Văn học nghệ thuật - 'binh chủng đặc biệt' trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Chiều 29/4, tại trụ sở Báo Nhân Dân đã diễn ra cuộc giao lưu với các nhân chứng lịch sử với chủ đề Văn nghệ sĩ trong Cuộc tổng tấn công nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Các khách mời tham dự tọa đàm bao gồm Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho; Đại tá, nhà văn Chu Lai và Đại tá, nhà thơ Vương Trọng.

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho đã vinh dự đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật; tác giả những ca khúc nổi tiếng về quân đội và lực lượng vũ trang: Tiến bước dưới quân kỳ, Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Người con gái sông La, Thần tốc – Mùa xuân, Hát mừng quê ta giải phóng…

Đại tá, nhà văn Chu Lai đạt Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Trong Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975, ông đi với bộ đội địa phương, chiến đấu ở vùng ven, phối hợp với bộ đội chủ lực tham gia giải phóng miền Nam. Ông là lính thực chiến, tác giả của những tiểu thuyết nổi tiếng về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng như Nắng đồng bằng, Ăn mày dĩ vãng, Khúc bi tráng cuối cùng, Mưa đỏ…

Đại tá, nhà thơ Vương Trọng đạt Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Trong Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975, ông đi theo các đoàn quân giải phóng và có mặt tại TP Hồ Chí Minh ngày 1/5/1975. Tác phẩm chính về đề tài chiến tranh cách mạng: Khoảng trời quê hương, Đảo chìm, Hơi thở rừng hồi, Cùng lính trẻ đọc thơ (Bình thơ)…

VẸN NGUYÊN KÝ ỨC NGÀY TIẾN VÀO SÀI GÒN

Là "lính chiến" trực tiếp chiến đấu tại cửa ngõ Sài Gòn những ngày tháng 4 lịch sử năm 1975, nhà văn Chu Lai vẫn không thể quên được ký ức ngày đoàn quân chiến thắng tiến về thành phố.

Khi ấy, ông đang là chiến sĩ thuộc binh chủng đặc công. Đêm 29/4/1975, cùng đồng đội, ông có nhiệm vụ đánh chiếm và bảo vệ cây cầu đúc dẫn vào nội đô. Với lính đặc công, bóng đêm là bạn hữu, đơn vị của ông rất nhanh chóng làm chủ mục tiêu, trước khi bàn giao lại cho lực lượng bộ binh phòng thủ.

"Thế nhưng, tới 4 giờ 30 phút sáng 30/4, khi trời đã sáng, chúng tôi vẫn chưa thấy bộ binh ta vào. Lúc này, từ phía đối diện, đối phương đang tiến lại gần. Một rừng mũ sắt hiện lên trong tầm mắt. Anh em nghĩ bụng, chắc kế hoạch đã lỡ rồi. Chắc địch sẽ 'nhặt' từng người quân ta đưa lên xe mang đi. Tất cả nhìn nhau, như lời chào vĩnh biệt lần cuối", ông hồi tưởng.

Từng là một người lính chiến trước khi cầm bút, nhà văn Chu Lai có những góc nhìn rất riêng về cuộc chiến đã qua...

Từng là một người lính chiến trước khi cầm bút, nhà văn Chu Lai có những góc nhìn rất riêng về cuộc chiến đã qua...

Đúng lúc này, bên tai chàng lính đặc công bỗng vang lên tiếng ì ầm rất rõ. Mặt đất cũng như khẽ rung lên. Đưa ánh mắt ra xa, những người giữ cây cầu huyết mạch bỗng thấy đầu một chiếc xe tăng nhô ra từ khúc quanh cách đó chừng 2 cây số. Hình ảnh ngôi sao vàng sơn trên tháp pháo theo bụi mù cũng lộ ra.

"Anh em nhảy tưng lên. Có người lao thẳng xuống sông. Tất cả hét lên những tiếng vô nghĩa. Sống rồi! Sống rồi!", nhà văn vỡ òa hồi ức.

Sáng hôm đó, cửa ngõ Sài thành rung chuyển bởi những đoàn ô-tô và xe tăng tiến vào giải phóng. Nhóm đặc công của nhà văn Chu Lai cũng đi theo trên những chiếc xe máy do người dân bỏ lại ven đường.

"Chúng tôi trông như... thổ phỉ khi cả người đen thui đầy bùn đất [cách ngụy trang của cánh lính đặc công - PV]. Nhìn anh em chở nhau đi, bà con Sài Gòn cứ nghĩ rằng đây là xe chở theo những xác chết bị cháy trở về", ông hóm hỉnh kể.

Nhà văn Chu Lai kể lại kỷ niệm ngày đầu tiến vào Sài Gòn. (Ảnh: THẾ DƯƠNG)

Nhà văn Chu Lai kể lại kỷ niệm ngày đầu tiến vào Sài Gòn. (Ảnh: THẾ DƯƠNG)

Ngày đầu vào nội đô, những người lính chiến ngỡ ngàng trước những con đường rộng thênh thang, những tòa nhà cao chọc trời... Đêm đó, họ chẳng thể ngủ yên trên những chiếc giường bằng phẳng. Các chàng trai trẻ vốn quen mùi chiến chinh đành phải... mang võng ra mắc để nằm, xa xăm nhớ về rừng xa.

"Chúng tôi nhớ da diết những đồng đội không bao giờ được trở về. Và chúng tôi bắt đầu khóc".

Giọt nước mắt ấy, hình như, vừa chứa đựng niềm hạnh phúc, lại cũng đong đầy những ẩn ức mà chỉ riêng cánh lính từng cận kề sinh tử mới thấu hiểu được.

Tiến về thành đô muộn hơn nhà văn Chu Lai 1 ngày, nhà thơ Vương Trọng lại có những cảm xúc rất khác biệt. Trước ngày thống nhất hơn 1 năm, khi đang là giảng viên Trường Văn hóa Quân đội thì ông nhận được lệnh rút về, bổ sung cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội để chuẩn bị đi B.

Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: THẾ DƯƠNG)

Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: THẾ DƯƠNG)

Tới đầu tháng 4/1975, sau một thời gian chuẩn bị, ông cùng các nhà thơ Gia Dũng, Duy Khán... lên đường. Trước ngày rời Thủ đô, như một thông lệ, chiếc xe ô-tô đưa những người cầm bút chạy vòng quanh Hà Nội. Nếu thời gian dư dả, xe sẽ đi quanh hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm rồi mới về binh trạm ở Thường Tín. Như một lời tiễn biệt, một lời chào cuối cùng thành phố thân yêu trước khi rời xa. Người ra đi, mang theo tâm thế có thể sẽ chẳng thể trở về...

"Thời điểm ấy, Huế và Đã Nẵng đã được giải phóng rồi. Nhưng chúng tôi vẫn chưa thể tin. Phải tới tận trưa 30/4, khi anh em có mặt tại Nha Trang, tin chiến thắng từ Sài Gòn báo về mới khiến tất cả vỡ òa trong niềm tin son sắt", nhà thơ Vương Trọng nhớ lại.

Nhà thơ Vương Trọng kể lại kỷ niệm ngày nhận tin chiến thắng.

Nhà thơ Vương Trọng kể lại kỷ niệm ngày nhận tin chiến thắng.

"Đó chính là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời người lính chúng tôi. Anh em không kìm được cảm xúc thậm chí đã rút súng ngắn mang theo bắn 3 phát chỉ thiên lên trời để ăn mừng. Ngay tối hôm đó, chúng tôi lên xe quân đội chạy vào Sài Gòn", nhà thơ nhớ lại.

Chiều tiếp theo, Vương Trọng "chạm ngõ" thành phố thủ phủ phương nam. Đập vào mắt ông và đồng đội là những đại lộ rộng mênh mông, nhưng... ngổn ngang quân phục, balo, giày dép, xe cộ... của phía bên kia để lại. Thậm chí, có cả một chiếc trực thăng rơi nằm nghiêng bên phố, cánh quạt chĩa ra đường... Với Đại tá, nhà thơ gốc Đô Lương, đó là thời khắc vô cùng kỳ lạ mà ông bảo "có lẽ cả đời mình sẽ chẳng thể quên".

Sau này vài tháng, từ Thủ Đức, nhà thơ Vương Trọng đã rung động để chắp nên những dòng thơ: “Cắm cờ lên đỉnh cuối cùng/Tăng về nép dưới bóng rừng nghỉ ngơi/Cửa tròn vừa mới hé thôi/Nhô đầu ra, ngập một trời tiếng ve” (Tiếng ve trưa).

Cũng trong những ngày tháng 5 lịch sử ấy ở Sài Gòn, nhà thơ, người lính trẻ vô tình gặp một cô giao liên đi lạc hỏi đường. "Dạo ấy, nhìn các cô rất thương, quần áo cũ sờn, màu da xanh xao mang dấu vết của những trận sốt rét rừng", ông kể.

Cảm xúc đột ngột ùa về, khiến những vần thơ trong bài Trên đường phố Sài Gòn bật ra đầy ẩn ức: "Vẫn nguyên vành mũ lá sen/Vẫn đôi dép đúc vốn quen đường rừng/Vẫn quân phục cũ nửa chừng/Dáng em không lẫn giữa rừng người chen..."

Nhà thơ Vương Trọng đọc bài thơ Trên đường phố Sài Gòn tại buổi tọa đàm (Video: HỒNG QUÂN)

VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT CÓ SỨC MẠNH... HƠN CẢ MỘT SƯ ĐOÀN

Bàn về sức mạnh của văn học, nghệ thuật với 2 cuộc kháng chiến đã qua, cả 3 khách mời đều đồng tình với nhận định của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Văn học, nghệ thuật không phải vật chất nhưng nó có sức mạnh hơn cả một sư đoàn”.

Nhạc sĩ Doãn Nho thậm chí liệt kê chi tiết nhiều tên tuổi kỳ cựu trong làng âm nhạc Việt Nam như các nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Phạm Tuyên, Hoàng Hiệp… Các nhạc sĩ đã có nhiều ca khúc tiêu biểu, nay đã trở thành những tác phẩm kinh điển của dòng nhạc cách mạng như “Ngọn đèn đứng gác”, “Tiếng gọi Thanh niên”, “Lên đàng”, “Hành khúc giải phóng”, “Tiến về Sài Gòn”, “Du kích ca”, “Áo mùa đông”, “Hành quân xa”, “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, “Hà Nội những đêm không ngủ”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”…

“Không một hội viên nào của Hội Nhạc sĩ Việt Nam là không có tác phẩm trong giai đoạn này [Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - PV]. Mới đây, Bộ sưu tập các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân từ năm 1951 đến 2010 đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới", nhạc sĩ Doãn Nho khẳng định.

Nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ tại buổi tọa đàm. (Ảnh: THẾ DƯƠNG)

Nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ tại buổi tọa đàm. (Ảnh: THẾ DƯƠNG)

Nói về những ca khúc đã trở thành kinh điển trong dòng nhạc Cách mạng và đóng góp cho nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam, nhạc sĩ Doãn Nho đưa ra một thí dụ: “Tôi có một quyển sách có khoảng hơn 1.000 bản nhạc, ca khúc… của các nhạc sĩ Huy Thục, Huy Du, Trọng Loan... cùng rất nhiều nhạc sĩ tên tuổi, và có cả tác phẩm của những tác giả là học trò của chúng tôi tốt nghiệp ở Nhạc viện ra. Âm nhạc đóng góp một cách rất đáng tự hào và có sức truyền cảm rất nhanh".

Trong số các ca khúc về chiến thắng lịch sử Mùa xuân năm 1975, nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ, 3 bài hát tiêu biểu “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà, “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Xuân Hồng cho đến nay vẫn chứng tỏ sức sống trường tồn, thường vang lên ở nhiều nơi, kể cả trong những trận thắng bóng đá.

Nhạc sĩ Doãn Nho cho rằng, những trải nghiệm thực tế trên chiến trường đã chạm đến cảm xúc của các nhạc sĩ, để họ có thể viết ra những nét nhạc rung cảm từ trái tim mình. Ông chia sẻ lại kỷ niệm viết ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ” xuất phát từ những cảm xúc khi đặt chân lên đồi A1, nơi đã có sự hy sinh của rất nhiều chiến sĩ ta.

"Ca khúc có cả sự tiếp nối thế hệ, khi tôi chứng kiến những người cựu chiến binh sải bước duyệt binh cùng các tân binh", ông kể lại.

Ảnh: THẾ DƯƠNG.

Ảnh: THẾ DƯƠNG.

Ví von, âm nhạc nói riêng, nghệ thuật nói chung là "đôi cánh thần tiên nâng đỡ tinh thần người lính chiến", nhà văn Chu Lai chia sẻ: Trong những ngày gian khó nhất, ông đã từng cùng đồng đội hành quân tới 18 tiếng mỗi ngày, "mệt đến mức kiệt sức hoàn toàn".

"Khi ấy, chúng tôi nghe những bài hát về Hà Nội, Điện Biên Phủ, đường 9 Nam Lào... Những ca khúc giúp chiến tranh vốn hết sức trần trụi trở nên lãng mạn và mềm mại hơn", Chu Lai nói, thậm chí, tự định danh "binh chủng âm nhạc" để kết luận rằng: Có lẽ, âm nhạc nói riêng, văn học - nghệ thuật nói chung, đã góp một chiến công rất lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc.

Về phần mình, nhà thơ Vương Trọng đề xuất: Nhà nước, Chính phủ cần có sự ghi nhận và "có phần thưởng đặc biệt" cho văn học - nghệ thuật bởi những đóng góp to lớn, nhằm cổ vũ, động viên tinh thần người lính giai đoạn Kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

TIN VÀO... SỰ VĨNH CỬU CỦA TÌNH YÊU TỔ QUỐC

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, dưới góc nhìn của những người đi trước, cả 3 vị khách mời đều bày tỏ niềm tin vào sự vĩnh cửu của tình yêu Tổ quốc.

Theo nhà văn Chu Lai, nhiều người vẫn nhầm tưởng rằng, thế hệ trẻ ngày nay chỉ biết vùi đầu vào smartphone và những ứng dụng giải trí, nhưng ông tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu đất nước, quê hương.

Dẫn chứng cảnh dòng người dài xếp hàng chờ đợi tham dự Triển lãm tương tác kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước của Báo Nhân Dân những ngày qua, nhà văn Chu Lai khẳng định: "Tôi cho rằng, không một thế hệ nào được 'độc quyền' lòng yêu nước. Thế hệ chúng tôi đã từng bỏ tất cả để vượt Trường Sơn đi cứu nước. Đến lượt mình, thế hệ hôm nay, trong những hoàn cảnh đặc biệt cũng sẽ sẵn sàng lên đường vì Tổ quốc".

Trong khi đó, nhạc sĩ Doãn Nho cũng cho rằng, thông qua "hiện tượng" hàng ngàn bạn trẻ xếp hàng đợi lấy Phụ san 30/4 tại Báo Nhân Dân, có thể thấy, không phải thế hệ hôm nay không quan tâm đến lịch sử, mà quan trọng là chúng ta phải biết cách truyền tải cho họ hiểu lịch sử.

“Tôi thường hay đi nói chuyện ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, những đề tài về đất nước, Tổ quốc thường hay được quan tâm. Bản chất con người Việt Nam là vậy, cho nên chúng tôi đặt niềm tin vào thế hệ sau này", ông bày tỏ.

Ảnh: THẾ DƯƠNG

Ảnh: THẾ DƯƠNG

NHÓM PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/van-hoc-nghe-thuat-binh-chung-dac-biet-trong-cuoc-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc-post876201.html