạn nhất định gọi là thời hạn bảo lãnh. Trong trường hợp việc thanh toán nghĩa vụ nợ kéo dài quá thời hạn bảo lãnh thì yêu cầu về gia hạn bảo lãnh cần phải được đặt ra.
Trong một số trường hợp, điều khoản bảo lãnh được xem là một trong những điều kiện tiên quyết để các bên quyết định tham gia vào giao dịch.
Giải pháp thứ ba để ứng xử tối ưu với công nợ là thỏa thuận giải quyết công nợ. Trong bất kỳ quan hệ thương mại, việc cho nhau cơ hội gặp gỡ, bày tỏ ý kiến và thỏa thuận phương án giải quyết khi có mâu thuẫn phát sinh luôn là lựa chọn cần thiết trước khi tham gia tố tụng tại cơ quan tài phán. Có nhiều phương thức để thực hiện thỏa thuận giải quyết công nợ, như các bên chủ động tổ chức cuộc họp để thống nhất, thỏa thuận tại trung tâm hòa giải thương mại hoặc hòa giải tại Tòa án trước khi khởi kiện.
Trường hợp các bên không thể tự thỏa thuận giải quyết, việc chủ nợ khởi kiện bên nợ ra cơ quan tài phán có thẩm quyền để thu hồi công nợ là lựa chọn cuối cùng. Theo đó, chủ nợ cần thực hiện đầy đủ các thủ tục từ nộp đơn khởi kiện, tham gia các phiên họp, phiên xử tại giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm và thậm chí là giám đốc thẩm, tái thẩm theo luật định.
Các bên cần thu thập các hồ sơ, tài liệu và lập luận chứng minh liên quan đến công nợ để bảo vệ cho các yêu cầu của mình. Đây được xem là phương án có tính cưỡng chế cao nhất và cũng là lựa chọn tiêu tốn nhiều thời gian và công sức nên các bên cần xem xét trước khi sử dụng.
Yêu cầu mở thủ tục phá sản là một biện pháp khả thi để thu hồi công nợ khi bên nợ mất khả năng thanh toán. Cần lưu ý rằng, tài sản của doanh nghiệp bị phá sản được phân chia theo thứ tự và trong giao dịch thương mại, chủ nợ thường có thứ tự cuối cùng. Điều này có thể khiến họ gặp bất lợi do tài sản của bên nợ đã được sử dụng để thanh toán cho các nhóm trước đó. Vì vậy, trước khi quyết định sử dụng phương án này, chủ nợ cần cân nhắc kỹ lưỡng khả năng thu hồi, tổng hợp thông tin về tài sản của bên nợ để quá trình thu hồi được diễn ra hiệu quả và phù hợp nhất.
Thu hồi công nợ là một quá trình nhạy cảm, phức tạp và cần cân nhắc dưới nhiều góc độ. Để “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, doanh chủ cần xem xét xây dựng các chiến lược và quản trị công nợ hữu hiệu trong chính tổ chức của mình. Khi buộc phải thu hồi, việc thỏa thuận giải quyết mâu thuẫn kết hợp với các phương án giải quyết tranh chấp pháp lý nên được áp dụng linh hoạt để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
(*) Công ty Luật TNHH Pros Legal, TPHCM
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ung-xu-voi-cong-no-trong-hoat-dong-thuong-mai/