Vận hành bộ máy cấp xã thông suốt, hiệu quả
Dù đã lường trước các khó khăn phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy cấp xã mới để chủ động giải pháp tháo gỡ, nhưng khi đi vào hoạt động, nhiều xã vùng sâu, vùng xa ở tỉnh Điện Biên tiếp tục ghi nhận khó khăn do thiếu cán bộ, công chức hoặc có đủ số lượng, nhưng không đáp ứng được yêu cầu của công việc.

Công chức xã Mường Phăng, tỉnh Điện Biên hướng dẫn nhân dân cách giải quyết thủ tục hành chính trên cây tại Trung tâm dịch vụ hành chính công tại xã.
Để sớm giải quyết khó khăn nêu trên, tỉnh Điện Biên dự kiến sẽ bổ sung công chức các vị trí then chốt, đồng thời lên kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã bảo đảm đáp ứng yêu cầu công việc.
Nhiều xã thiếu nhân sự
Được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai xã, gồm: Xa Dung và Phì Nhừ (thuộc huyện Điện Biên Đông cũ), xã Xa Dung thuộc tỉnh Điện Biên hiện gặp khó khăn nhiều hơn các xã khác do thiếu cán bộ, công chức so với quy định.
Đồng chí Giàng Trọng Bình, Bí thư Đảng ủy xã Xa Dung cho biết: Theo Hướng dẫn số 05- HD/TU ngày 20/5/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tổng số cán bộ, công chức khối đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, lực lượng vũ trang của Xa Dung được bố trí là 59 người, nhưng hiện tại toàn xã mới có 49 cán bộ, công chức. Mà số cán bộ thiếu lại rơi vào các chuyên ngành tài chính-kế hoạch, xây dựng, môi trường, văn hóa… bởi thế việc bổ nhiệm lãnh đạo các phòng chuyên môn: Phòng Kinh tế, Phòng Văn hóa-Xã hội, Ban Chỉ huy quân sự xã (thuộc chính quyền xã) cũng đang thiếu.
“Hiện tại mới là bố trí, bổ nhiệm theo con người hiện có, chứ không có sự lựa chọn đúng chuyên môn, nghiệp vụ. Anh em ở xã đang rất lo vì sắp tới sẽ khó khăn hơn”- đồng chí Giàng Trọng Bình chia sẻ.
Cùng địa bàn huyện Điện Biên Đông cũ có xã Tìa Dình được thành lập trên cơ sở nhập hai xã Tìa Dình và Háng Lìa cũng trong tình trạng thiếu cán bộ, công chức. Cụ thể là xã Tìa Dình còn thiếu hai nhân sự. Đồng chí Nguyễn Văn Tăng, Bí thư Đảng ủy xã Tìa Dình cho biết: Thiếu hai công chức thì anh em có thể kiêm thêm việc và gồng gánh cho nhau, nhưng thiếu kế toán thì rất khó đảm đương, trong khi khối lượng công việc nhiều, đòi hỏi chuyên môn riêng biệt.
Tại xã Nậm Nèn - xã thuộc diện đặc biệt khó khăn khi khi hai xã khó khăn nhất của huyện Mường Chà cũ là Nậm Nèn và Huổi Mí, hiện được bố trí đủ số lượng cán bộ, công chức. Tuy nhiên năng lực, trình độ cán bộ, công chức lại rất đáng lo ngại.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nậm Nèn Đặng Anh Tuấn cho biết: Tổng số cán bộ, công chức, viên chức thuộc Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã là 60 người. Trong đó, cán bộ, công chức từ huyện chuyển về là 21 người; cán bộ, công chức của hai xã cũ được sắp xếp là 39 người. Tuy nhiên, sau khi xã quyết định bổ nhiệm, giao việc thì có đồng chí lo không đáp ứng yêu cầu, không thực hiện được nhiệm vụ đã xin không nhận chức vụ lãnh đạo để làm… nhân viên.
Chia sẻ khó khăn với các xã hiện đang thiếu cán bộ, công chức hoặc xã có đủ số lượng mà cán bộ, công chức lại yếu chuyên môn, đồng chí Lê Xuân Cảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường phân tích: Theo chức năng quy định, thì Phòng Kinh tế cấp xã sẽ thực hiện nhiệm vụ của bốn sở, ngành; phòng văn hóa thực hiện nhiệm vụ của năm sở; xã thực hiện nhiệm vụ như huyện cũ lại nhiều ngành, hẳn nhiên việc nhiều thêm.

Cán bộ phường Mường Thanh, tỉnh Điện Biên hướng dẫn người dân cách gửi yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử.
Thực tế nữa là lãnh đạo các phòng ở xã mới hầu hết đều từ phó phòng cấp huyện cũ hoặc là cán bộ chuyên môn nòng cốt các phòng chuyển về… do vậy đòi hỏi cán bộ vừa được giao việc phải đáp ứng ngay theo yêu cầu là rất khó.
Thừa nhận có thực trạng thiếu cán bộ, công chức ở một số xã và thực trạng cán bộ được giao việc còn lúng túng, khó khăn khi tiếp cận công việc mới, tại Báo cáo số 331/ BC-UBND ngày 8/7/2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã chỉ rõ: Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, nhiều công chức từng đảm nhận nhiệm vụ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các xã cũ đã được bố trí sang vị trí công tác khác, trong khi đội ngũ công chức mới được giao việc tại còn lúng túng. Việc điều phối công việc, xử lý hồ sơ hành chính còn cần thêm thời gian để đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ và thực hành tác nghiệp thực tế.
Với việc bên khối đảng, đồng chí Phạm Khắc Quân, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên cũng thừa nhận còn hạn chế và cho biết: Tại một số cấp ủy, cán bộ làm công tác Đảng tại đảng ủy cấp xã mới còn lúng túng trong việc xác định mô hình, loại tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy cấp xã; chưa phân biệt rõ giữa loại hình chi bộ cơ sở, chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với loại hình chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, phường.
Đồng chí Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Sở Nội vụ thông tin thêm: Sau khi được giao việc, có một số đồng chí là lãnh đạo phòng ở cấp xã xin nghỉ việc, bởi vậy cần tiếp tục sàng lọc chất lượng cán bộ sau sắp xếp.
Khẩn trương bồi dưỡng và tập huấn
Để tháo gỡ khó khăn do thiếu nhân sự và nhân sự chưa đáp ứng yêu cầu công việc, bảo đảm việc cấp xã thông suốt, hiệu quả, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo sắp xếp vừa được Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức vào chiều 8/7, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên và các ngành đều cho rằng, cùng với việc rà soát, đánh giá chất lượng, năng lực cán bộ, công chức thì cần tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Nhấn mạnh việc cần thiết rà soát, đánh giá năng lực cán bộ, công chức để phân nhóm bồi dưỡng, tập huấn, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phạm Khắc Quân đề nghị Trường Chính trị tỉnh tổ chức tập huấn ngay cho cán bộ, công chức. Riêng về chuyên môn và trách nhiệm cá nhân, đồng chí Phạm Khắc Quân luôn sẵn sàng hỗ trợ các đồng chí ở xã thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí mong muốn cán bộ ở xã có khó khăn, vướng mắc hoặc có gì chưa hiểu thì chủ động trao đổi, chia sẻ.
Cùng suy nghĩ, giải pháp như đồng chí Phạm Khắc Quân, đồng chí Lê Xuân Cảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị: Các xã mới cần chủ động rà soát, quan tâm biên chế, nhân lực cho hai phòng chuyên môn (kinh tế, văn hóa). Để giúp cấp xã trong giai đoạn đầu vận hành, các sở, ngành của tỉnh cần tăng cường hướng dẫn; riêng Sở Nội vụ cần xét tới phương án sẵn sàng tăng cường cán bộ hỗ trợ cấp xã khi cần thiết.
Ghi nhận nỗ lực của cấp ủy, chính quyền 45 xã, phường và đội ngũ cán bộ, công chức các xã mới đã bước đầu bắt nhịp, thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu, đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên cũng chỉ rõ một số khó khăn nảy sinh khi bộ máy cấp xã mới chính thức vận hành.
Đồng chí Trần Quốc Cường giao Đảng ủy Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương chỉ đạo ủy ban nhân dân các xã, phường chủ động rà soát, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức tại các phòng chuyên môn và tại trung tâm phục vụ hành chính công hợp lý về cơ cấu, năng lực, trình độ sẵn sàng thực hiện được ngay các nhiệm vụ theo yêu cầu.
Cùng với đó, đồng chí giao Trường Chính trị tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về các lĩnh vực, chuyên ngành cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã đáp ứng yêu cầu công việc; việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng phải hoàn thành trước ngày 20/7.
Sau đó, căn cứ nhu cầu thực tiễn, các cơ quan, sở, ngành và Ban Chỉ đạo sắp xếp chính quyền địa phương hai cấp của tỉnh có thể thành lập thêm tổ hướng dẫn xã và đề xuất tổ chức bồi dưỡng, tập huấn riêng theo từng chuyên ngành cho cán bộ, công chức từng nhóm xã, khu vực… theo đúng tinh thần “cần đến đâu hướng dẫn đến đó” theo phương thức “cầm tay chỉ việc”.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/van-hanh-bo-may-cap-xa-thong-suot-hieu-qua-post893379.html