Vật liệu xây không nung vì sao chưa phổ biến?
Từ công trình công nghiệp đến nhà dân, vật liệu xây không nung đang chứng minh ưu thế vượt trội về chi phí và thân thiện môi trường. Nhưng để trở thành vật liệu chủ lực, cần sự đồng bộ từ chính sách đến thay đổi thói quen tiêu dùng.
Thi công tiện lợi, tiết kiệm nhiều thứ
Đầu năm 2025, kỹ sư Nguyễn Đức Hải (Hà Nội) chọn gạch bê tông khí chưng áp (AAC) và tấm tường ALC cho ngôi nhà riêng của gia đình trên phố Hoàng Quốc Việt. Là người từng giám sát nhiều công trình công nghiệp và dân dụng, anh Hải hiểu rõ giá trị của vật liệu này.

Một doanh nghiệp chọn sử dụng tấm ALC Viglacera cho công trình vì vật liệu có chứng chỉ xanh quốc tế.
Theo anh Hải, dù chi phí vật liệu cao hơn, nhưng tổng thể công trình lại tiết kiệm hơn. Vật liệu tấm lớn giúp thi công nhanh, giảm nhân công; không cần trát nhiều, tiết kiệm sơn và vật liệu hoàn thiện. Vật liệu nhẹ giúp giảm chi phí móng và kết cấu, đồng thời cách nhiệt tốt, giúp tiết kiệm năng lượng vận hành công trình.
Không riêng nhà ở, nhiều công trình công nghiệp quy mô lớn cũng đang chuyển sang vật liệu không nung.
Theo ông Lê Trí Viễn, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng đô thị và khu công nghiệp, tại dự án Trung tâm Chỉ huy Công an tỉnh Quảng Ngãi, 70% số lượng gạch sử dụng là gạch block không nung.
Chủ đầu tư một nhà máy của Hàn Quốc tại khu công nghiệp Hải Phòng cũng lựa chọn tấm tường ALC vì có chứng nhận vật liệu xanh, đạt chuẩn phòng cháy chữa cháy của Bộ Công an, đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về nhà xưởng xanh, an toàn và bền vững.
Tại Lào Cai, khu tái định cư làng Nủ đã hoàn thành, đưa vào sử dụng sau 3 tháng, kể từ khi siêu bão Yagi quét qua. Để đạt được tiến độ thi công thần tốc, một phần nhờ ứng dụng công nghệ kết cấu hệ khung bê tông đúc sẵn và vật liệu xây không nung trong lắp ghép. Loại vật liệu này không chỉ nhẹ, dễ vận chuyển, mà còn phù hợp với vùng địa hình phức tạp khi cách nhiệt tốt.
Thân thiện môi trường
Theo Bộ Xây dựng, đến cuối năm 2024, cả nước có khoảng 1.450 cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung, tổng công suất thiết kế đạt 12,4 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm, chiếm khoảng 40% tổng công suất thiết kế sản xuất vật liệu xây.
Ông Lê Văn Kế, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng cho biết, để triển khai hiệu quả hơn chương trình sử dụng vật liệu xây không nung, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương duy trì và thúc đẩy một số giải pháp.
Chính phủ chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung; tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi, miễn giảm thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sử dụng phế thải công nghiệp làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.
Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ; ban hành đồng bộ các tiêu chuẩn liên quan đến thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình sử dụng vật liệu xây không nung…
Cùng với đó, thực hiện nghiêm lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, lò cải tiến, lò vòng, hạn chế cấp phép đầu tư sản xuất gạch đất sét nung mới.
Trong đó, gạch bê tông (xi măng cốt liệu) với khoảng 1.130 cơ sở, tổng công suất thiết kế 11,4 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm, chiếm gần 90% tổng công suất vật liệu xây không nung; Gạch bê tông khí chưng áp (AAC) với 14 cơ sở, công suất khoảng 1,2 triệu m2/năm; tấm tường có 10 doanh nghiệp, tổng công suất khoảng 5,7 triệu m²/năm.
Vật liệu xây không nung không sử dụng đất sét, góp phần bảo vệ tài nguyên đất nông nghiệp. Nguyên liệu đầu vào chủ yếu gồm tro bay, xỉ lò cao, thạch cao nhân tạo, cát nghiền và một phần xi măng, vôi. Trong đó, việc tận dụng tro bay, xỉ lò cao, thạch cao nhân tạo, là những phụ phẩm từ nhà máy nhiệt điện, luyện kim, phân đạm… không chỉ giúp xử lý chất thải công nghiệp, mà còn tạo vòng tuần hoàn trong ngành Xây dựng.
Vật liệu xây không nung không cần nung ở nhiệt độ cao, nhờ đó tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải CO2. Nước trong sản xuất cũng có thể tái sử dụng, góp phần giảm ô nhiễm.
Một số sản phẩm vật liệu xây không nung tại Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn xanh quốc tế như sản phẩm bê tông khí chưng áp AAC và ALC của Viglacera đạt chứng nhận "Sản phẩm công trình xanh" của Hội đồng Công trình xanh Singapore; Tấm tường Acotec của Xuân Mai Corp được Hội đồng Công trình xanh Việt Nam chứng nhận "phù hợp tiêu chí công trình xanh".
Vì sao tiêu thụ hạn chế?
Theo Bộ Xây dựng, năm 2024, sản lượng vật liệu xây không nung đạt hơn 4,9 tỷ viên, nhưng tiêu thụ chỉ khoảng 4,3 tỷ viên, chiếm chưa đến 26% tổng lượng vật liệu xây.

Dự án Trung tâm Chỉ huy Công an tỉnh Quảng Ngãi sử dụng 70% vật liệu xây là gạch block không nung.
Theo TS Thái Duy Sâm, Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, nguyên nhân lớn nhất là thói quen của người tiêu dùng. Nhiều chủ đầu tư tư nhân vẫn lo ngại chi phí cao, thiếu niềm tin vào sản phẩm mới.
Hơn nữa, vật liệu xây không nung có đặc tính khác biệt, đòi hỏi kỹ thuật thi công riêng, song lực lượng thi công hiện nay vẫn còn thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu đội ngũ lành nghề.
Ông Dương Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai chia sẻ, thị trường vẫn giữ thói quen ưu tiên vật liệu truyền thống do quen tay, dễ thi công. Chủ đầu tư một số dự án e ngại rủi ro do chưa hiểu kỹ về sản phẩm.
Ông Lê Văn Kế, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, đến nay hệ thống các văn bản, tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức… liên quan đến vật liệu xây không nung cơ bản đầy đủ, tạo điều kiện cho việc đầu tư, sản xuất và đưa vào sử dụng trong các công trình.
Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo triển khai, phổ biến tuyên truyền, đồng thời tổ chức kiểm tra việc thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (theo Quyết định số 2171/QĐ-TTg) tại nhiều địa phương. Cơ quan chuyên môn thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, khuyến khích sử dụng vật liệu này song kết quả nhìn chung vẫn còn hạn chế.
Cần thêm nhiều ưu đãi về chính sách
Theo TS Trần Bá Việt, Phó chủ tịch Hiệp hội Bê tông Việt Nam, phát triển và sử dụng vật liệu xây không nung là xu thế phát triển vật liệu xây dựng xanh.

Công trình showroom ô tô sử dụng tấm tường ALC làm vật liệu bao che.
"Hiện nay, các yêu cầu kỹ thuật không phải là rào cản mà thiết kế kỹ thuật xây dựng của tư vấn và thực hành kỹ thuật của nhà thầu chưa tốt, chưa đúng là nguyên nhân chính", ông Việt nói và cho rằng, cần đặt ra yêu cầu chứng nhận tay nghề của đội thi công, bao gồm cả cán bộ kỹ thuật và công nhân; thi công mẫu trước khi vào công trình.
Ông Dương Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai đề xuất, cần cập nhật định mức vật liệu xây không nung vào các phần mềm dự toán như G8, Delta, Eta; hỗ trợ tài chính cho chủ đầu tư sử dụng vật liệu xây không nung; ưu đãi tín dụng xanh, miễn giảm thuế với doanh nghiệp sản xuất hoặc sử dụng vật liệu xây không nung.
Ngoài ra, cần chế tài chặt chẽ từ khâu thiết kế, thi công; tuyên truyền sâu rộng tới người dân, chủ đầu tư, nhà thầu; đưa nội dung về vật liệu xây không nung vào giáo trình đại học, cao đẳng.
Theo Quyết định số 2171 ngày 23/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030, đến năm 2025, công trình vốn Nhà nước tại Hà Nội và TP.HCM sử dụng tối thiểu 90% vật liệu xây không nung. Đô thị loại III trở lên sử dụng 70 - 80% và công trình từ 9 tầng trở lên sử dụng 80%.
Đến năm 2030, công trình vốn Nhà nước sử dụng 100% vật liệu xây không nung; Công trình từ 9 tầng sử dụng tối thiểu 90%. Khuyến khích áp dụng vật liệu xây không nung cho tất cả công trình, không phân biệt nguồn vốn.