Văn nghệ Huế những ngày 'bay giữa màu xanh giải phóng'

Ngày 26/3/1975, thành phố Huế hoàn toàn giải phóng, Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, do Nhà thơ Thanh Hải làm thủ trưởng, tiếp quản cơ sở 26 Lê Lợi.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm Huế năm 1976, gặp gỡ văn nghệ sĩ Huế

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm Huế năm 1976, gặp gỡ văn nghệ sĩ Huế

Một chặng đường hào hùng

Trước đó, dù bị đàn áp nhưng tiếng nói của những văn nghệ sĩ Huế nặng lòng với độc lập dân tộc, với khát vọng tự do, dân chủ vẫn không thể bị dập tắt. Những sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) chân chính vẫn xuất hiện. Các văn nghệ sĩ ở lại nội thành Huế hoạt động cách mạng, đấu tranh bằng tác phẩm nghệ thuật, như tranh của các họa sĩ Phạm Đăng Trí, Tôn Thất Đào, nhạc của Hoàng Nguyên (Cao Cự Phúc), biên khảo của Tôn Thất Dương Kỵ… Một số văn nghệ sĩ trẻ trưởng thành từ các phong trào đấu tranh đô thị ở Huế đã rời thành phố, tham gia kháng chiến.

Từ chiến khu Thừa Thiên, văn nghệ sĩ tham gia hoạt động văn nghệ trên các tờ báo: Cờ Giải Phóng, Vùng Lên, Việt Nam Trẻ, Cứu Lấy Quê Hương, Quyết Thắng… với các khuôn mặt văn nghệ tiêu biểu. Văn học có Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Văn Hảo, Trần Vàng Sao, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Đắc Xuân, Võ Quê… Âm nhạc có Trần Hoàn, Thuận Yến… Mỹ thuật có Lê Khánh Thông, Lê Minh Trường, Nguyễn Trung Bảy… Sân khấu có Nguyễn Tiến Trung, Thu Lưỡng, Phương Lai… Nhiếp ảnh có Trọng Thanh, Văn Thái… Chi hội Văn nghệ Giải phóng Trị Thiên Huế ra đời do nhạc sĩ Hồ Thuận An (Trần Hoàn) làm Chi hội trưởng, nhà thơ Thanh Hải làm Chi hội phó kiêm Tổng Thư ký, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và đạo diễn Thanh Huyền làm Chi hội phó.

Những năm tháng chống Mỹ, phong trào tranh đấu ở đô thị Huế phát triển mạnh. Văn nghệ sĩ Huế tham gia đấu tranh bằng tác phẩm VHNT và xuống đường, hình thành một đội ngũ đối lập với các thế lực cầm quyền ở miền Nam, ủng hộ công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tạo nên một xu hướng văn nghệ đấu tranh ngay trong lòng thành phố Huế. Nổi bật có thơ tranh đấu của Ngô Kha, Trần Quang Long, nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn, tranh bút sắt của Bửu Chỉ với những bức tranh dữ dội trên các mảnh giấy tố cáo chế độ lao tù, những cánh cửa ngục tù, những bàn tay bị xiềng xích cùng nhau đoàn kết hay những bàn tay bẻ gãy xiềng xích, cùng Nhân dân kêu đòi cơm áo, tự do, hòa bình…

“Bay giữa màu xanh giải phóng”

Từ sau ngày thống nhất đất nước 1975, đời sống VHNT trên vùng đất Huế ngày càng sôi động, như “bay giữa màu xanh giải phóng” (Tố Hữu). Một đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo đang ngày càng phát triển, với những khuôn mặt mới, bao gồm anh chị em trưởng thành trong phong trào đô thị và các cây bút tên tuổi từ chiến khu về.

Tối 14/4/1975, tại Viện Đại Học Huế, có cuộc họp mặt của giới văn nghệ sĩ tại thành phố Huế và văn nghệ sĩ giải phóng Thừa Thiên Huế. Nhà văn, dịch giả Lê Khắc Cầm, thay mặt văn nghệ sĩ thành phố Huế phát biểu cảm nghĩ về những năm tháng sống dưới chế độ Mỹ - Thiệu và niềm phấn khởi trong những ngày giải phóng. Sau đó, nhiều văn nghệ sĩ khác của Huế và của Hội Văn nghệ Giải phóng phát biểu những cảm xúc, xác định nhiệm vụ của văn nghệ sĩ là đem tài năng, sức lực phục vụ đất nước, xây dựng lại thành phố Huế. Toàn thể văn nghệ sĩ có mặt đã thông qua danh sách Ban Điều hành công tác văn nghệ thành phố Huế, trước mắt gồm 7 người, do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Trưởng ban.

Niềm vui ngày hội giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc là niềm cảm hứng cho nhiều tác phẩm ra đời, trong đó có nhiều tác phẩm của văn nghệ sĩ Huế viết về Huế: Toàn thắng về ta, Vui thế hôm nay (Tố Hữu), Một Việt Nam trọn vẹn về ta (Nguyễn Xuân Thâm), Trên dòng Hương, Tình ca viết bên bờ sông Hương (Thanh Hải), Đêm hội hoa đăng (Vĩnh Mai), Chợt nghĩ về chiến khu xanh thẳm, Nghệ thuật và người nghệ sĩ được hoàn toàn giải phóng (Hoàng Phủ Ngọc Tường)…

Hình ảnh trong “Vui thế, hôm nay” rộn rã bước chân chiến thắng, giọng thơ hào sảng, tràn đầy niềm vui tươi náo nức, người đọc như vẫn được sống trong không khí ngày đại thắng. Quả là vào thời điểm đó, khó có cây bút thơ nào thể hiện không khí, tình cảm người chiến thắng được như Tố Hữu: “Tôi nhìn lại, như đôi mắt trẻ thơ/ Tổ quốc tôi. Chưa đẹp thế bao giờ!/ Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển/ Xanh trời, xanh của những giấc mơ.../ Tôi bay giữa màu xanh giải phóng”. Điều thú vị nữa là, đây mới là lần đầu tiên địa danh máu thịt “Trường Sa” xuất hiện trong thơ Tố Hữu.

Những câu thơ của cố nhà thơ Vĩnh Mai viết vào tháng 5/1975 như reo vui trong lòng, trong một mùa non sông thống nhất, vui đến nghẹn ngào trong lòng mỗi người dân Việt: “Những tiếng chào nhau sao mà quá ngọt!/ Ông bạn láng giềng gặp mặt hàng ngày/ Sao cũng có cái gì khác trước/ Trong mỗi tiếng cười, trong từng chân bước/ Năm chục tuổi rồi bỗng hóa thanh niên/ Và những người chưa biết họ biết tên/ Sao cũng ngỡ ngàng như từng gặp mặt” (Đêm hội hoa đăng)…

Tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 9/5/1975, ở trụ sở Hội Văn nghệ Giải phóng diễn ra cuộc gặp mặt các văn nghệ sĩ giải phóng và đoàn văn nghệ miền Bắc. Ngày 17/6/1975, Hội nghị các nhà văn giải phóng lần thứ nhất được tổ chức để chuẩn bị Đại hội các nhà văn giải phóng. Ban trù bị Đại hội gồm 23 ủy viên, Thừa Thiên Huế có 2 người là nhà thơ Thanh Hải và nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Từ cuối năm 1975, hoạt động văn nghệ của Huế diễn ra sôi nổi. Nhà thơ Võ Quê tiếp tục in thơ trên báo Văn Nghệ Giải Phóng (xuất bản tại TP Hồ Chí Minh): Ghi chép ở rừng Cúc Phương, Hạ Long nổi, Động Người Xưa, Cây chò ngàn năm, Bướm Cúc Phương, Cây thuốc, Thú lạ, Đêm Cúc Phương, Bản Mường. Nhà thơ Thanh Hải tái bản tập thơ Huế mùa xuân (Nxb Văn Nghệ Giải phóng, 1975). Nguyễn Quang Hà xuất bản Nghe tiếng gà trên điểm chốt (Nxb Văn Nghệ Giải phóng, 1975)…

Tất cả bắt đầu bước vào kỷ nguyên mới của đất nước thống nhất và phát triển.

Đặng Ngọc Nguyên

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/van-nghe-hue-nhung-ngay-bay-giua-mau-xanh-giai-phong-153129.html