Văn hóa Petrovietnam sẽ ngày càng được củng cố và phát triển trong bối cảnh mới

'Việc thay đổi tên gọi và nhận diện, dù có thể tạo ra sự điều chỉnh về hình thức, chiến lược,... nhưng không thể xóa bỏ hoặc thay thế những giá trị văn hóa đã ăn sâu vào ý thức và hành động của đội ngũ người lao động Petrovietnam. Thay vào đó, những giá trị này sẽ tiếp tục được kế thừa, phát huy và hoàn thiện hơn nữa trong bối cảnh mới', Anh hùng Lao động, TS. Nguyễn Hùng Dũng, nguyên Thành viên HĐTV Petrovietnam, Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam khẳng định.

Ngày 9/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chính thức đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam).

Nhận định về sự kiện mang tính bước ngoặt này, PetroTimes đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hùng Dũng. Cuộc trao đổi cũng xoay quanh những định hướng chiến lược mới, quá trình tái cấu trúc toàn diện trong tư duy phát triển, chức năng nhiệm vụ và vai trò quốc gia của một tập đoàn trụ cột trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp nền tảng.

Theo TS. Nguyễn Hùng Dũng, Petrovietnam đã bồi đắp nên một nền văn hóa đặc trưng, là sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết của các thế hệ người lao động

Theo TS. Nguyễn Hùng Dũng, Petrovietnam đã bồi đắp nên một nền văn hóa đặc trưng, là sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết của các thế hệ người lao động

PV: Là người có nhiều năm gắn bó với Petrovietnam, ông đánh giá như thế nào về việc đổi tên từ “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam” thành “Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam”? Tên gọi mới này phản ánh như thế nào về chiến lược phát triển dài hạn và định hướng chuyển dịch năng lượng của Petrovietnam?

TS. Nguyễn Hùng Dũng: Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ, việc thay đổi tên gọi và định hướng phát triển trở thành một xu thế tất yếu. Đối với Petrovietnam, việc xem xét thay đổi này không chỉ là sự thích ứng với xu hướng chung, mà còn là một bước đi chiến lược, thể hiện tầm nhìn và ý chí của lãnh đạo Tập đoàn trong việc định hình tương lai.

Sự chuyển dịch năng lượng, từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió, hydrogen... đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh. Trước thực tế đó, việc Petrovietnam tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, song song với điều chỉnh chiến lược khai thác và thăm dò dầu khí, là một giải pháp cần thiết. Sự thay đổi này không chỉ giúp Petrovietnam bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, mà còn bảo đảm sự phát triển bền vững và lâu dài cho Tập đoàn trong kỷ nguyên mới. Cuộc chuyển đổi này thể hiện sự nhạy bén trong nắm bắt cơ hội và giảm thiểu rủi ro, từ đó củng cố vị thế của Petrovietnam trên thị trường năng lượng toàn cầu.

PV: Cùng với việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, trong thời gian tới Petrovietnam sẽ phát triển theo ba trụ cột chiến lược là năng lượng, công nghiệp và dịch vụ. Ông đánh giá về hướng phát triển này như thế nào?

Anh hùng Lao động Nguyễn Hùng Dũng: Tuyên bố về định hướng phát triển chiến lược của Petrovietnam trong thời gian tới xác định ba trụ cột chính: Năng lượng, công nghiệp và dịch vụ. Trong lĩnh vực năng lượng, Petrovietnam tiếp tục duy trì hoạt động cốt lõi là tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, đồng thời tích cực chuyển dịch sang các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió, hydrogen... phù hợp với xu hướng phát triển bền vững toàn cầu.

Đối với công nghiệp, Petrovietnam đang nỗ lực xây dựng các chiến lược và giải pháp cụ thể cho các lĩnh vực đã triển khai trước đây, bao gồm công nghiệp điện, công nghiệp khí, công nghiệp cơ khí dầu khí... Mục tiêu là cụ thể hóa và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực này.

Trong lĩnh vực dịch vụ, Petrovietnam mở rộng phạm vi hoạt động, hướng tới các dự án mới như năng lượng xanh, năng lượng sạch và điện gió ngoài khơi. Sự chuyển dịch này không chỉ thay đổi cơ cấu dịch vụ hiện có mà còn mở ra các thị trường và lĩnh vực tiềm năng mới.

Việc mở rộng sang các lĩnh vực mới đòi hỏi đầu tư đáng kể vào công nghệ, kiến thức và chuyên môn sâu. Do đó, định hướng của Petrovietnam là tập trung vào các hoạt động mang tính chiều sâu, bảo đảm sự phát triển lâu dài và bền vững. Sự chuyển đổi này nhằm mục tiêu hoàn thành sứ mệnh của Petrovietnam với vai trò là "Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam," góp phần vào sự phát triển kinh tế và an ninh năng lượng của quốc gia.

Dù đã nghỉ hưu, nhưng TS. Nguyễn Hùng Dũng vẫn luôn dõi theo và dành nhiều góp ý tâm huyết cho sự phát triển của Petrovietnam

Dù đã nghỉ hưu, nhưng TS. Nguyễn Hùng Dũng vẫn luôn dõi theo và dành nhiều góp ý tâm huyết cho sự phát triển của Petrovietnam

PV: Thưa ông, việc chuyển đổi sang mô hình “Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia” có ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa của Petrovietnam không?

Anh hùng Lao động Nguyễn Hùng Dũng: Với 50 năm xây dựng, hình thành và phát triển, Petrovietnam đã bồi đắp nên một nền văn hóa đặc trưng, là sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết của các thế hệ người lao động, Tôi cho rằng việc thay đổi tên gọi, nhận diện không ảnh hưởng đến “Văn hóa Petrovietnam”.

Thực tế cho thấy, Petrovietnam đã trải qua nhiều lần đổi tên trước đây, nhưng văn hóa của Tập đoàn không hề bị suy giảm, mà ngược lại, ngày càng được củng cố và phát triển. "Văn hóa Petrovietnam" là một quá trình tích lũy, bao gồm các giá trị cốt lõi như trí tuệ, đoàn kết, năng động, sáng tạo và nghĩa tình. Đây là những yếu tố được hun đúc qua thời gian, trở thành bản sắc riêng và là nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Việc thay đổi tên gọi và nhận diện, dù có thể tạo ra sự điều chỉnh về hình thức, chiến lược,... nhưng không thể xóa bỏ hoặc thay thế những giá trị văn hóa đã ăn sâu vào ý thức và hành động của đội ngũ người lao động Petrovietnam. Thay vào đó, những giá trị này sẽ tiếp tục được kế thừa, phát huy và hoàn thiện hơn nữa trong bối cảnh mới.

PV: Theo ông, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách gì để hỗ trợ Petrovietnam hiện thực hóa tầm nhìn phát triển thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng hàng đầu khu vực?

Anh hùng Lao động Nguyễn Hùng Dũng: Tôi nghĩ rằng ngoài sự nỗ lực của Petrovietnam thì cũng cần phải có sự tham gia hỗ trợ, chỉ đạo của các cấp, đặc biệt là Chính phủ, Chính phủ cần có những cơ chế rất cụ thể, rất rõ ràng để tạo hành lang pháp lý cho Petrovietnam có thể triển khai và hiện thực hóa các khát vọng của mình.

Ví dụ, xây dựng các cơ chế về tiền lương, tiền thưởng; cơ chế về phân cấp, phân quyền;... để Petrovietnam tăng tính chủ động trong việc tổ chức triển khai thực hiện, như là chỉ định thầu cho các dự án có yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, công nghệ cao - các vấn đề này rất cần thiết phải có.

Với các lĩnh vực mới như năng lượng xanh, năng lượng sạch, hydrogen, điện gió… hiện nay, các nước trong khu vực đang triển khai rất nhiều. Với Petrovietnam, một số đơn vị nòng cốt như PTSC (Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam) cũng đã tham gia đấu thầu và thực hiện rất nhiều các dự án điện gió thành công. Thế nhưng, để có một cơ chế cho Petrovietnam nói chung và các đơn vị thành viên nói riêng triển khai thực hiện, hiện nay vẫn chưa thực sự đầy đủ, cụ thể và hoàn thiện.

Trong khi đó, ở các nước trong khu vực có cơ chế rất cụ thể, rõ ràng. Ví dụ, để tham gia vào cung cấp dịch vụ ở trong nước của họ thì họ có cơ chế yêu cầu phải sử dụng bao nhiêu phần trăm dịch vụ của các đơn vị trong nước, hoặc yêu cầu phải có những công ty trong nước tham gia liên doanh, liên kết để thực hiện các dự án.

Việc huy động vốn cho các dự án đầu tư quy mô lớn, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp còn hạn chế, đặt ra nhiều thách thức. Đối với các doanh nghiệp như Petrovietnam, việc bảo đảm nguồn vốn cho các dự án khai thác và thực hiện trở nên cấp thiết. Trong bối cảnh đó, vai trò của Chính phủ trong việc tạo điều kiện thuận lợi là vô cùng quan trọng.

Cụ thể, cần thiết phải xem xét các cơ chế như trợ giá, vốn, hoặc bảo lãnh để Petrovietnam và các đơn vị thành viên có thể triển khai các dự án. Thông thường, các dự án lớn đòi hỏi sự bảo lãnh của Chính phủ, tuy nhiên, việc thiếu vắng cơ chế này hiện đang là một rào cản đáng kể. Do đó, việc Chính phủ xem xét và triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp là yếu tố then chốt để thúc đẩy các dự án đầu tư quy mô lớn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đình Khương

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/van-hoa-petrovietnam-se-ngay-cang-duoc-cung-co-va-phat-trien-trong-boi-canh-moi-726831.html